THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ GIAO THÔNG - VẬN TẢI
   

Sửa đổi toàn diện Luật Công chứng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống

Ngày tạo:  24/06/2024 09:08:02
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi) .

           Sửa đổi toàn diện Luật Công chứng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống

         Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi) .

           Nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng

         Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công chứng nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan là cần thiết.

Đồng chí Lê Thành Long- Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp 

      Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế đã đặt ra yêu cầu xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014. "Việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng".

       Tăng thẩm quyền và trách nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp

      Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014. So với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung như sau:

       Xác định công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, trong trường hợp CCV chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

      Bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với CCV, tổ chức HNCC, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, góp phần phát triển các tổ chức HNCC ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc công chứng.

      Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CCV, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung: Quy định người muốn bổ nhiệm CCV phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo). 

      Theo đó, những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 03 tháng theo quy định của Luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 06 tháng; bổ sung một số đối tượng được tham dự khoá đào tạo nghề công chứng 06 tháng như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp…

      Quy định thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng để đảm bảo sự thống nhất và để người tập sự đủ thời gian trải nghiệm, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn; người tập sự phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức HNCC; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự để bảo đảm người được bổ nhiệm CCV có kiến thức, kỹ năng cập nhật.

       Quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi, đồng thời dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm để bảo đảm quá trình chuyển giao hoạt động của những CCV này…

        Về tổ chức HNCC, dự thảo Luật quy định Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng công chứng thay vì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm như hiện nay; quy định Sở Tư pháp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng (VPCC) thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay để tăng cường phân cấp, phân quyền.
      Quy định rõ 03 trường hợp tạm ngừng, thời hạn tạm ngừng, trách nhiệm của Sở Tư pháp và nghĩa vụ của VPCC tạm ngừng hoạt động; bổ sung một số trường hợp thu hồi quyết định cho phép thành lập VPCC; quy định VPCC chỉ được thay đổi địa chỉ trụ sở trong phạm vi địa bàn cấp huyện nơi đặt trụ sở nhằm bảo đảm sự ổn định và phân bố hợp lý các VPCC.

       Đẩy mạnh công chứng điện tử

       Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng; các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

     Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định tại các văn bản dưới luật đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế; đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính (TTHC) trong dự thảo Luật để cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC không cần thiết, làm gia tăng chi phí tuân thủ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH.

     Báo cáo thẩm tra cũng nêu một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau như công chứng bản dịch, mô hình tổ chức của Văn phòng Công chứng, công chứng điện tử…

    Đặc biệt, một trong những nội dung được Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

    Qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật tán thành việc kế thừa quy định về loại hình tổ chức của Văn phòng công chứng như dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng không chỉ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà còn là hoạt động bổ trợ tư pháp, CCV là người phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện. Việc tổ chức Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân như Luật Công chứng năm 2006 có những điểm không phù hợp do khi xảy ra tình huống CCV duy nhất chết hoặc vì lý do khác không thể hành nghề công chứng thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng.

     Đối với công chứng điện tử, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật nhất trí với dự thảo Luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể phù hợp với lộ trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

     Tuy nhiên, để thực hiện chính sách này, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số vấn đề sau đây: Xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; đề xuất giải pháp khắc phục được các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ để có cơ sở thực hiện theo lộ trình; bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử để bảo đảm kiểm soát việc thực thi lộ trình công chứng điện tử do Chính phủ quy định vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của công chứng nội dung, bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch được công chứng, tương xứng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng là có giá trị chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của dự thảo Luật.

     Bên cạnh các vấn đề lớn nêu trên, Báo cáo thẩm tra đầy đủ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) còn có ý kiến về 08 nhóm vấn đề, cụ thể như sau: Về các hành vi bị nghiêm cấm; về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm CCV; về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản; thủ tục công chứng giao dịch; về cơ sở dữ liệu công chứng; hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV; một số vấn đề khác.  


Việt Huy (dẫn nguồn)
Nguồn tin: Bộ Tư pháp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.