THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ GIAO THÔNG - VẬN TẢI
   

Tìm hiểu sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012

Ngày tạo:  11/06/2024 15:08:31
Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, giúp Công đoàn Việt Nam phát triển liên tục trong những năm qua.

    Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi Luật Công đoàn cần phải được tiếp tục hoàn thiện.

    1. Xuất phát từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới

Luật Công đoàn hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nổi bật là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đóng góp vào những thành tựu của đất nước trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Công đoàn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới:

- Đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.

- Hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

- Một số quy định về tài chính công đoàn còn chung chung, chưa rõ cơ chế giám sát và việc thực hiện công khai, minh bạch, chưa có quy định về tài chính của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trong bối cảnh tổ chức này được pháp luật quy định cho phép ra đời.

- Cơ chế bảo đảm thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và cụ thể, tính khả thi không cao. Trong khi đó việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn còn dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, dẫn đến tình trạng một số nơi vai trò của tổ chức Công đoàn còn mờ nhạt.

     2. Yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Do Luật Công đoàn được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, nên có những quy định của Luật Công đoàn chưa hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp. Sau Đại hội XII, XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị và hội nhập quốc tế sâu rộng. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức Công đoàn, như: Luật Việc làm (năm 2013), Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật Doanh nghiệp (năm 2014), Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015), Bộ luật Tố tụng dân sự (năm 2015), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 2022), Luật Nhà ở (năm 2023)... Đặc biệt, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua tháng 11/2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), với nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền công đoàn tại doanh nghiệp, khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn.

Do đó, Luật Công đoàn cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật.

     3. Yêu cầu từ hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế là một xu hướng tất yếu, đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Cam kết về lao động trong các Hiệp định này yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của người lao động theo Tuyên bố năm 1998 của ILO. Những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do nêu trên, đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động và “nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn” (Điểm 2.2 Mục III Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới)

Do vậy, Luật Công đoàn cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam. 

     Với những yêu cầu cả về cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đặt ra cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 cho phù hợp với điều kiện hiện nay nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà Luật chưa điều chỉnh. Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới. Đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.