THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NỘI VỤ
   

Tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp, Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Ngày tạo:  20/05/2024 09:48:58
Nhằm đánh giá toàn diện kết quả, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ đó đưa ra giải pháp kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định Tư pháp (GĐTP) và đề xuất, kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án để hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp, Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

         Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi và Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đồng chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có sự tham dự của đồng chí Bùi Đình Sơn- Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

       Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tư pháp, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao  trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền thi hành tố tụng đối với hoạt động giám định tư pháp. Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo cơ quan thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung sửa đổi một số nội dung Luật Giám định tư pháp phù hợp với tình hình và thực tiễn hiện nay.

       

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

     Theo báo cáo,thực hiện nhiệm vụ được giao triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp, trong thời gian qua, các Bộ, cơ quan ngang bộ đã xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tính đến nay, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp lên tới 60 văn bản (của Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành), trong đó,  từ năm 2013 đến tháng 6/2020 là 37 văn bản (02 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Thông tư liên tịch, 01 Quy chế phối hợp và 31 Thông tư); từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2023 là 23 văn bản bản (01 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 21 Thông tư). Đến nay, cả nước có 580 tổ chức giám định giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên môi trường, thông tin và truyền thông, văn hoá, giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bí mật nhà nước, tư pháp, bảo hiểm xã hội...

      Thực hiện Luật Giám định tư pháp, trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Đến nay, đội ngũ giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực trong toàn quốc là 7.135 người, trong đó số giám định viên tư pháp do UBND cấp tỉnh bổ nhiệm 4.081 người; do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm 3.054 người. Bên cạnh đội ngũ giám định viên tư pháp nêu trên, hiện nay, toàn quốc có 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc, trong đó Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công nhận 1.593 người, bộ, cơ quan ngang bộ ở cấp Trung ương công nhận 1.028 người người giám định tư pháp theo vụ việc ở các lĩnh vực chuyên môn…

      Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 20209 đến năm 2022, Cơ quan điều tra trong CAND ra quyết định trưng cầu giám định 399.008 trưng cầu giám định cả trong và ngoài ngành Công an (lĩnh vực kỹ thuật hình sự có 227.938 trưng cầu, lĩnh vực pháp y có 171.070 trưng cầu), với tổng số yêu cầu giám định 484.767 nội dung, từ chối giám định 1.695 nội dung.             Trong đó, lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự có 287.280 nội dung yêu cầu được kết luận (có 285.783 nội dung kết luận được sử dụng, chiếm 99,4%; có 1,497 nội dung kết luận không sử dụng), lĩnh vực pháp y có 195.792 nội dung yêu cầu được kết luận (có 194.393 nội dung kết luận được sử dụng, chiếm 99,3%; 1.399 nội dung kết luận không sử dụng).

Từ năm 2018 đến 30/6/2023, Toà án nhân dân các cấp đã quyết định trưng cầu giám định để giải quyết 8.693 vụ việc, trong đó có 7.270 vụ việc trưng cầu theo yêu cầu cầu đương sự (chiếm 83,6%) và Toà án tự trưng cầu để giải quyết 1.423 vụ việc (chiếm tỷ lệ 16,4%). Trong số các quyết định trưng cầu giám định thì lĩnh vực pháp y là 348 vụ (chiếm 4,2%); pháp y tâm thần 2.412 vụ (chiếm 28,8%); kỹ thuật hình sự 3.454 vụ (chiếm 42,2%); giám định hàm lượng ma tuý là 90 vụ (chiếm 1,1%); tài chính 28 vụ (chiếm 0,3%); ngân hàng 27 vụ (chiếm 0,3 %); xây dựng 191 vụ (chiếm 2,3%); thông tin và truyền thông 5 vụ (chiếm 0,1%); còn lại là các lĩnh vực khác 1.820 vụ (chiếm 21,7%) trên tổng số vụ, việc có trưng cầu, yêu cầu giám định được Toà giải quyết trong hơn 05 năm qua.

       Chất lượng công tác giám định chuyển biến mạnh ở cả 02 cấp, thể hiện ở việc các chuyên ngành giám định ngày càng được triển khai chuyên sâu hơn. Việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định được các tổ chức giám định thực hiện nhanh gọn, nhất là đối với lĩnh vực có tổ chức chuyên trách như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, hầu hết là đáp ứng kịp thời yêu cầu; việc tiếp nhận và thực hiện giám định trong những lĩnh vực không có tổ chức chuyên trách cũng từng bước được các Bộ, cơ quan ngang bộ, sở, ngành chuyên môn, tổ chức được trưng cầu quan tâm tiếp nhận, thực hiện và có nhiều thay đổi, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.

        Tuy nhiên, thực tế vẫn còn thiếu các tổ chức chuyên môn thực sự có năng lực phù hợp với nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng đang từng ngày mở rộng đến các lĩnh vực mới, nhất là lĩnh vực công nghệ tin học, công nghệ cao…

        Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện kết quả, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra 9 giải pháp, 3 kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp. Bộ Tư pháp có 5 đề xuất, kiến nghị Chính phủ đối với Đề án 250 nhằm tiếp nối, phát huy những kết quả đã đạt được trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định, đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng trong thời gian tới.

       Tại tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở Luật GĐTP và Đề án 250, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai, thực hiện, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực Giám định tư pháp. Chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, các kết luận trưng cầu giám định về cơ bản bảo đảm chính xác, khoa học; cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng cho các tổ chức GĐTP được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. 

       Bộ Tư pháp đề nghị trong thời gian tới các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, tăng cường trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định và bảo đảm kinh phí hoạt động cho các tổ chức giám định tư pháp công lập, đồng thời bảo đảm kinh phí, điều kiện giám định cho các cơ quan, đơn vị nhà nước và công chức, viên chức ở lĩnh vực kiêm nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ giám định cho đội ngũ người làm giám định, bảo đảm mỗi người giám định đều được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ giám định; chú trọng và thường xuyên tổ chức tập huấn cập nhật quy định pháp lý mới và kiến thức, phương pháp nghiệp vụ chuyên môn mới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ người giám định tư pháp ở các lĩnh vực…

 

 

 


Trường Giang
Nguồn tin: Bộ Tư pháp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.