THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH
   

Ngày Thương binh - Liệt sĩ và các hoạt động kỷ niệm tại Thanh Hóa

Ngày tạo:  04/07/2023 17:58:10
Mỗi năm cứ đến “Ngày Thương binh, Liệt sỹ”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

      Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần “.... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

       Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.

     Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh Liệt sỹ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sỹ. 

      Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” của cả nước.

Mỗi năm cứ đến “Ngày Thương binh, Liệt sỹ”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

      Với Thanh Hóa, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào và Campuchia, quân và dân tỉnh Thanh đã không quản gian khổ hy sinh, đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, với tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, trên 15 vạn thanh niên tỉnh Thanh đã tình nguyện lên đường tham gia các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Ở hậu phương, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, triệu người như một, hăng hái thi đua lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu đánh bại các âm mưu chiến tranh phá hoại của kẻ thù, lập được nhiều thành tích quan trọng, xây dựng hậu phương vững mạnh. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ ác liệt đó, có 55.932 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh; 43.751 thương binh; 15.959 bệnh binh; có 4.630 bà mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy; có 19.183 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học… Công lao to lớn, sự hy sinh sức lực, trí tuệ, xương máu, sự đau thương, mất mát tình cảm của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công là vô giá, góp phần xứng đáng cùng quân dân cả nước “làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”, chuẩn bị cho đất nước ta "nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

     Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023), nhằm ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 237-TB/VPTU ngày 21/6/2023 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc Thông báo Chương trình đi viếng nghĩa trang liệt sĩ và thăm, tặng quà người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023) của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; ngày 28 tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ưu đãi người có công với cách mạng. Qua đó tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng, thông qua đó nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

      Các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ đã được chỉ đạo thực hiện trong cả năm, nhưng dịp 27/7 năm nay, các hoạt động trọng tâm sẽ được thực hiện như:  

 - Tổ chức các hoạt động dâng hương, viếng các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh; thăm hỏi, tặng quà các gia đình người có công với cách mạng như: Thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Dâng hoa, dâng hương tại: Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài Thanh niên xung phong Hàm Rồng, Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh tại đê Sông Mã, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đến các Trung tâm Điều dưỡng người có công thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đang chăm sóc, nuôi dưỡng các đồng chí thương binh, bệnh binh là người Thanh Hóa.

 - Thành lập 05 Đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa (gồm các đồng chí đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình và các sở, ngành, đơn vị liên quan) đi dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Giang, Điện Biên, Tây Ninh và thành phố Cần Thơ.

- Tổ chức đưa đoàn Đại biểu người có công tiêu biểu đi dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023, tại tỉnh Thừa Thiên Huế (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tổ chức).

- Tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.

      Tổ chức kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, qua đó thể hiện được truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hi sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Những hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh các anh hùng, liệt sỹ, thương binh và người có công; khẳng định sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau.

    Cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa luôn trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ đối với Tổ quốc; đồng thời cũng luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.