THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

VĂN PHÒNG UBND TỈNH THANH HÓA
   

Công tác phối hợp của Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức thành viên của Mặt trận với các cơ quan Tư pháp trong 10 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  04/08/2023 11:20:42
Để thực hiện Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 và Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên xây dựng, triển khai và phối hợp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị chung tại địa phương.

     Công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp trong việc triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đồng bộ thông qua các Chương trình phối hợp, chính điều này đã góp phần giúp cho công tác hòa giải đạt được nhiều kết quả. Trong 10 năm các tổ hòa giải đã tiếp nhận trên 45.654 vụ việc. Kết quả đã hòa giải thành 36.477 vụ việc; Tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt từ đạt 80% trở lên. Trên cơ sở sự hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, UBND các cấp ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Từ đó, quan tâm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, thực hiện; sự phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật đã góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. 

     Đối với sự phối hợp của Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh

     Ban Thường trực Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở gắn với thực hiện xây dựng cơ sở và quy chế dân chủ, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của khu dân cư và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…. nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ giữ gìn ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển văn hóa - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện phong trào, từ đó động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở. Cùng với đó, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền xây dựng tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản, lồng ghép giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Mặt trận tham gia công tác hòa giải, gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Trong 10 qua, Ban Thường trực Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh các cấp đã phối hợp với ngành Tư pháp cùng cấp tổ chức được 107 hội nghị phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở cho hơn 19.500 người là Trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, đội ngũ cán bộ Mặt trận tổ quốc các cấp và các hòa giải viên là chi hội trưởng đoàn thể ở cơ sở; cấp phát trên 26.000 cuốn cẩm nang pháp luật về hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, phòng, chống tham nhũng cấp cho các lớp hoà giải viên, cấp phát hơn 9.500 cuốn tài liệu về các lĩnh vực pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình; hơn 550.000 tờ gấp tìm hiểu pháp luật thuộc các lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, ngày pháp luật, khiếu nại, tố cáo, dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; đưa 1234 tin, bài về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương. Phối hợp với Sở tư pháp tỉnh tổ chức Hội thi dành cho các hòa giải viên ở cấp tỉnh.

Thực hiện các kế hoạch của Hội đồng phổ biến pháp luật tỉnh, trong 10 năm Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác hòa giải cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật tại 11 huyện, thị xã, thành phố, khảo sát tại 22 xã, phường, thị trấn; qua kiểm tra, giám sát, các tổ hòa giải hoạt động tương đối có hiệu quả, các vụ hòa giải thành đạt tỷ lệ cao, các vụ việc còn lại đều được hướng dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; thành viên tổ hòa giải là Trưởng ban Công tác Mặt trận, chi hội trưởng các đoàn thể và những người có uy tín, có đủ năng lực về hiểu biết pháp luật.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; từ đó, đề xuất những kiến nghị để UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời.

    Đối với sự phối hợp của thành viên của Mặt trận tổ quốc tỉnh

    Thực hiện Chương trình phối hợp liên ngành số 146/STP-HLHPN ngày 11/4/2018 về về đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật 2018-2022 giữa Sở Tư pháp và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh. Hội LHPN tỉnh và 27/27 huyện, thị, thành phố đều có cán bộ Hội tham gia là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. 

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở được các cấp Hội quan tâm thực hiện đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú như: thông qua sinh hoạt Hội, hội nghị, hội thảo, hội thi, hệ thống loa truyền thanh cơ sở… Trong 10 năm các cấp Hội tổ chức được 8.459 buổi tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở thu hút 698.749 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia nghe, học tập; tổ chức được 107 lớp nghiệp vụ công tác Hội cho 10.759 chị là chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN cấp xã và các chị chi hội trưởng, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Các cấp Hội thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cử Hòa giải viên có kinh nghiệm, kiến thức và uy tín cho các tổ chức hòa giải ở cơ sở.

     Đối với Hội nông dân: Các tổ hòa giải ở cơ sở đối với khu vực nông thôn đều có sự tham gia của đại diện hộ nông dân, Trong 10 năm qua các thành viên của Hội nông dân đã tham gia hòa giải cho 5.343 vụ việc, hàng năm các cấp hội đã tổ chức 125 hội nghị tập huấn cho hơn 2.000 hội viên đối với các nội dung về pháp luật. Việc xây dựng mô hình nông dân với pháp luật luôn được được quan tâm, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 135 câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật".

    Nhìn chung, công tác phối hợp giữa Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, góp phần tích cực đối với công tác hòa giải ở cơ sở, đảm bảo cho công tác này được triển khai thuận lợi. kết quả của sự phối hợp này cũng là bài học quan trọng trong quá trình 10 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở và là thực tiễn cần tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ về công tác hòa giải ở cơ sở qua đó góp phần tích cực vào việc giải quyết tranh chấp, đảm bảo an ninh trật tự tạo điều kiện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

 


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.