Tại hội nghị, các đại biểu đã được đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Hội nhập liên ngành quốc tế về Kinh tế, Bộ Công Thương phổ biến về Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tác động của các hiệp định này đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang tham gia 15 FTA. Các FTA được ký kết với mục tiêu cắt giảm hoặc xoá bỏ hàng rào thuế quan, dịch vụ và đầu tư, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại. Đặc biệt, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA đã và đang giúp các DN được hưởng lợi vì nhiều ưu đãi thuế. Tuy nhiên các hiệp định này cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao và toàn diện hơn về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp...
Báo cáo viên đến từ Cục Phòng vệ Thương mại đã phổ biến các nội dung về thực tiễn xử lý, ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam và một số khuyến nghị khi xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại; Vụ thị trường Châu Á, Châu Phi giới thiệu về những cơ hội, thách thức, phương hướng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Hội nghị cũng đã thảo luận, trao đổi, giải đáp nhiều thắc mắc của DN trong quá trình vận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Thanh Hoá qua các thị trường quốc tế; những vướng mắc, rào cản phòng vệ thương mại tác động gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu hàng hóa của các DN Thanh Hóa đạt từ 5-6 tỷ USD. Theo kế hoạch, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 8 tỷ USD. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Sở Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến các quy định chính sách pháp luật, giúp các cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước, các đơn vị, DN trong tỉnh cập nhật, bổ sung kiến thức quy định mới trong hoạt động xuất nhập khẩu. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa các ưu đãi từ những FTA đã ký kết để mở rộng thị trường và tận dụng ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa.
Tổng hợp: Thanh tra sở |
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa |
File đính kèm |