THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NỘI VỤ
   

Thanh Hóa chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.

Ngày tạo:  28/06/2023 10:38:53
Ngày 7 tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 9067/UBND-THKH chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg.

    Theo đánh giá của Thủ tướng chính phủ thì thời gian qua, thu hút đầu tư nước ngoài đã có thành tựu lớn, đưa đầu tư nước ngoài trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, quy mô vốn và chất lượng dự án; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Để phát huy, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2022 phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và số 308/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2023 phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược.

     Năm 2021 và 2022, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, song thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đạt được những kết quả khả quan, nhất là về vốn giải ngân, xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

     Hiện nay, tình hình thế giới hiện nay biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, vượt khỏi dự báo. Nhiều thách thức đặt ra cho các nước như suy thoái kinh tế, mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu ... Cạnh tranh giữa các nước trong thu hút đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19 ngày càng gay gắt; xu hướng thay đổi chính sách của các nước nhằm bảo đảm tự chủ chiến lược; việc các nước phối hợp xây dựng các quy tắc quản trị toàn cầu, trong đó có lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2024; xu hướng đẩy mạnh điều chỉnh chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu; sự thay đổi chiến lược đầu tư của các Tập đoàn đa quốc gia... đang tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến hoạt động đầu tư nước ngoài trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam. Kinh tế trong nước có những thuận lợi nhưng cũng tồn tại những khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng GDP được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam đã được nâng lên mức “ổn định” và “tích cực”; cộng đồng doanh nghiệp trong nước nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực đổi mới, chủ động thích ứng; thu hút đầu tư nước ngoài có tín hiệu phục hồi và khởi sắc. Mặt dù vậy, còn có các thách thức không nhỏ, tiềm ẩn tác động đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Sản xuất, kinh doanh đối mặt với chi phí sản xuất và logistics tăng cao, thiếu nguồn cung và nhất là do chống lạm phát, các thị trường lớn của ta bị thu hẹp, đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu...

    Công tác quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài còn có bất cập, có nơi còn thiếu thống nhất, gắn kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư; một số nơi còn có biểu hiện cục bộ, gây khó khăn hoặc chưa chú trọng đến việc thẩm tra, xem xét các tiêu chí về công nghệ, môi trường, lao động; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư còn thiếu chặt chẽ trong phối hợp giữa các Bộ, ngành, các cấp. Môi trường kinh doanh chưa có ưu việt đáng kể so với mặt bằng cạnh tranh thu hút đầu tư trên thế giới và tại khu vực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư, mặt bằng sạch còn thiếu và chi phí sản xuất, kinh doanh đang bị đẩy lên cao, nguồn lao động đã qua đào tạo còn yếu và thiếu... Sự liên kết giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa có liên kết về lợi ích cơ bản và bền vững. Trước tình hình nêu trên và để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới, trước tình hình trên, ngày 24 tháng 5 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo đúng nội dung của Chỉ thị.

     Để thực hiện đầy đủ nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, ngày 7 tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 9067/UBND-THKH chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 26/8/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, Công văn số 6533/UBND-THKH ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan; đồng thời, tập trung nghiên cứu, khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được giao. Trong đó đặc biệt lưu ý các nội dung như:

  - Chuẩn bị các điều kiện tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh;

  - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài;

  - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư; 

  - Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.

    Các nội dung cụ thể đã được giao cho các sở, ban, ngành theo chức năng quản lý. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc chủ động, tích cực của các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, chắc chắn công tác thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được hiệu quả, đặc biệt chất lượng của hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ được nâng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương./.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.