THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

BỘ CHỈ HUY BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH
   

Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Ngày tạo:  15/04/2025 14:40:25
Ngày 09 tháng 4 năm 2025, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1866/BTP-PLHSHC về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

      Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp và nhiệm vụ được giao tại Công văn số 001/CV-BCĐ ngày 19/3/2025 của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp về việc ban hành hướng dẫn xử lý vấn đề phát sinh thuộc lĩnh vực hộ tịch, đăng ký biện pháp bảo đảm và các lĩnh vực liên quan khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Ngày 09 tháng 4 năm 2025, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1866/BTP-PLHSHC về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để các địa phương kịp thời phổ biến đến cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhằm triển khai, thực hiện tốt chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thông suốt, liên tục, không gián đoạn, không bỏ sót nhiệm vụ. Các nội dung được Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể:

I. Lĩnh vực hộ tịch, nuôi con nuôi

1. Đối với cấp tỉnh

a) Về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, nuôi con nuôi

- Để bảo đảm việc nộp, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch trực tuyến của người dân không bị gián đoạn, đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo điều chỉnh Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; Sở Tư pháp rà soát, thống
kê, kiểm soát các tài khoản của hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch đã được cấp cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã; tạo tài khoản mới phù hợp, khoá/xoá đối với những tài khoản của công chức làm công tác hộ tịch đã chuyển công tác hoặc thôi
việc sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

- Sở Tư pháp cần chủ động rà soát, thống kê số lượng công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn; nghiên cứu, tham mưu UBND cấp tỉnh bố trí nguồn lực phù hợp cho đơn vị cấp xã, bảo đảm việc tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ đăng ký, quản lý hộ tịch, nuôi con nuôi (tăng cường biên chế công chức tư pháp - hộ tịch, tương ứng là kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch); việc phân bổ cần dựa trên số lượng việc phát sinh thực tế của từng địa bàn để có cơ chế điều phối linh hoạt về nguồn lực cho các đơn vị phát sinh nhiều việc hộ tịch.

- Đối với các hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi (Hồ sơ ghi vào Sổ việc nuôi con nuôi đã được đăng ký ở nước ngoài; xác nhận công dân Việt Nam thường trú ởkhu vực biên giới đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng làm con nuôi) mà UBND cấp huyện đang giải quyết, nếu đến thời điểm chấm dứt hoạt động vẫn chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết, thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phân công UBND cấp xã nơi cư trú của người có yêu cầu tiếp tục giải quyết, bảo đảm không gián đoạn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Trường hợp nội dung công việc, hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi liên quan đến từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên hoặc có nội dung phức tạp thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao Sở Tư pháp tiếp tục giải quyết (trừ trường hợp các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành mới có nội dung hướng dẫn khác).

b) Về việc lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng Sổ hộ tịch, Sổ đăng ký nuôi con nuôi, hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

Các đơn vị cũ cần thống kê, sắp xếp và chuyển giao toàn bộ Sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi đang lưu trữ cho đơn vị mới. Đơn vị mới tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng Sổ, hồ sơ đăng ký theo quy định. Tỉnh/thành phố mới có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tiếp các hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do các đơn vị cũ đang thực hiện hoặc chưa thực hiện xong tính đến thời điểm triển khai mô hình tổ chức mới. Nếu đơn vị mới không thay đổi tên gọi thì sẽ tiếp tục sử dụng Sổ đăng ký nuôi con nuôi hiện có, không thay đổi số thứ tự đăng ký. Nếu đơn vị thay đổi tên gọi thì cần khóa Sổ đăng ký nuôi con nuôi cũ và mở Sổ đăng ký nuôi con nuôi mới.

2. Đối với cấp huyện

Về Sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi, UBND cấp huyện chủ động kiểm tra, rà soát, thống kê Sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi đang lưu giữ, thực hiện bàn giao cho Sở Tư pháp (toàn bộ Sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi từ thời điểm chấm dứt hoạt động trở về trước (UBND cấp xã tiếp tục lưu trữ Sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch của cấp xã chuyển giao, khai thác Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để giải quyết thủ tục hành chính theo quy định)) để lưu trữ; bảo đảm tại thời điểm bàn giao, Sổ, hồ sơ đăng ký đầy đủ thông tin theo đúng quy định pháp luật.

3. Đối với cấp xã

a) Về trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi

Đơn vị hành chính cấp xã mới có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tiếp các hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi do các đơn vị hành chính cấp xã trước đây tiếp nhận, chưa giải quyết xong; tiếp nhận giải quyết hồ sơ do UBND cấp huyện xử lý mà đến thời điểm chấm dứt hoạt động vẫn chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan theo sự phân công của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

b) Đối với nhiệm vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Nuôi con nuôi (giải quyết các việc hộ tịch liên quan đến nuôi con nuôi; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình giải quyết việc nuôi con nuôi và thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi tại địa phương;..) và nhiệm vụ xác nhận công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới đủ điều kiện nhận trẻ em của nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới làm con nuôi, ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi việc nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng quy định tại Điều 22 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 06/2025/NĐ-CP) thì chuyển UBND cấp xã thực hiện.

c) Về việc lưu trữ, bảo quản, khai thác, sử dụng Sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi:

- Trường hợp một hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập vào một đơn vị hành chính cấp xã (thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới nhưng không thay đổi tên gọi): Cấp xã mới cần thực hiện khóa Sổ hộ tịch, Sổ đăng ký nuôi con nuôi đang sử dụng; thống kê, sắp xếp và bàn giao toàn bộ Sổ, hồ sơ đăng ký cho đơn vị mới để lưu trữ, khai thác, sử dụng. Đơn vị mới tiếp tục sử dụng Sổ đăng ký hiện có, không thay đổi số thứ tự đăng ký.

- Trường hợp sáp nhập hai hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp xã để thành lập một đơn vị hành chính cấp xã mới, có tên gọi mới: Các đơn vị cấp xã được sáp nhập cần thực hiện khóa Sổ hộ tịch, Sổ đăng ký nuôi con nuôi đang sử dụng; thống kê, sắp xếp và chuyển giao toàn bộ Sổ, hồ sơ đăng ký để lưu trữ tại đơn vị mới. Việc đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi tại đơn vị mới sẽ mở Sổ đăng ký mới, quyển số 01, ghi số thứ tự đăng ký từ số 01.

- Trường hợp tách diện tích và nhân khẩu của một đơn vị hành chính cấp xã ra làm nhiều phần để sáp nhập vào các đơn vị hành chính cấp xã khác nhau (các đơn vị mới): UBND xã được tách thực hiện khóa Sổ hộ tịch, Sổ đăng ký nuôi con nuôi đang sử dụng; thống kê, sắp xếp toàn bộ Sổ, hồ sơ đăng ký để bàn giao, lưu trữ tại 01 đơn vị mới (theo quyết định của UBND cấp tỉnh, nên giao cho đơn vị có phần lớn diện tích, nhân khẩu của xã cũ nhập vào). Đơn vị nhận bàn giao Sổ, hồ sơ đăng ký có trách nhiệm sao (chứng thực) 01 bản Sổ đăng ký cho các đơn vị mới khác lưu, sử dụng làm căn cứ cấp bản sao Trích lục hộ tịch, bản sao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi trong nước từ Sổ đăng ký tại đơn vị được tách trước đây và giải quyết các thủ tục hành chính khác khi người dân có yêu cầu.

c) Về việc xác minh tình trạng hôn nhân: Trường hợp nhận được đề nghị xác minh tình trạng hôn nhân trong trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại cấp xã trước đây, đơn vị nhận bàn giao Sổ hộ tịch có trách nhiệm trả lời việc xác minh tình trạng hôn nhân.

* Lưu ý: 

Việc bàn giao, nhận bàn giao Sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi phải được lập Biên bản bàn giao, có Danh mục thống kê chi tiết để lưu trữ tại cơ quan nhận bàn giao, nêu rõ trách nhiệm quản lý, lưu trữ, khai thác, sử dụng; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý, tổng hợp và công khai thông tin để người dân biết, liên hệ với cơ quan quản lý Sổ thực hiện thủ tục hành chính khi có nhu cầu.

Việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch và bàn giao, nhận bàn giao Sổ, hồ sơ đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi phải bảo đảm đúng thời hạn theo quy định pháp luật, không làm gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến yêu cầu phục vụ người dân.

II. Lĩnh vực phổ biến giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý; hoà giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật

1. Đối với cấp tỉnh

1.1. Lĩnh vực PBGDPL

a. Nhiệm vụ công nhận, miễn nhiệm, quản lý, sử dụng báo cáo viên pháp
luật cấp huyện (Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, khoản 3 Điều 2 Thông tư số 10/2016/TT-BTP).

Khi không còn cấp huyện, bỏ nhiệm vụ công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp huyện; đồng thời kết thúc hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện.

- Trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ: Căn cứ điều kiện thực tế và tình hình bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện sau khi bỏ chính quyền cấp huyện, đối với cán bộ công chức là báo cáo viên pháp luật cấp huyện được phần công thực hiện nhiệm vụ liên quan tại cấp tỉnh thì Sở Tư pháp tham mưu UBND cấp tỉnh tổ chức rà soát, quyết định việc công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh theo quy định.

b. Nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện

- Khoản 1 Điều 7 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định: Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khoản 2 Điều 2 Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện. Khi không còn cấp huyện, kết thúc hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện; các nhiệm vụ của Hội đồng cấp huyện được chuyển cho Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh hoặc Sở Tư pháp (đối với địa phương quyết định không thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh).

- Trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ: Sở Tư pháp hướng dẫn địa phương chuyển giao các nhiệm vụ cụ thể thực hiện theo Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Hội đồng cấp huyện.

c. Trách nhiệm của Phòng Tư pháp, UBND cấp huyện trong thực hiện công tác PBGDPL - Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định nhiệm vụ của UBND cấp huyện; khoản 3 Điều 4 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP quy định: Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho UBND cùng cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ giao trách nhiệm của UBND cấp huyện nêu trên. 

Đối với nhiệm nêu trên của UBND cấp huyện, chuyển cho UBND cấp tỉnh thực hiện; chuyển giao các nhiệm vụ của Phòng Tư pháp cho Sở Tư pháp.

- Trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ: UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát, chuyển giao các nhiệm vụ được giao; Sở Tư pháp chỉ đạo Phòng Tư pháp tham mưu thực hiện rà soát, thực hiện chuyển giao cho Sở Tư pháp. Đối với các nhiệm vụ đã hoàn thành, thì rà soát, lập hồ sơ và thực hiện lưu trữ theo quy định.

* Nguồn lực, điều kiện bảo đảm: UBND cấp tỉnh bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

1.2. Lĩnh vực TGPL

a. Đối với Trung tâm TGPL nhà nước

Khoản 1 Điều 11 Luật TGPL năm 2017 quy định: “Trung tâm TGPL nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do UBND cấp tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng”. Hiện nay tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 63 Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm).

Các Trung tâm trước khi sáp nhập chủ động rà soát, đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để tham mưu cho Sở Tư pháp về việc tiếp tục duy trì các Trung tâm. UBND cấp tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy các Trung tâm trình UBND cấp tỉnh phê duyệt theo hướng: căn cứ tình hình thực tiễn và nhu cầu của địa phương để báo cáo UBND cấp tỉnh quyết định số lượng Trung tâm thuộc tỉnh cho phù hợp (có thể duy trì như trước khi tiến hành sáp nhập tỉnh); mỗi Trung tâm được giao phụ trách địa bàn cụ thể trong phạm vi tỉnh.

b. Đối với Chi nhánh của Trung tâm

Khoản 2 Điều 11 Luật TGPL năm 2017 quy định "Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm TGPL nhà nước và chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia TGPL. Trung tâm TGPL nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh. Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp
tỉnh quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước”. Điều 6 Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định điều kiện thành lập chi nhánh.

- Khi hợp nhất, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể và nhu cầu của địa phương quyết định việc duy trì, giải thể, thành lập mới Chi nhánh của Trung tâm, không phụ thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm nào tiếp tục thuộc quyền quản lý của Trung tâm đó.

- Trình tự thủ tục thực hiện đối với việc kiện toàn Trung tâm TGPL và chi nhánh:

Các Trung tâm TGPL nhà nước của các tỉnh/thành phố trước khi sáp nhập chủ động rà soát, đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để tham mưu cho Sở Tư pháp về việc tiếp tục duy trì các Trung tâm TGPL. 

UBND cấp tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy các Trung tâm TGPL trình UBND cấp tỉnh phê duyệt theo hướng: duy trì các Trung tâm TGPL của tỉnh/thành phố như trước khi tiến hành sáp nhập tỉnh. Mỗi Trung tâm TGPL được giao phụ trách địa bàn cụ thể trong phạm vi tỉnh.

Đối với Chi nhánh, căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế nhu cầu tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định duy trì, giải thể hoặc thành lập Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước.

- Nguồn lực, điều kiện bảo đảm: Trung tâm TGPL, Chi nhánh sử dụng đội ngũ viên chức, cơ sở vật chất hiện có của các Trung tâm, Chi nhánh của các tỉnh sáp nhập.

1.3. Lĩnh vực hoà giải ở cơ sở

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở, UBND cấp tỉnh hướng dẫn Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của xã, phường, thị trấn sau khi được hợp nhất quyết định số lượng tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, số lượng hòa giải viên trong một tổ hòa giải và tổ chức việc bầu hòa giải viên theo quy định tại Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở và Điều 12 Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Khi sáp nhập, đơn vị hành chính cấp tỉnh mới cần thống kê số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn; ban hành mẫu Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở với tên đơn vị hành chính cấp tỉnh mới để sử dụng thống nhất trên địa bàn; hướng dẫn UBND cấp xã (đơn vị mới) kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở theo quy định tại Điều 8, Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

- Nguồn lực, điều kiện bảo đảm: Hiện nay, UBND cấp xã cũng đang thực hiện các nhiệm vụ này, do đó, không phát sinh thủ tục hành chính, không phát sinh nguồn lực.

2. Đối với cấp huyện

2.1. Lĩnh vực PBGDPL

Nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện, trách nhiệm của Phòng Tư pháp, UBND cấp huyện trong thực hiện công tác PBGDPL

Khi không còn cấp huyện, kết thúc hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện; các nhiệm vụ của Hội đồng cấp huyện được chuyển cho Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh hoặc Sở Tư pháp (đối với địa phương quyết định không thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh).

Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng cấp huyện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Hội đồng và bàn giao các nhiệm vụ đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành, đối với nhiệm vụ đã hoàn thành thì lập hồ sơ và thực hiện lưu trữ theo quy định của pháp luật; thực hiện rà soát, chuyển giao nhiệm vụ của Phòng Tư pháp, UBND cấp huyện trong việc thực hiện công tác PBGDPL, đối với nhiệm vụ đã hoàn thành thì lập hồ sơ và thực hiện lưu trữ theo quy định.

2.2. Lĩnh vực đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

a. Về đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2025: Tạm dừng việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2025 để tạo điều kiện cho các địa phương ổn định bộ máy sau sắp xếp. Việc đánh giá, công nhận tiếp cận pháp luật từ năm 2026 trở đi sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

b. Về đánh giá tiêu chí “tiếp cận pháp luật” trong xét, công nhận nông thôn mới và đô thị văn minh: UBND cấp xã hình thành sau sắp xếp tiếp tục sử dụng các tiêu chí, chỉ tiêu được ban hành tại Quyết định số 1143/QĐ-BTP ngày 20/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Về thời gian thu thập, lấy số liệu để đánh giá các nội dung tiêu chí “tiếp cận pháp luật”: do địa phương chủ động xác định phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm khả thi, thực chất.

3. Đối với cấp xã

3.1. Lĩnh vực PBGDPL

Nhiệm vụ công nhận, miễn nhiệm, quản lý, sử dụng báo cáo viên pháp luật cấp huyện (Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; khoản 3 Điều 2 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Khi không còn cấp huyện, bỏ nhiệm vụ công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp huyện; đồng thời kết thúc hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện.

- Trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ: Đối với báo cáo viên pháp luật cấp huyện được phân công thực hiện nhiệm vụ tại cấp xã thì UBND cấp xã tổ chức rà soát, quyết định việc công nhận tuyên truyền viên pháp luật cấp xã theo quy định.

3.2. Lĩnh vực TGPL

Theo khoản 12 Điều 2 Thông tư số 03/2021/TT-BTP Phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến Trung tâm TGPL trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân. Theo khoản 11 Điều 4 Thông tư số 07/2020/TT-BTP Phòng Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ về TGPL.

Chuyển nhiệm vụ về giải thích quyền được TGPL và giới thiệu của Phòng Tư pháp cho Trung tâm TGPL; chuyển nhiệm vụ về TGPL của Phòng Tư pháp cấp huyện cho UBND cấp xã thực hiện.

3.3. Lĩnh vực hoà giải ở cơ sở

a. Chuyển giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên từ UBND cấp huyện xuống UBND cấp xã.

- Trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ:

+ UBND cấp xã ban hành quyết định thành lập đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở cấp xã.

+ Để bảo đảm hoạt động liên tục, hiệu quả, trước mắt, khi chưa thành lập đội ngũ này thì UBND cấp xã có thể huy động đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh và những người đã từng là tập huấn viên cấp huyện (đã được thành lập theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và kiện toàn theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ) để tổ chức bồi dưỡng cho hòa giải viên.

- Nguồn lực, điều kiện bảo đảm:

+ Bổ sung kinh phí cho UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng hòa giải viên ở cơ sở.

+ Thành lập đội ngũ tập huấn viên về hòa giải ở cơ sở cấp xã từ nguồn: những người đã từng là tập huấn viên cấp huyện và nguồn cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của UBND cấp xã; cán bộ, công chức thuộc tổ chức chính trị - xã hội tham gia cộng tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, thẩm phán, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân, luật gia, luật sư, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng và các cá nhân khác đáp ứng tiêu chuẩn làm hòa giải viên ở cơ sở theo quy định của pháp luật để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên trên địa bàn.

b. Chuyển nhiệm vụ quyết định hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải (Điều 18 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP) từ cấp huyện xuống cấp xã để thực hiện.

- Trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ: Sử dụng đội ngũ công chức được giao cho UBND cấp xã sau khi hợp nhất tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (UBND cấp xã bố trí tối thiểu 02 công chức tham mưu quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở).

- Nguồn lực, điều kiện bảo đảm: Bổ sung kinh phí cho UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

III. Lĩnh vực chứng thực, luật sư

1. Đối với cấp tỉnh

Lĩnh vực Luật sư

Việc sáp nhập tỉnh liên quan đến việc sáp nhập các Đoàn Luật sư. Do đó, sau khi sáp nhập tỉnh, UBND tỉnh mới sẽ quyết định việc sáp nhập các Đoàn Luật sư sau khi thống nhất ý kiến bới Bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Trong khi chưa sáp nhập thì Đoàn Luật sư (chưa thực hiện sáp nhập) vẫn thực hiện cử luật sư theo yêu cầu của cơ quan tố tụng và các nhiệm vụ khác.

2. Đối với cấp huyện

Lĩnh vực chứng thực (được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP).

Chuyển thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực của Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cho UBND cấp xã thực hiện.

Hồ sơ chứng thực, sổ chứng thực, văn bản chứng thực mà Phòng Tư pháp đang lưu giữ, thực hiện bàn giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã khi UBND cấp huyện chấm dứt hoạt động.

- Trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ: được thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư số 01/2020/TT-BTP nêu trên.

- Nguồn lực, điều kiện bảo đảm: UBND cấp xã bố trí nguồn lực thực hiện.

3. Đối với cấp xã

Lĩnh vực chứng thực

Các xã khi sáp nhập cần thống kê, sắp xếp và chuyển giao toàn bộ hồ sơ đang lưu trữ cho xã mới. UBND cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về chứng thực theo quy định của pháp luật từ cấp huyện chuyển giao. Đối với hồ sơ chứng thực, sổ chứng thực, văn bản chứng thực mà Phòng Tư pháp bàn giao phải thống kê, lưu trữ theo quy định của pháp luật.

IV. Lĩnh vực bồi thường nhà nước và đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Đối với cấp tỉnh

1.1. Lĩnh vực bồi thường nhà nước

- Đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường phát sinh sau thời điểm sáp nhập

+ UBND cấp tỉnh sau sáp nhập là cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật TNBTCNN;

+ Chủ tịch UBND cấp tỉnh sau sáp nhập tổ chức thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật TNBTCNN.

- Đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường phát sinh trước thời điểm sáp nhập tỉnh mà UBND cấp tỉnh đang giải quyết thì:

+ UBND cấp tỉnh sau sáp nhập tiếp tục giải quyết bồi thường đối với vụ việc yêu cầu bồi thường do UBND cấp tỉnh được sáp nhập chưa thực hiện xong tính đến thời điểm sáp nhập.

+ Chủ tịch UBND cấp tỉnh sau sáp nhập tổ chức thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật TNBTCNN đối với các vụ việc do UBND cấp tỉnh được sáp nhập chưa thực hiện xong tính đến thời điểm sáp nhập.

1.2. Lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm

Về việc đăng ký, cung cấp biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP, Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), Chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai (sau đây gọi là Văn phòng đăng ký đất đai) thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Trên cơ sở quy định nêu trên, trường hợp thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Văn phòng đăng ký đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương (bao gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sáp nhập) theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

2. Đối với cấp huyện

Lĩnh vực bồi thường nhà nước

Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 73 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTNN) thì Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện không thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.

Do đó, khi sắp xếp, tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện thì không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
Hiện nay, UBND cấp huyện đang có 02 nhiệm vụ: (1) Giải quyết bồi thường; (2) Trách nhiệm thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại. Khi không tổ chức chính quyền cấp huyện thì thực hiện như sau:

2.1. Đối với các nhiệm vụ phát sinh sau thời điểm sắp xếp xong tổ chức bộ máy: nhiệm vụ phát sinh ở cấp hành chính nào thì cấp hành chính đó giải
quyết theo quy định tại Điều 33 Luật TNBTNN.

2.2. Đối với các nhiệm vụ đến thời điểm sắp xếp xong tổ chức bộ máy mà Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa giải quyết xong:

a) Về trách nhiệm giải quyết bồi thường

Đối với các yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND cấp huyện thì hướng giải quyết như sau:

- Các vụ việc yêu cầu bồi thường mà hành vi gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thuộc nhóm nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho UBND cấp tỉnh thì UBND cấp tỉnh là cơ quan giải quyết bồi thường.

- Các vụ việc yêu cầu bồi thường mà hành vi gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thuộc nhóm nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho UBND cấp xã thì UBND cấp xã là cơ quan giải quyết bồi thường.

Một số ví dụ:

Ví dụ 1.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2024 thì UBND cấp huyện có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất là cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và cộng đồng dân cư.

Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND cấp huyện đã cấp bị hủy do cấp trái pháp luật, thì theo khoản 11 Điều 17 và khoản 3 Điều 33 Luật TNBTNN, UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

Nếu sau khi tổ chức, sắp xếp lại mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, không tổ chức cấp huyện, theo các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi, bổ sung các VBQPPL về đất đai quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND cấp huyện chuyển giao cho UBND cấp xã thì UBND cấp xã sẽ là cơ quan tiếp tục giải quyết bồi thường; nếu chuyển giao cho UBND cấp tỉnh thì UBND cấp tỉnh sẽ là cơ quan tiếp tục giải quyết bồi thường.

Ví dụ 2.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền “Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép của cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện”.

Trường hợp Quyết định buộc phá dỡ công trình bị hủy vì ban hành trái pháp luật, theo điểm a khoản 3 Điều 17 và khoản 3 Điều 33 Luật TNBTNN, UBND cấp huyện phải có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

Nếu sau khi tổ chức, sắp xếp lại mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, không tổ chức cấp huyện, theo các VBQPPL sửa đổi, bổ sung các VBQPPL về xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền “Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép” của UBND cấp huyện chuyển giao cho UBND cấp xã thì UBND cấp xã sẽ là cơ quan tiếp tục giải quyết bồi thường; nếu chuyển giao cho UBND cấp tỉnh thì UBND cấp tỉnh sẽ là cơ quan tiếp tục giải quyết bồi thường.

b) Về trách nhiệm thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại

Đối với các trường hợp xem xét trách nhiệm hoàn trả thuộc trách nhiệm thực hiện của UBND cấp huyện thì hướng giải quyết như sau:

- Các vụ việc yêu cầu bồi thường mà hành vi gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thuộc nhóm nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho UBND cấp tỉnh thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 1 Điều 66 của Luật TNBTCNN năm 2017 về xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Các vụ việc yêu cầu bồi thường mà hành vi gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thuộc nhóm nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho UBND cấp xã thì Chủ tịch UBND cấp xã là người tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 1 Điều 66 của Luật TNBTCNN năm 2017 về xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.

3. Đối với cấp xã

Lĩnh vực bồi thường nhà nước

- Đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường phát sinh sau thời điểm sáp nhập xã thì:

+ UBND cấp xã tại đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập là cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật TNBTCNN;

+ Chủ tịch UBND cấp xã tại đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập tổ chức thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật TNBTCNN.

- Đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường phát sinh trước thời điểm sáp nhập xã mà UBND cấp xã đang giải quyết thì:

+ UBND cấp xã tại đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập tiếp tục giải quyết bồi thường đối với vụ việc do UBND cấp xã được sáp nhập chưa thực hiện xong tính đến thời điểm sáp nhập.

+ Chủ tịch UBND cấp xã tại đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập tổ chức thực hiện việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật TNBTCNN đối với các vụ việc do UBND cấp xã được sáp nhập chưa thực hiện xong tính đến thời điểm sáp nhập.

4. Hướng dẫn thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền
sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký đất đai

Trong quá trình thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm, nếu việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc chấm dứt nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của UBND cấp huyện, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (gọi chung là sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp) dẫn tới thay đổi thông tin về số hiệu thửa đất (số tờ bản đồ, số thửa đất), địa chỉ của thửa đất so với thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) đã cấp thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện giải quyết hỗ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như sau:

- Đối với trường hợp đăng ký thế chấp lần đầu đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất 

Tại điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định: “Người yêu cầu đăng ký có thể nộp đồng thời hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm với hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất hoặc thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trước khi đăng ký biện pháp bảo đảm trong trường hợp có sự thay đổi thông tin sau đây: a) Thay đổi về số hiệu tờ bản đồ, số hiệu thửa đất, địa chỉ thửa đất không phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận do sắp xếp lại các đơn vị hành chính, dồn điền đổi thửa, đo đạc xác định lại hình dạng, kích thước, điện tích thửa đất…”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp có yêu cầu đăng ký thế chấp lần đầu đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng do việc thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp dẫn đến thay đổi thông tin về số hiệu thửa đất (số tờ bản đồ, số thửa đất), địa chỉ của thửa đất so với thông tin trên Giấy chứng nhận đã cấp mà người yêu cầu đăng ký lựa chọn nộp hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP thì Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ, thực hiện đăng ký thế chấp theo quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP. Việc chỉnh lý thông tin về thửa đất trên Giấy chứng nhận đã cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

- Đối với trường hợp đã đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP quy định: “Văn phòng đăng ký đất đai không yêu cầu thực hiện việc đăng ký thay đổi hoặc không yêu cầu thực hiện xóa đăng ký mà chỉ thực hiện việc xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin của bên bảo đảm, trừ trường hợp thay đổi tên hoặc thay đổi về họ, tên; thay đổi thông tin về tài sản bảo đảm là thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng hoặc tài sản khác gắn liền với đất so với thông tin trên Giấy chứng nhận do dồn điền đổi thửa, do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước, do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập mà không làm thay đổi quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản của bên bảo đảm đối với tài sản này”.

Trên cơ sở quy định nêu trên, trường hợp đã đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng do việc thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp dẫn đến có sự thay đổi thông tin về số hiệu thửa đất (số tờ bản đồ, số thửa đất), địa chỉ của thửa đất so với thông tin trên Giấy chứng nhận đã cấp thì Văn phòng đăng ký đất đai không yêu cầu phải thực hiện xóa đăng ký thế chấp hoặc không yêu cầu phải thực hiện đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký. Việc chỉnh lý thông tin về thửa đất trên Giấy chứng nhận đã cấp trong trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường./.


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp từ Bộ Tư pháp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.