THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ CÔNG THƯƠNG
   

Tìm hiểu một số quy định của Luật Đấu thầu năm 2023

Ngày tạo:  20/12/2023 08:38:24
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024.

     Đồng thời Luật cũng quy định Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14, Luật số 40/2019/QH14, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15 (sau đây gọi là Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại Điều 96 của Luật này. 

     Đối với những Hợp đồng được ký kết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 của Luật này (Lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp hóa chất, vật tư xét nghiệm và nhà thầu trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, vật tư xét nghiệm đó theo yêu cầu của chủ đầu tư; nhà thầu không chuyển giao quyền sở hữu, chỉ chuyển giao quyền sử dụng thiết bị y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) được thực hiện trong thời hạn quy định tại hợp đồng nhưng không quá 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành;  Các gói thầu lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Dự án đầu tư kinh doanh đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng chuyển tiếp đối với dự án đầu tư kinh doanh; Trong thời gian kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến ngày Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Hợp đồng mà nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất đó được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện trong thời hạn quy định tại hợp đồng nhưng không quá 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật Đấu thầu năm 2023 có 10 Chương, 96 điều, gồm những nội dung chủ yếu sau:

          Chương I. gồm 19 điều luật, Quy định những vấn đề chung, cụ thể như sau: 

          Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

          Điều 2. Đối tượng áp dụng

         Điều 3. Áp dụng Luật Đấu thầu, pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài

        Điều 4. Giải thích từ ngữ

        Điều 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư

        Điều 6. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

        Điều 7. Thông tin về đấu thầu

        Điều 8. Cung cấp và đăng tải thông tin về đấu thầu

        Điều 9. Xử lý và lưu trữ hồ sơ trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

          Điều 10. Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

          Điều 11. Đấu thầu quốc tế

          Điều 12. Ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu

          Điều 13. Đồng tiền dự thầu

          Điều 14. Bảo đảm dự thầu

          Điều 15. Chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

          Điều 16. Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu

          Điều 17. Hủy thầu

          Điều 18. Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

          Điều 19. Tổ chuyên gia, tổ thẩm định

          Chương II, quy định về Hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, gồm 16  điều, cụ thể như sau:

          Điều 20. Các hình thức lựa chọn nhà thầu

          Điều 21. Đấu thầu rộng rãi

          Điều 22. Đấu thầu hạn chế

          Điều 23. Chỉ định thầu

          Điều 24. Chào hàng cạnh tranh

          Điều 25. Mua sắm trực tiếp

          Điều 26. Tự thực hiện

          Điều 27. Tham gia thực hiện của cộng đồng

          Điều 28. Đàm phán giá

          Điều 29. Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

          Điều 30. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ

          Điều 31. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ

          Điều 32. Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ

          Điều 33. Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ

          Điều 34. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư

          Điều 35. Phương thức lựa chọn nhà đầu tư

          Chương III: Quy định về Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, gồm có 7 điều luật cụ thể như sau:

          Điều 36. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án

          Điều 37. Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

          Điều 38. Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

          Điều 39. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu

          Điều 40. Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án

          Điều 41. Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm

          Điều 42. Đấu thầu trước

          Chương IV: Quy định về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, nội dung gồm có 10 điều luật cụ thể như sau:

          Điều 43. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu

          Điều 44. Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà thầu

          Điều 45. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu

          Điều 46. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư

          Điều 47. Công bố dự án đầu tư kinh doanh

          Điều 48. Nội dung hồ sơ mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư

          Điều 49. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư

          Điều 50. Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng

          Điều 51. Yêu cầu đối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

          Điều 52. Trách nhiệm của tổ chức vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

          Chương V: Quy định về nội dung mua sắm tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, được quy định tại  5 điều luật, cụ thể như sau:

          Điều 53. Mua sắm tập trung

          Điều 54. Thỏa thuận khung

          Điều 55. Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế

          Điều 56. Ưu đãi trong mua thuốc

          Điều 57. Lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công

          Chương VI: Quy định về nội dung phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu, được xác định tai 6 điều luật, cụ thể như sau:
          Điều 58. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp

          Điều 59. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn

          Điều 60. Xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn

          Điều 61. Xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp

          Điều 62. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu

          Điều 63. Xét duyệt trúng thầu

          Chương VII: Quy định về Hợp đồng, được thể hiện tại 13 điều luật, cụ thể như sau:

          Điều 64. Loại hợp đồng

          Điều 65. Hồ sơ hợp đồng với nhà thầu

          Điều 66. Điều kiện ký kết hợp đồng

          Điều 67. Ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn

          Điều 68. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

          Điều 69. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng

          Điều 70. Sửa đổi hợp đồng

          Điều 71. Ký kết hợp đồng và nguyên tắc thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

          Điều 72. Hồ sơ hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

          Điều 73. Nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

          Điều 74. Thời hạn hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

          Điều 75. Bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

          Điều 76. Sửa đổi hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh

          Chương VIII: Quy định về trách nhiệm của các bên trong hoạt động đấu thầu, được thể hiện tại 06 điều luật, cụ thể như sau:

          Điều 77. Trách nhiệm của người có thẩm quyền

          Điều 78. Trách nhiệm của chủ đầu tư

          Điều 79. Trách nhiệm của bên mời thầu

          Điều 80. Trách nhiệm của tổ chuyên gia

          Điều 81. Trách nhiệm của tổ thẩm định

          Điều 82. Trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư

         Chương IX: Quy định về quản lý nhà nước đối hoạt động đấu thầu, nội dung được thể hiện tại 12 điều luật, cụ thể như sau:

          Điều 83. Nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu

          Điều 84. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu

          Điều 85. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp

          Điều 86. Thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu

          Điều 87. Xử lý vi phạm

          Điều 88. Xử lý tình huống trong hoạt động đấu thầu

          Điều 89. Giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu

          Điều 90. Điều kiện xem xét, giải quyết kiến nghị

          Điều 91. Quy trình giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà thầu

          Điều 92. Quy trình giải quyết kiến nghị về lựa chọn nhà đầu tư

          Điều 93. Thành phần, trách nhiệm và hoạt động của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị

          Điều 94. Quyền khởi kiện và yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

          Chương X: Quy định về nội dung điều khoản thi hành và được quy định tai 02 điều, với nội dung cụ thể sau:

          Điều 95. Hiệu lực thi hành

          Điều 96. Quy định chuyển tiếp

        Một số nội dung mới của Luật Đấu thầu 2023 so với Luật Đấu thầu 2013, cụ thể

       1. Về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật

Các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc áp dụng của Luật Đấu thầu năm 2023 được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 nhưng có 03 nội dung mới như sau: 

     Thứ nhất, Luật đã bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, ngoài doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật đã bổ sung đối tượng doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

      Thứ hai, Luật đã bổ sung, hoàn thiện quy định về hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm: (i) Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; (ii) Dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

     Thứ ba, Luật đã quy định cụ thể mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu, pháp luật có liên quan, điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Đồng thời, Luật đã có quy định nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí và một số hoạt động mua sắm có tính đặc thù khác…

       2. Về các hình thức lựa chọn nhà thầu 

      Những nội dung mới chủ yếu trong các quy định về vấn đề này gồm:

- Bổ sung một số trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách và một số trường hợp mua sắm đặc thù khác. 

- Phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

- Luật hóa quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời Luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu hiện đang quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. 

      3. Về lựa chọn nhà đầu tư

Các quy định về lựa chọn nhà đầu tư tại Luật này đã được hoàn thiện theo hướng:

- Quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư; hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; ký kết, thực hiện hợp đồng… trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện quy định của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các luật có liên quan.

- Hoàn thiện quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đề xuất tốt nhất về kỹ thuật, xã hội, môi trường và hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực.

      4. Về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu

Luật đã quy định chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hàng hóa có xuất xứ trong nước, sản phẩm đổi mới, sáng tạo, giúp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm này có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường. 

Các đối tượng này sẽ được cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu để so sánh, xếp hạng, được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu. 

      5. Về hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế

Ngoài các quy định chung, Luật Đấu thầu năm 2023 đã dành một Chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế theo hướng:

      Một làtăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế như:

- Giao cho các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ.

- Cho phép cơ sở y tế công lập được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. 

Hai làtạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế như: 

- Cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. 

- Áp dụng mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít.

- Cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ thiết bị y tế từ một nhóm quốc gia cụ thể để mua được thiết bị có chất lượng tốt.

- Cho phép áp dụng đàm phán giá đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất.

Ba làgiải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua, như: 

- Bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó ( “mô hình máy đặt, máy mượn”). 

- Hoàn thiện quy định về ưu đãi cho thuốc sản xuất trong nước theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh trong việc tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến.

- Quy định về thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

      6. Về quy trình, thủ tục đấu thầu

    Nhằm cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, Luật đã quy định  theo hướng:

- Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng nhằm tăng cường tính công khai minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu.

- Cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian; bổ sung quy định cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu. Chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu, đồng thời quy định thời gian tối đa để người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải các thông tin trong đấu thầu.

- Bổ sung quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các Cổng thông tin điện tử, Hệ thống khác nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ dự thầu của nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu của chủ đầu tư.

     7. Về hồ sơ mời thầu, phương pháp, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu

Nhằm góp phần khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, Luật đã quy định theo hướng:

- Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.

- Bổ sung quy định về nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

- Bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.

      8. Về hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu 

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đấu thầu, Luật đã hoàn thiện quy định về hợp đồng theo hướng:

- Phân biệt rõ các trường hợp áp dụng loại hợp đồng với nhà thầu; bãi bỏ quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản.

- Bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện hợp đồng và các trường hợp, điều kiện sửa đổi hợp đồng. Theo đó, các bên không phải ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng đối với các nội dung đã được quy định trong hợp đồng khi đáp ứng các điều kiện về giá gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng, phương pháp, công thức, hạng mục và các nội dung cần thiết.

      9. Về quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu thầu, Luật đã hoàn thiện theo hướng:

     - Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; đồng thời bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu.

     - Hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm, trong đó bổ sung một số hành vi như: Thông thầu, gian lận, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu, cản trở hoạt động đấu thầu... để làm cơ sở xử lý các hành vi vi phạm về đấu thầu xảy ra trong thực tế.

       Với những nội dung của Luật Đấu thầu 2023 đã quy định rõ các nội dung trong hoạt động đấu thầu (cả về quản lý nhà nước cũng như các nội dung, quy trình đấu thầu) có ý nghĩa quan trọng. Điều này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và tạo môi trường kinh doanh hiệu quả bên cạnh việc đem lại lợi ích, tiết kiệm cho bên mời thầu. Cùng với đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết các hành vi bị cấm nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu một cách hiệu quả hơn…. Luật tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; phòng chống, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu. Xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, hoạt động mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.


Hoàng Thùy

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.