THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
   

Tăng cường chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngày tạo:  15/05/2023 18:02:23
Ngày 15 tháng 5 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động số 119/KH-UBND triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính phủ và Kế hoạch số 128-KH/TU ngày 29/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

         Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính phủ, Kế hoạch số 128-KH/TU ngày 29/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025.

          Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/02/2023 của Chính phủ và Kế hoạch số 128-KH/TU ngày 29/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, ngày 15 tháng 5 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 119/KH-UBND triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh.

          Kế hoạch hành động đã quán triệt các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ: Phải xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, sự phối hợp giữa các đơn vị trong công tác ngoại giao kinh tế. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế, cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả, thực chất làm tiêu chí hàng đầu, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đảm bảo việc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 15, Nghị quyết số 21 và Kế hoạch số 128 phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

          UBND tỉnh đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã đề ra:

          - Tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế.

          - Củng cố, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới;

          - Nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

          - Xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm;

          - Nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành, phát triển kinh tế - xã hội; 

          - Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai công tác ngoại giao kinh tế; 

          Trên cơ sở những nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh đã phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình thực hiện: 

          Sở Ngoại vụ là cơ quan chủ trì triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện kế hoạch này, định kỳ tổng hợp, tham mưu sơ kết, tổng kết và thực hiện chế độ báo cáo với UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền theo quy định. Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc triển khai kế hoạch. 

          Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 15, Nghị quyết số 21 và Kế hoạch số 128. Phối hợp với các cơ quan Trung ương và đơn vị trong tỉnh, thường xuyên nắm bắt tình hình công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị cho phù hợp; tăng cường công tác giao lưu, kết nối với kiều bào ta ở nước ngoài, phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác xây dựng tình hữu nghị với chính quyền, nhân dân địa phương nước sở tại, khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam, người Thanh Hóa ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

          UBND tỉnh đã đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, VCCI Chi nhánh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh và các đơn vị liên quan, tích cực tham gia đóng góp ý kiến và tham dự các chương trình, hoạt động ngoại giao kinh tế do địa phương tổ chức; đồng thời, phối hợp đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cho công tác ngoại giao kinh tế phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng phát triển của địa phương.

          Với những mục tiêu được đặt ra cùng những nhiệm vụ cụ thể, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chắc chắn việc thực hiện nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ đạt được những kết quả tích cực. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với công tác ngoại giao kinh tế, trong đó cần quán triệt ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, tạo thành sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, góp phần phát triển tỉnh Thanh Hóa ngày một vững mạnh./.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.