THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ CÔNG THƯƠNG
   

Sở Tư pháp Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày tạo:  03/03/2023 14:19:39
Ngày 22 tháng 01 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

         Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) qua đó huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm khoa học, đồng bộ, chất lượng, khả thi, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Ngày 22 tháng 01 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Kế hoạch đã giao cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đăng tải toàn bộ Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu kèm theo phục vụ lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử/Trang thông tin điện tử của đơn vị, ngành mình. Tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của đơn vị, ngành mình theo hình thức thích hợp; Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Đề cương, báo cáo tổng hợp kết quả đóng góp ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại phụ lục 1 kèm theo Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 05/3/2023.

          Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-STP ngày 10 tháng 02 năm 2023 về việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó Sở Tư pháp đã xác định rõ các nhiệm vụ lấy ý kiến đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở và các tổ chức công chứng, đấu giá, luật sư thuộc phạm vi quản lý. Bằng các hình thức như: Góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử); Tổ chức hội nghị, tọa đàm; Góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa chỉ website: luatdatdai.monre.gov.vn.

       Nội dung lấy ý kiến được Sở Tư pháp xác định gồm các nội dung: 

       - Lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

    - Lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đât đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất. 

        - Các nội dung trọng tâm lấy ý kiến như sau: (1) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (2) về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; (3) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (4) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu sô; (5) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (6) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; (7) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; (8) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hăng năm; (9) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; (10) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

          Để thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải toàn bộ Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu kèm theo phục vụ lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Sở và Trang thông tin điện tử về phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh. Sở Tư pháp đã tổng hợp ý kiến của các tổ chức công chứng, đấu giá, luật sư trên địa bàn, đặc biệt trên cơ sở việc triển khai rộng rãi các nội dung đóng góp dự thảo luật đất đai tới đội ngũ công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở, vào ngày 24 tháng 02 năm 2023, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trực tiếp đối với những công chức trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ tham mưu liên qua đến các quy định của pháp luật về đất đai để có những đóng góp ý kiến chuyên sâu vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

          Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí là Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo các Phòng chuyên môn, Lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp và toàn bộ công chức của Phòng Xây dựng văn bản và theo dõi, thi hành pháp luật thuộc Sở. Tại Hội nghị đồng chí Bùi Đình Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật đất đai (sửa đổi), đồng thời nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật trên địa bàn, đặc biệt trong nhiều năm qua Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến các quy định của pháp luật về đất đai nên đồng chí đã chỉ ra trách nhiệm và yêu cầu các đồng chí tại Hội nghị với trình độ chuyên môn cũng như thực tiễn công tác và trách nhiệm được giao cần phải nghiên cứu kỹ dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và có những ý kiến đóng góp chất lượng, hiệu quả đáp ứng được yêu cầu của quá trình đổi mới và hội nhập cũng như đảm bảo đúng nguyên tắc xây dựng Luật mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

          Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp, các nội dung góp ý đã được thảo luận sôi nổi, các ý kiến đều thể hiện tâm huyết và trình độ của người tham gia ý kiến với dự thảo Luật. Trong đó có một số ý kiến đóng góp cho các nội dung như: 

          - Ý kiến đóng góp về việc xem xét lại cách quy định tại Điều 29 về nội dung: "Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận". Theo quy định này thì Người sử dụng đất chỉ được thực hiện các chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận, Người đọc sẽ hiểu thời điểm được hưởng quyền sẽ chỉ khi có Giấy chứng nhận, điều này rất dễ dẫn đến hiểu sai và mâu thuẫn với Bộ Luật dân sự và Luật Công chứng. Hơn nữa tại khoản 2 Điều 31 dự thảo Luật có quy định về nghĩa vụ của Người sử dụng đất là: Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Vì vậy đề xuất kết cấu lại nội dung này cụ thể như: "Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy khoản 2 Điều 31 của Luật này" vừa đảm bảo không hiểu nhầm vừa đầy đủ và cụ thể.

          - Ý kiến đối với khoản 1 Điều 4 có ghi: “Quản lý và sử dụng đất đai phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai và các luật khác có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đất đai và Luật khác thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai”. Tuy nhiên Khoản 3, Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Như vậy nội dung của Khoản 3 Điều 4 của dự thảo chưa phù hợp với Khoản 3, Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

          - Ý kiến đối với khoản 2 Điều 20 có ghi: Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp: Tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết phải thu hồi đất, Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất. Quy định này chưa rõ ràng, Dự thảo cần quy định rõ “trường hợp cần thiết” là những trường hợp nào?

          - Ý kiến đối với khoản 1, Điều 31 có ghi: "Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất…";. Căn cứ nào để người sử dụng đất xác định được “độ sâu trong lòng đất”? Đề nghị dự thảo xem xét lại đối với quy định này.

          - Ý kiến đối với điểm a, khoản 5, Điều 126 quy định Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: “Hàng năm phải công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên Cổng thông tin đấu giá quyền sử dụng đất quốc gia, Cổng thông tin của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Điều luật có tiêu đề “Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”, tuy nhiên trong nội dung cụ thể điều luật lại không quy định UBND cấp huyện phải công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên Cổng thông tin điện tử của UBND huyện là chưa chính xác. Đề nghị dự thảo bổ sung. Mặt khác, dự thảo cần quy định cụ thể thời gian UBND cấp tỉnh, cấp huyện công bố kế hoạch, danh mục các khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong năm.

          Với những ý kiến tại Hội nghị này, cùng những đóng góp của công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở và những ý kiến đóng góp của các tổ chức Bổ trợ Tư pháp trên địa bàn, Sở Tư pháp sẽ tổng hợp và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp chung để gửi Ban soạn thao. 

          Qua việc lấy ý kiến của Nhân dân cả nước về Luật Đất đai (sửa đổi) có thể đánh giá: Luật Đất đai là một trong những luật đặc biệt quan trọng gắn liền với đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. việc tổ chức lấy kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là vô cùng cần thiết. Bởi đây là dự án luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai; có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến toàn bộ người dân.

          Việc lấy kiến Nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cho thấy Nhà nước muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân và giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật.

          Như vậy, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn thể hiện sự tôn trọng quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Đây là vấn đề có tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học về quyền dân chủ đối với tài sản là đất đai của Nhân dân. Có như vậy, người dân mới nâng cao trách nhiệm, nhận thức của mình đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.