THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH - XÃ HỘI
   

Việc làm - “trợ lực” cho người dân thoát nghèo bền vững

Ngày tạo:  11/11/2023 20:12:14
(Baothanhhoa.vn) - Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, các ban, sở, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm... đã đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Học sinh, học viên và người lao động học nghề tại Trường Trung cấp nghề miền núi, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc)

Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) đã đề ra những giải pháp thiết thực góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, trong đó chú trọng công tác tạo việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó, hằng năm trên cơ sở số liệu điều tra, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG xã đã phân tích dữ liệu hộ nghèo từng thôn, bản để có các giải pháp giảm nghèo phù hợp. Cụ thể, với những hộ thiếu vốn, xác định rõ nhu cầu vay vốn của từng hộ và triển khai kịp thời có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời kết hợp vốn tự có trong Nhân dân với vốn vay của các tổ chức tín dụng, để thúc đẩy phát triển sản xuất. Cùng với đó, xã cũng nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế để chuyển giao cho nông dân, như: hỗ trợ trâu, bò, lợn nái sinh sản... Bên cạnh đó, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng để cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động nhằm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm và học nghề cho người nghèo... Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống 11,49%, tỷ lệ hộ cận nghèo 10,46%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,8%, vượt chỉ tiêu 1,8% (chỉ tiêu trên 65%).

Với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm; hội nghị tư vấn - giới thiệu việc làm; thu thập, cập nhật thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động và khảo sát, thu thập thông tin tìm kiếm việc làm. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm (ngày hội việc làm), 12 hội nghị tư vấn - giới thiệu việc làm với sự tham gia của 61 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và cơ sở đào tạo... Qua đó, hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm cho 4.410 người lao động. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm và các hoạt động hỗ trợ việc làm khác đã hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho 644 lao động. Thu thập, cập nhật thông tin của 997 đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng lao động và khảo sát, thu thập thông tin tìm kiếm việc làm của 5.067 người lao động. Phối hợp với 7 huyện: Bá Thước, Hậu Lộc, Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh và Thường Xuân tổ chức 10 lớp tập huấn cho 813 điều tra viên là trưởng các thôn, bản; hơn 100 đại diện lãnh đạo UBND, cán bộ chính sách xã, thị trấn triển khai “thu thập cơ sở dữ liệu việc tìm người, người tìm việc”...

Xác định tín dụng chính sách là “trụ cột” trong công tác giảm nghèo, góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của hộ nghèo, cận nghèo, giai đoạn 2021-2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thanh Hóa đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 222,8 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với số tiền gần 11 nghìn tỷ đồng, đã có khoảng 29,4 nghìn hộ thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách...

Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn, hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên, học sinh huyện Quan Hóa. Ảnh: Trần Hằng

Trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng - dự án 4 (trong đó có các tiểu dự án, phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ việc làm bền vững); với mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, mục tiêu của chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống...

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư phát triển Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa thực hiện dự án số 4 là 29 tỷ 622 triệu đồng; trong đó, đã giao kế hoạch vốn năm 2022 là 2 tỷ 567 triệu đồng; năm 2023 chưa phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện giao vốn chi tiết (dự kiến giao là 9 tỷ 020 triệu đồng). Vốn sự nghiệp năm 2022 và 2023 là 23 tỷ 342 triệu đồng. Trong đó năm 2022 là 6 tỷ 409 triệu đồng (giao 100% vốn cho Trung tâm Dịch vụ việc làm); năm 2023 là 16 tỷ 933 triệu đồng (giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Dịch vụ việc làm là 1 tỷ 693 triệu đồng; các huyện, thị xã, thành phố là 15 tỷ 240 triệu đồng); năm 2024 và 2025 dự kiến được phân bổ là 41 tỷ 205 triệu đồng)... Tiến độ thực hiện, tổng kinh phí sự nghiệp phân bổ năm 2022, 2023 đã giải ngân khoảng 2 tỷ 872 triệu đồng/23.342 triệu đồng, đạt 12,30%... Dự kiến, đến ngày 31/12/2023, các nội dung, tiểu dự án thuộc dự án 4 sẽ thực hiện đảm bảo hiệu quả; giải ngân đạt trên 90% kinh phí được giao.

Có thể nói, các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, được thiết kế theo hướng đầu tư cho con người, trong đó chú trọng đến đào tạo nghề - với tư cách là "chiếc cần câu” thiết yếu. Vì vậy, việc triển khai thực hiện hiệu quả nội dung về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. Để làm được điều này, trước hết Nhà nước cần có các chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng khó khăn để tạo điều kiện tiếp cận, tham gia các lớp giáo dục nghề nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt tinh thần “cho cần câu hơn cho con cá” để người nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Mặc khác, ngoài đầu tư hạ tầng, kết nối với các vùng phát triển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người nghèo, để họ có cơ hội tìm việc làm và hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này.


Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.