THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NỘI VỤ
   

Cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên

Ngày tạo:  27/06/2024 08:52:05
Đảng, Nhà nước ta luôn xác định trẻ em được ưu tiên chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện quan trọng, đặc biệt, Chỉ thị số 28-CT-TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đề ra giải pháp “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

   Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”.

   Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên yêu cầu “Các quốc gia thành viên phải tìm cách thúc đẩy việc hình thành những đạo luật, thủ tục, các cơ quan và tổ chức riêng cho trẻ em bị coi là, bị tố cáo hay bị thừa nhận là đã vi phạm pháp luật hình sự”.

    Việt Nam đã có nhiều bộ luật, luật, văn bản dưới luật điều chỉnh về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên. Từng bước hình thành pháp luật về tư pháp người chưa thành niên. Chính sách hình sự đối với người chưa thành niên cơ bản đã có sự phân hóa. Một số thủ tục tố tụng, biện pháp giám sát, giáo dục, thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng đặc thù áp dụng đối với người chưa thành niên đã được ban hành. Thiết chế bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tư pháp, đặc biệt là hệ thống Tòa gia đình và người chưa thành niên đã từng bước được kiện toàn...

    Tuy vậy, hệ thống pháp luật hiện hành cũng bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể:

    Một là, hệ thống hình phạt hiện hành còn một số sai sót, không thực hiện được trong thực tế; một số quy định chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm, tính chất hành vi phạm tội của người chưa thành niên; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa áp dụng với người chưa thành niên vẫn còn rất nghiêm khắc; điều kiện người chưa thành niên được tha tù trước hạn vẫn còn chặt chẽ;...

Hai là, các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi và còn nhiều bất cập; các biện pháp xử lý chuyển hướng còn ít và mang tính hình thức, thiếu cơ chế phục hồi cho người chưa thành niên;...

    Ba là, thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, khả năng nhận thức và sự phát triển của người chưa thành niên; một số quy định chưa bảo đảm được lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; thiếu thiết chế bảo vệ người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng;...

    Bốn là, chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia để giải quyết hiệu quả các vấn đề về tư pháp người chưa thành niên; chưa quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

    Năm là, quy định về thi hành án, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao. Có khả năng tạo ra sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên.

    Sáu là, chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; một số quy định chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

    Bảy là, pháp luật hiện hành điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên được quy định tản mạn ở nhiều đạo luật, một số quy định còn xung đột nhau. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã chứng minh cách tiếp cận này không hiệu quả, gây nhiều khó khăn khi áp dụng và đang được các nước khắc phục bằng cách ban hành một đạo luật chuyên biệt, toàn diện về tư pháp người chưa thành niên.

     Từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia cho thấy thủ tục giải quyết còn rườm rà, thời gian giải quyết còn dài; quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng; chưa chú trọng tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi; hoạt động tư pháp người chưa thành niên được phân công cho nhiều cấp, nhiều ngành nhưng không có cơ quan chủ trì điều phối, vì vậy, phối hợp liên ngành còn thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả; nguồn lực đầu tư cho việc chăm sóc, bảo vệ người chưa thành niên trong hoạt động tố tụng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu;... Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm, tái phạm vẫn còn cao và có xu hướng gia tăng.

    Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng, các văn kiện này đều khuyến nghị đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên. Tuy vậy, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có Luật Tư pháp người chưa thành niên. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đều đã có đạo luật này. Riêng ở khu vực ASEAN hiện đã có 9/10 quốc gia có Luật Tư pháp người chưa thành niên. Vì vậy, năm 2022 Ủy ban quyền trẻ em Liên hợp quốc đã khuyến nghị Việt Nam “xây dựng và thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp trẻ em, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp trẻ em”.

     Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hành động cảm tính, bốc đồng, manh động; khó kiểm soát cảm xúc; hạn chế trong việc phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm. Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Vì vậy, chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.

     Từ những lý do trình bày trên, việc xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên là khách quan và cần thiết. Xây dựng Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm: Hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; Xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; Bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; Thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; Tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên. 


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.