THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ NGOẠI VỤ
   

Thanh Hoá chỉ đạo chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh

Ngày tạo:  16/04/2025 16:11:10
Ngày 14 tháng 4 năm 2025, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2025-2030.

         Nhằm cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các - bon và khí mê - tan của ngành giao thông vận tải; Công văn số 8685/VPCP-CN ngày 25/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh, phủ phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Thanh Hóa, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động giao thông vận tải giai đoạn 2025- 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngày 14 tháng 4 năm 2025, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2025-2030.

          Việc thực hiện các mục tiêu phải đáp ứng yêu cầu gắn trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước trong nhiệm vụ chuyển đổi sang sử dụng xe ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định nội tỉnh đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của các sở, ban, ngành và địa phương; phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, khả năng huy động nguồn lực, tính khả thi, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.

          Về chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định nội tỉnh trong giai đoạn 2025-2030:

           Lộ trình chuyển đổi sang sử dụng xe ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt: Từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện (gồm: Xe thuần điện là xe cơ giới sử dụng hệ thống truyền động điện; Xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy là xe cơ giới điện sử dụng pin nhiên liệu thuần túy, trong đó hệ thống pin nhiên liệu là nguồn năng lượng duy nhất trên xe cho hệ thống động lực của xe, năng lượng xanh (là xe cơ giới không phát thải trực tiếp các-bon khi vận hành, như: xe thuần điện, xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy, xe sử dụng nhiên liệu hy-đrô). Đến hết năm 2030: Tối thiểu 50% phương tiện xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh.

          Lộ trình chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh: Từ năm 2025: Khuyến khích xe tuyến cố định nội tỉnh thay thế, đầu tư mới thực hiện chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh. - Đến hết năm 2030: Tối thiểu 50% xe tuyến cố định nội tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh.

           Về hạ tầng trạm sạc điện cho xe điện trong giai đoạn 2025-2030 Đảm bảo phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc điện cho xe ô tô điện trên phạm vi toàn tỉnh đáp ứng nhu cầu cho xe ô tô điện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

          Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành chuyên môn thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ như:

          Sở Xây dựng: Tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thực hiện chuyển đổi sử dụng ô tô điện. Tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải về lộ trình, chính sách và lợi ích của việc chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định nội tỉnh.

          Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của trụ sạc điện. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của trụ sạc điện đến các đơn vị trên địa bàn tỉnh khi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của trụ sạc điện được ban hành.

          Sở Công Thương chủ trì, rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải, cấp nguồn điện cho phương tiện giao thông điện (trong đó có xe buýt điện, xe khách chạy bằng ô tô điện); phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn các đơn vị lắp đặt các trạm sạc điện đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành. 

          Sở Tài chính căn cứ đề nghị của các đơn vị liên quan, khả năng bố trí và cân đối nguồn vốn, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, kết hợp lồng ghép trong các chương trình, nhiệm vụ, dự án, chi thường xuyên hàng năm để thực hiện Kế hoạch theo quy định; kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách để thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch. - Phối hợp với cơ quan chuyên môn trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong việc phát triển hệ thống trạm sạc điện cho xe ô tô điện trên địa bàn tỉnh. 

          Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan, các đơn vị vận tải hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định nội tỉnh về lợi ích và lộ trình chuyển đổi sử dụng ô tô điện theo Kế hoạch này để biết và thực hiện. 

          UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp trong Kế hoạch; đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho các cá nhân, đơn vị có liên quan trên địa bàn được biết nội dung của Kế hoạch để thực hiện.

          Với mục tiêu về chuyển đổi năng lượng xanh mà chính phủ đưa ra và là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); đồng thời cũng là cơ hội để ngành giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới. Chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải có nền tảng là sự chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, cần dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải cần xây dựng lộ trình hợp lý, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững trong thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải. Khẩn trương bổ sung, sửa đổi thể chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến; tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải. Tăng cường hợp tác quốc tế để triển khai thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải dựa trên cách tiếp cận toàn cầu với sự phối hợp của tất cả các quốc gia, tranh thủ tối đa sự ủng hộ và hỗ trợ quốc tế. Thì việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2025-2030 là hành động thiết thực, góp phần đảm bảo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả, phát triển kinh tế, xã hội bền vững./.


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.