THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

VĂN PHÒNG UBND TỈNH THANH HÓA
   

Đề án 06 tiếp tục được chỉ đạo, tuyên truyền việc triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  10/05/2024 10:01:05
Ngày 10/5/2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 1069/STTTT-TTBCXB hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan báo chí trong tỉnh và UBND các huyện, thị xã thành phố đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai, thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

        Nhằm tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng các Mô hình về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển VNeID và ứng dụng công dân số tỉnh Thanh Hóa trên nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, kế thừa và phát huy thế mạnh của mỗi ứng dụng, liên thông dữ liệu hướng đến tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Ngày 13/12/2023 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 296/KH-UBND  triển khai các mô hình của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Như vậy, đến thời điểm này Đề án 06 đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn Thanh Hóa và đã đạt được những kết quả quan trọng.

          Để tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" đến đông đảo cán bộ công chức, viên chức, người lao động và quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh, ngày 10/5/2024 Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 1069/STTTT-TTBCXB  hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan báo chí trong tỉnh và UBND các huyện, thị xã thành phố đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai, thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

           Hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa tập trung vào các nội dung như:

          (1) Thông tin, tuyên truyền về kết quả triển khai, thực hiện: Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. 

          (2) Tăng cường tin, bài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và những lợi ích của Đề án 06, trong đó nêu bật 05 nhóm tiện ích mà Đề án mang lại: Một là, Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Đề án đề ra mục tiêu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tối thiểu 25 dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động,…) để người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Hai là, Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: Nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển  kinh tế, xã hội khác. Tích hợp, phát triển ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm… Ba là, Nhóm tiện ích phục vụ công dân số: Hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ… Nhằm tạo điều kiện cho công dân, Đề án đặt ra mục tiêu xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ CCCD gắn chip điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: Dịch vụ cư trú, CCCD, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác. Bốn là, Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư: Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có như: Cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu thuế… đảm bảo giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi. Năm là, Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp: Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội. Khi triển khai thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử, thanh toán điện tử gắn với các hệ sinh thái các cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng chữ kỹ số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử … tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử… kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thông định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực  đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng… 

          (3) Tăng cường việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thông tin, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; khai thác, sử dụng tài khoản định danh điện tử và các tiện ích được Bộ Công an cung cấp trên ứng dụng VNeID. Vận động người dân sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh và Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành. Thông tin về Bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng các tiện ích của ứng dụng VNeID (địa chỉ: https://tailieuhuongdan.dean06.vn); các kênh tiếp nhận kiến nghị, phản ánh và giải đáp vướng mắc liên quan đến các vấn đề về quản lý dân cư, CCCD gắn chíp điện tử, như: Trang Fanpage Facebook “Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư” (địa chỉ: https://www.facebook.com/ttdldc), Tổng đài 1900 0368 của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, để người dân biết, tìm hiểu và liên hệ khi có nhu cầu.

          Để đảm bảo các nội dung tuyên truyền, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh tăng cường đăng tải các Quyết định, Chỉ thị, Thông tư, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương liên quan đến Đề án 06 lên Trang thông tin điện tử; bản tin chuyên ngành của các đơn vị. Tăng cường công tác tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị nắm rõ mục tiêu, nội dung, triển khai thành công Đề án 06.

          Đối với các huyện, thị xã, thành phố  thực hiện việc chỉ đạo các các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền sâu sộng (lồng ghép vào các cuộc họp, hội nghị, buổi tập huấn) đến Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tiện ích của Đề án 06 để Nhân dân hưởng ứng thực hiện. Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền qua hệ thống Đài cấp huyện, trên trang thông tin điện tử và trên tài khoản, nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…), ,… nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao hiểu biết về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

          Đối với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì Chuyên mục Chuyển đổi số; tăng cường và nâng cao chất lượng, số lượng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về việc triển khai, thực hiện Đề 4 án 06 trên sóng Phát thanh – Truyền hình và các ấn phẩm báo chí và các nền tảng mạng xã hội.

          Với sự quan tâm chỉ đạo của UBND, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã, việc thực hiện Dề án 06 trên địa bàn Thanh Hóa sẽ hoàn thành những nhiệm vụ đề ra cũng như nâng cao nhận thức của Nhân dân về các nội dung được triển khai, qua đó giúp cho nhân dân hiểu và ủng hộ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác quản lý của nhà nước và giải quyết những nhu cầu của nhân dân, thúc đẩy xã hội phát triển./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.