Đây là đạo luật rất quan trọng của nước ta quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chắc chắn sẽ có tác động rất lớn tới toàn bộ xã hội. Trong các nội dung của Luật Đất đai năm 2024, ta nhận thấy có 1 cụm từ được quy định nhiều lần trong Luật đó là cụm từ về "Hòa giải" với 39 lần, cụm từ Hòa giải có mặt trong nhiều điều luật, cụ thể tại 6 điều như ( Điều 19. Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai; Điều 28. Nhận quyền sử dụng đất; Điều 133. Đăng ký biến động; Điều 137. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất; Điều 223. Các thủ tục hành chính về đất đai; Điều 235 Hòa giải tranh chấp đất đai).
Việc quy định vấn đề hòa giải trong Luật đất đai là hết sức quan trọng. Có thể dễ dàng nhận thấy, trong những năm qua các tranh chấp diễn ra trong đời sống xã hội ngày càng nhiều, trong số đó tranh chấp thuộc lĩnh vực đất đai chiếm phần lớn, nên việc quy định về hòa giải là một cơ chế giải quyết trong giải quyết tranh chấp đất đai rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo có nhiều cơ chế trong giải quyết tranh chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp, đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với việc giải quyết các tranh chấp này, qua đó nâng cao hiệu quả trong quản lý, giảm tải việc giải quyết tranh chấp đất đai cho các cơ quan tố tụng.
Trong các quy định của Luật Đất đai về Hòa giải có các nội dung quy định như: Mặt trận tổ quốc các cấp có trách nhiệm tham gia hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật; Tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; Cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính và quy định về Hòa giải tranh chấp đất đai….
Như vậy, theo Luật Đất đai 2024, việc giải quyết tranh chấp đất đai giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính sẽ là một thủ tục bắt buộc và Luật đã quy định cụ thể về nội dung Hòa giải tranh chấp đất đai tại Điều 235.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.
Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện như sau:
- Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;
- Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
- Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai;
- Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp;
- Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.
Hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án và pháp luật về tố tụng dân sự. Hòa giải tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan tới đất đai bằng hòa giải thương mại thực hiện theo pháp luật về hòa giải thương mại.
Đối với trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai quy định ở trên này mà hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.
Đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì không thực hiện quy định hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp mà Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định tại Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Với những quy định cần thiết và quan trọng như trên sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả và việc giải quyết các tranh chấp về đất đai được thực hiện ngay từ cơ sở. Việc quy định về Thủ tục hòa giải thành thủ tục hành chính và các nội dung khác liên quan sẽ được Chính phủ quy định chi tiết cụ thể để triển khai, xong những quy định của Luật đất đai 2024 về Hòa giải chắc chắn sẽ góp phần đảm bảo Luật đai 2024 được triển khai vào cuộc sống một cách dễ dàng và hiệu quả hơn./.
Lâm Anh |
File đính kèm |