THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH
   

Tìm hiểu một số nội dung về việc ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) năm 2023

Ngày tạo:  28/07/2023 16:49:13
Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23 tháng 6 năm 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024

      I. Sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu

     Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Việc ban hành và thực hiện Luật này cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật này bởi những lý do chủ yếu như sau:

    Một là, quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước (như chưa có quy định cụ thể, đầy đủ về lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hoá; lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có từ 02 nhà đầu tư quan tâm...).

Bên cạnh đó, sau khi Luật Đấu thầu được ban hành, một số Luật liên quan[1] đã sửa đổi và/hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu. Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật Đấu thầu nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thi hành Luật này.     

     Hai là, một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, cụ thể là: 

- Luật Đấu thầu đã có quy định về các trường hợp chỉ định thầu và giao cho người có thẩm quyền quyết định nhưng trong thực tế thi hành đã gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng chỉ định thầu đối với một số trường hợp cấp bách trong mua sắm phục vụ phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình khẩn cấp, công trình, dự án có quy mô lớn cần đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

- Luật Đấu thầu đã có quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt khi gói thầu xuất hiện các yếu tố đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác (như đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh…), nhưng chưa quy định trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt, dẫn đến áp dụng không thống nhất trong quá trình thực hiện. 

- Các quy định của Luật Đấu thầu về phương pháp đánh giá chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mua sắm được hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

- Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mặc dù đã được đơn giản hóa nhưng trong một số trường hợp vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, nhất là khi phải lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.

- Quy định về hợp đồng cũng như các nội dung và nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng còn sơ sài, chưa bao quát hết các nội dung cần thiết phải thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

     Ba là, Luật Đấu thầu chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi cho mua sắm hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp từ các nhóm yếu thế trong xã hội; mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh.

     Bốn là, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế sau đây:

- Hành vi “thông thầu”, “gian lận”… vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu; còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên, các Bộ và Thủ tướng Chính phủ mặc dù đã được Luật phân cấp. 

- Cơ chế giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu chưa thực sự bảo đảm tính khách quan, dẫn đến xử lý kém hiệu quả các kiến nghị của nhà thầu, nhà đầu tư và các bên liên quan trong hoạt động đấu thầu.    

Năm là, hiện nay Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó 03 Hiệp định[2] có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp bách để bảo đảm thực thi đầy đủ và có hiệu quả cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường mua sắm công theo các Hiệp định nêu trên.

          II. Mục tiêu, quan điểm và yêu cầu sửa đổi Luật 

       1. Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật 

a) Tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước.

b) Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật;  khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

c) Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, tham nhũng trong hoạt đông đấu thầu.

d) Xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, thúc đẩy hoạt động mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

đ) Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.

      2. Những yêu cầu đặt ra của Luật sửa đổi.

Để thực hiện những mục tiêu, quan điểm nêu trên, Luật phải được xây dựng trên cơ sở các yêu cầu cơ bản sau đây:

a) Thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu”; “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”; góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT-TW ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới[3].

b) Bảo đảm kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định của Luật Đấu thầu còn phù hợp với thực tế và đã có tác động tích cực đến hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm giải quyết căn cơ, triệt để các bất cập của Luật hiện hành. 

c) Các quy định của Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật này cũng như giữa Luật này với các luật khác có liên quan như: Bộ luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp..., đồng thời phù hợp với cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường mua sắm công.

d) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu, cải cách thủ tục đấu thầu nhưng phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và phối hợp giữa cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương. 

đ) Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như thông lệ quốc tế tốt trong tổ chức và quản lý hoạt động đấu thầu.

       III. Bố cục của Luật 

Luật gồm 10 Chương, 96 Điều, cụ thể như sau:

Chương I. Quy định chung gồm 15 điều, từ điều 01 đến điều 15.

Chương II. Hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư gồm 16 điều, từ điều 20 đến điều 35.

Chương III. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm 7 điều, từ điều 36 đến điều 42.

Chương IV. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, gồm 10 điều, từ điều 43 đến điều 52.

Chương V. Mua sắm tập trung, mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gồm 5 điều, từ điều 53 đến điều 57.

Chương VI. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu gồm 6 điều, từ điều 58 đến điều 63.

Chương VII. Hợp đồng, gồm 12 điều, từ điều 64 đến điều 75.

Chương VIII. Trách nhiệm của các bên trong hoạt động đấu thầu gồm 6 điều, từ điều 77 đến điều 82.

Chương IX. Quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, gồm 12 điều, từ điều 83 đến điều 94.

Chương X. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều, từ điều 95 đến điều 96.


 

[1] Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Kiến trúc, Luật PPP…

[2] Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)

[3] Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp. Có chính sách bảo vệ thị trường phân phối hàng hoá trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

 


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.