THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
   

Tìm hiểu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Ngày tạo:  15/03/2023 14:18:50
Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ đã xác định rõ sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật cũng như quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ngày 9 tháng 11 năm 2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

     I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện.

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã nêu rõ: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Trước đó, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra mục tiêu “đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”.

Các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước cần được thể chế kịp thời trong Luật Tần số vô tuyến điện để thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số, cụ thể là việc quản lý, sử dụng tần số có giá trị thương mại cao; việc quản lý, sử dụng tần số trong đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; việc quản lý đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ chủ quyền về tần số và quỹ đạo vệ tinh... Bên cạnh đó, sau khi Luật Tần số vô tuyến điện được thông qua đến nay, hệ thống pháp luật đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới có liên quan đến nội dung của Luật Tần số vô tuyến điện đã được ban hành, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Phí và lệ phí năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Đầu tư năm 2020, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) ... do đó một số quy định của Luật Tần số vô tuyến điện cũng cần sửa đổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là thực sự cần thiết. Cụ thể việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm vấn đề sau:

     1. Một số quy định về quy hoạch, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong thời gian qua đã bộc lộ các vấn đề hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.        Cụ thể:

   a) Nội hàm của Quy hoạch băng tần chưa bao gồm quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép sử dụng để bảo đảm băng tần được sử dụng hợp lý, hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Băng tần dành cho thông tin di động mặt đất công cộng rất hữu hạn và là đầu vào thiết yếu để doanh nghiệp thông tin di động triển khai mạng lưới, kinh doanh và cung cấp dịch vụ viễn thông cho khách hàng; doanh nghiệp nắm giữ tỷ lệ băng tần di động lớn thì có lợi thế cạnh tranh và ngược lại. Nếu không có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần di động một tổ chức được cấp phép thì có thể xảy ra tình trạng một doanh nghiệp sẽ sở hữu quá nhiều tần số (khi được cấp phép ban đầu hoặc khi mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá), dẫn tới làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông. 

Để tránh trường hợp một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có liên kết về lợi ích nắm giữ phần lớn tài nguyên tần số vô tuyến điện có thể gây bất lợi cho kinh doanh của doanh nghiệp khác, nhiều nước khi triển khai đấu giá, thi tuyển để cấp phép tần số đối với băng tần dành cho mạng viễn thông di động mặt đất công cộng, cơ quan quản lý đã đưa ra giới hạn lượng băng tần mà một doanh nghiệp được nắm giữ cho từng băng tần cụ thể hoặc cho một nhóm băng tần nhất định.

Tại Việt Nam, quy hoạch băng tần là cơ sở pháp lý để cấp phép sử dụng băng tần cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nội hàm quy hoạch băng tần quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 chưa bao gồm quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng, để làm cơ sở cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) phê duyệt quy hoạch băng tần. Đồng thời, nguyên tắc xây dựng quy hoạch tần số vô tuyến điện quy định tại Điều 10 Luật Tần số vô tuyến điện cũng chưa bảo đảm nguyên tắc tránh tích tụ, không cào bằng tần số được phân bổ cho các doanh nghiệp khi lập, phê duyệt quy hoạch để không cản trở việc phát triển thị trường của doanh nghiệp và quyền lợi của người dân.

    b) Các phương thức cấp phép sử dụng tần số cần quy định linh hoạt, đồng thời làm rõ đấu giá hay thi tuyển được ưu tiên áp dụng 

Luật Tần số VTĐ năm 2009 quy định ba phương thức đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp. Áp dụng đấu giá, thi tuyển với trường hợp băng tần, kênh tần số giá trị thương mại cao, nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.

Qua nghiên cứu Luật của một số quốc gia/vùng lãnh thổ cho thấy có 56/73 nước trong Luật có quy định phương thức đấu giá, trong số 56 nước này thì 33/56 nước có quy định cả phương thức thi tuyển. Tuy nhiên, Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc là có thể (chứ không bắt buộc) đấu giá, thi tuyển khi cấp phép đối với tần số như tần số thương mại, tần số khan hiếm, hoặc khi nhu cầu sử dụng lớn hơn khả năng phân bổ mà không quy định rõ tiêu chí khi nào thì đấu giá, khi nào thì thi tuyển. Qua tìm hiểu thực tế đối với 132 nước cho thấy, xu hướng lựa chọn đấu giá vẫn là chủ đạo (có 78/132 nước đã tổ chức đấu giá).

Để vừa bảo đảm tính ổn định của Luật vừa bảo đảm tính linh hoạt trong quản lý, điều hành của Chính phủ căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn ở thời điểm cấp phép, cần thiết phải quy định trong Luật mang tính mở cho phép có thể đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần có giá trị thương mại cao (như băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng) hoặc kênh tần số có giá trị thương mại cao, có nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện. Khi xem xét đấu giá, thi tuyển sẽ ưu tiên lựa chọn đấu giá, chỉ thi tuyển khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có yếu tố mới thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông. Với hướng quy định như vậy, trong những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, địch họa hoặc vì lợi ích quốc gia, không thể đấu giá hoặc thi tuyển thì có thể cấp trực tiếp cho doanh nghiệp các băng tần, kênh tần số để triển khai mạng lưới phục vụ liên lạc khẩn cấp, phục vụ lợi ích quốc gia và đảm bảo tính khả thi của Luật trong mọi tình huống.

      c) Cơ chế đấu giá/thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sau khi giấy phép hết hạn sử dụng chưa phù hợp để thúc đẩy phát triển hạ tầng số

Theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, đối với các băng tần có giá trị thương mại cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ thì khi giấy phép đã cấp hết thời hạn sử dụng tối đa (bao gồm cả thời gian gia hạn) chưa có quy định được cấp phép tiếp. Theo đó, Nhà nước sẽ thu hồi để đấu giá hoặc thi tuyển để cấp phép cho chu kỳ 15 năm tiếp theo của giấy phép.

Tại một số nước, sau khi giấy phép băng tần hết hạn sử dụng sẽ thu về đấu giá, trừ trường hợp doanh nghiệp được cấp phép tuân thủ các quy định của giấy phép trước đó, đồng thời đáp ứng một số điều kiện mới nhất định cho chu kỳ tiếp theo của giấy phép thì được xem xét cấp trực tiếp để tiếp tục sử dụng băng tần đã cấp (Anh, New Zealand, Hồng Kong, Pháp, Canada, Mỹ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha,...). 

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã phủ sóng thông tin di động 2G, 3G, 4G đến 99,8% dân số với hơn 300 nghìn trạm phát sóng di động trên cả nước. Việc thu hồi băng tần sau khi giấy phép hết hạn để đấu giá, thi tuyển có thể dẫn đến tình huống doanh nghiệp không trúng đấu giá hoặc trúng tuyển băng tần đã được cấp phép sử dụng trước đó, gây lãng phí hạ tầng thụ động hiện có. Do vậy, cần quy định mang tính mở hơn, cho phép doanh nghiệp có cơ hội được cấp lại giấy phép để tiếp tục được sử dụng băng tần sau khi giấy phép hết thời hạn nhưng cũng không hạn chế quyền thu hồi tần số của cơ quan Nhà nước khi cần thực hiện mục tiêu mới về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. 

      d) Chưa quy định rõ phương thức cấp phép đối với tần số sử dụng để thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông

Theo Luật Viễn thông (điểm c, khoản 3, Điều 34), ngoài giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông (khi doanh nghiệp chính thức cung cấp dịch vụ) còn có giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, trong đó có sử dụng tần số vô tuyến điện trong phạm vi, quy mô thử nghiệm nhất định nhằm mục đích đánh giá chất lượng mạng và dịch vụ trước khi cung cấp chính thức cho khách hàng. Tuy nhiên, Luật Tần số vô tuyến điện chưa quy định rõ trường hợp doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện để thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông thì cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo phương thức nào (cấp trực tiếp, thi tuyển hay đấu giá).

      đ) Chưa có quy định để quản lý việc sử dụng tần số vô tuyến điện trong một số trường hợp đặc thù

Trong thực tiễn vẫn có các trường hợp đặc thù, cần thiết phải sử dụng tần số trong giới hạn không gian, thời gian nhất định nhưng vẫn cần được quản lý, cấp phép sử dụng với các quy định chặt chẽ về các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo không ảnh hưởng đến các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác và cần được quy định trong Luật. Ví dụ: nhà sản xuất cần đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới.., phục vụ cho sản xuất để xuất khẩu, hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; hoặc để bảo đảm hoạt động của các sự kiện đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép (tương tự như dự án đường đua F1). 

       e) Quy định về thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện còn chưa đầy đủ và thiếu tính khả thi

Luật Tần số vô tuyến điện quy định thu hồi giấy phép trong trường hợp “không nộp phí sử dụng tần số vô tuyến điện và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật”. Quy định nêu trên không giao thẩm quyền để Chính phủ quy định chi tiết làm rõ thế nào là “không nộp phí sử dụng tần số vô tuyến điện” dẫn đến quy định không thực hiện được trong thực tế. 

Luật cũng quy định thu hồi giấy phép sau hai năm kể từ ngày được cấp phép không triển khai trên thực tế các nội dung quy định của giấy phép cũng thiếu tính khả thi đối với các trường hợp sử dụng tần số để kinh doanh dịch vụ viễn thông, chưa có quy trình chặt chẽ để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quyền lợi người sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.

      2. Cần xác định các khoản thu mà tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ thực hiện khi sử dụng tần số vô tuyến điện để thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Luật phí và lệ phí năm 2015

Ngoài phí sử dụng tần số vô tuyến điện và lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 chỉ quy định khi cấp phép các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao thông qua đấu giá thì thu thêm khoản tiền trúng đấu giá (chính là khoản thu tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) mà không quy định khi cấp trực tiếp hoặc thi tuyển loại băng tần, kênh tần số này phải thu khoản tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Thực tế, đối với các băng tần dành cho thông tin di động mặt đất công cộng, khi cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc cấp trực tiếp nhiều nước thường thu một khoản tiền không chỉ để bù đắp chi phí quản lý tần số mà còn thể hiện quyền có lợi thế của doanh nghiệp viễn thông khi có được phổ tần khan hiếm.

Để khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và để thống nhất giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí, lệ phí, Luật Tần số vô tuyến điện, phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần bổ sung quy định về khoản thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đối tượng phải nộp và giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu, phương thức thu để phản ánh giá trị kinh tế của phổ tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số có thể mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời làm rõ nội hàm khoản phí sử dụng tần số vô tuyến điện để không bao gồm giá trị kinh tế của phổ tần số vô tuyến điện.

      3. Công tác đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục, đào tạo, cần đẩy mạnh cải cách hành chính 

Theo quy định của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU (Việt Nam là thành viên), người trực tiếp khai thác đài vô tuyến điện hàng hải, hàng không, vô tuyến điện nghiệp dư phải có chứng chỉ vô tuyến điện viên do Bộ quản lý chuyên ngành về viễn thông cấp hoặc công nhận. Luật hiện hành giao Bộ TTTT trực tiếp thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên là chưa thực sự phù hợp với chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, đào tạo, cấp chứng chỉ của Đảng và Nhà nước, cần được sửa đổi để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa phù hợp với Điều ước quốc tế.

      4. Cần nâng cao trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng đảm bảo tính an toàn, không can nhiễu và chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội

      a) Để được Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU công nhận chủ quyền sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh (ví dụ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo cho vệ tinh Vinasat 1 và 2) phải tiến hành đàm phán khó khăn giữa các nước có liên quan để hoàn thành việc phối hợp tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh với các nước bị ảnh hưởng. Sau khi tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh được ITU công nhận, khi vệ tinh của Việt Nam hoạt động trên quỹ đạo vẫn cần được tiếp tục bảo vệ để không bị ảnh hưởng bởi các tần số vô tuyến điện, vệ tinh của nước ngoài được đăng ký sau này.

Hiện nay, Luật Tần số vô tuyến điện đã có quy định đầy đủ ở khâu đăng ký, phối hợp tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh bao gồm quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý và tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện phối hợp với tổ chức nước ngoài nhưng chưa có quy định bảo vệ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh sau khi được ITU công nhận. Trên thực tế, việc thực hiện kiểm tra các đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài chỉ có Bộ TTTT thực hiện mà chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh đó. Nhiều nước trên thế giới giao cho doanh nghiệp trực tiếp quản lý hệ thống vệ tinh thực hiện việc này, Bộ là đầu mối thông báo với ITU các đăng ký tần số và quỹ đạo vệ tinh có thể gây nhiễu có hại cho vệ tinh của nước đó để huy động nguồn lực của doanh nghiệp, giúp bảo vệ tốt hơn chủ quyền sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.

       b) Đối với vấn đề khai thác sử dụng để đảm bảo an toàn, không can nhiễu, Luật Tần số vô tuyến điện chỉ quy định các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện và thiết bị vô tuyến điện trong khu vực nhiễu có hại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành và tạo điều kiện để phát hiện, xử lý nhiễu. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý nhiễu có hại những năm qua cho thấy nhiều vụ nhiễu có nguyên nhân từ các thiết bị không phải thiết bị vô tuyến điện mà từ các thiết bị điện, điện tử như nhiễu từ đèn huỳnh quang, máy ép công nghiệp,… trong khi Luật hiện hành chưa có quy định cho phép cơ quan quản lý tiếp cận nguồn nhiễu này để tìm nguyên nhân và xử lý nhiễu, gây ảnh hưởng tới hoạt động, lợi ích của người sử dụng khác.

      c) Để đảm bảo nguyên tắc ưu tiên tối đa việc sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ cho các trường hợp khẩn cấp trong hoạt động quốc phòng, an ninh cần bổ sung quy định cho phép Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được toàn quyền quyết định việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện và việc sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh; các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số cho mục đích kinh tế, xã hội phải ngừng sử dụng nếu có khả năng gây nhiễu có hại cho các trang bị, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

     d) Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước kết hợp chặt chẽ bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội cần bổ sung quy định cho phép trong một số trường hợp cần thiết giao quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trên nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông. 

        đ) Luật Tần số vô tuyến điện cũng cần sửa đổi để đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính trong việc quy định về sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về tần số vô tuyến điện, nâng cao hiệu quả của công tác xử lý vi phạm. 

Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nêu trên, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM VÀ YÊU CẦU XÂY DỰNG LUẬT 

       1. Mục tiêu của Luật này là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

       2. Quan điểm của Luật

Một là, quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.

     3. Yêu cầu xây dựng Luật

- Bảo đảm thi hành đầy đủ, nhất quán những cải cách của Luật Tần số vô tuyến điện gắn với việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý chặt chẽ, hiệu quả tần số vô tuyến điện, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông.

- Bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật Tần số vô tuyến điện và các luật có liên quan.

- Bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến phân bổ và sử dụng tài nguyên khan hiếm theo các Hiệp định các hiệp định thương mại tự do FTAs, CPTPP, WTO; cam kết về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên theo Thể lệ vô tuyến điện quốc tế, Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên STCW, Công ước Chicago về hàng không dân dụng.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.