Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực chứng thực sau khi sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, tại Công văn 4158/BTP-BTTP, Bộ Tư pháp hướng dẫn thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực như sau:
1. Thẩm quyền chứng thực thuộc Chủ tịch UBND cấp xã
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, sau khi bỏ cấp huyện, Chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu (gọi chung là cấp xã) sẽ thực hiện các nhiệm vụ chứng thực theo các văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Khoản 2, Điều 5, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, hợp đồng, giao dịch...
- Khoản 1 Điều 1 Nghị định 07/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.
- Điều 14 Nghị định 120/2025/NĐ-CP quy định phân định thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp khi thực hiện mô hình 02 cấp.
2. Chủ tịch UBND cấp xã được ủy quyền thực hiện chứng thực
Căn cứ Điều 14, Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15, Chủ tịch UBND cấp xã có thể ủy quyền cho các cá nhân, tổ chức sau thực hiện nhiệm vụ chứng thực:
- Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác;
- Công chức thuộc UBND cấp xã.
- Việc ủy quyền phải phù hợp với năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm chất lượng hoạt động chứng thực tại địa phương.
3 Hình thức văn bản, con dấu khi thực hiện ủy quyền
Theo quy định tại Điều 14, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 190/NQ-CP ngày 26/6/2025, các trường hợp ủy quyền thực hiện chứng thực sẽ áp dụng như sau:
- Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác sử dụng văn bản và con dấu của cơ quan, tổ chức mình để thực hiện chứng thực.
- Công chức thuộc UBND cấp xã sử dụng văn bản và con dấu của UBND cấp xã, thực hiện ký thừa ủy quyền để chứng thực.
Dương Minh |
Nguồn tin: Sở Tư pháp |
File đính kèm |