THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH
   

TRAO ĐỔI MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ ĐỀ XUẤT NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT, TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT TẠI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Ngày tạo:  31/03/2025 15:50:48
Trong nhiều năm qua, Thanh Hóa luôn quan tâm xây dựng đội ngũ này hướng tới việc có đầy đủ phẩm chất, năng lực và nhiệt huyết trong việc PBGDPL cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

   Thanh Hoá nằm ở cực Bắc Miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, Phía Bắc giáp với ba tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Ninh Bình, phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), phía Đông là Vịnh Bắc Bộ. 

    Tỉnh Thanh Hoá chia làm 3 vùng rõ rệt: Vùng núi và Trung du; Vùng đồng bằng; Vùng ven biển, mỗi vùng, miền đều có những đặc điểm khác nhau, Thanh Hóa có tới 11 huyện miền núi, trên địa bàn có 7 dân tộc anh em sinh sống, đó là: Kinh, Mường, Thái, H'mông, Dao, Thổ, Hoa, ngoài người kinh ra thì các dân tộc còn lại chủ yếu sống ở 11 huyện này. Dân cư phân bố không đồng đều, các dân tộc ít người sống chủ yếu ở các huyện vùng núi cao và biên giới, trình độ dân trí còn hạn chế nhất là trình độ về nhận thức pháp luật của đồng bào dân tộc miền núi.

   Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, trong nhiều năm qua các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh luôn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp trong chỉ đạo, triển khai các nội dung về chính trị, kinh tế, xã hội để đưa tỉnh nhà phát triển. Trong đó đặc biệt dành sự quan tâm phát triển khu vực miền núi nhằm rút ngắn tiến tới đưa miền núi tiến kịp miền suôi, tạo sự phát triển đồng bộ và rộng khắp. 

Xác định rõ việc nâng cao trình độ nhận thức cho nhân dân có vai trò quan trọng trong việc ổn định tư tưởng, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân và chống các biểu hiện, tư tưởng thù địch. Nên công tác này được quan tâm triển khai, trong đó giáo dục pháp luật là một trong những nội dung được chú trọng.

   I. THỰC TRẠNG

Do những điều kiện đặc thù về địa bàn vùng núi, vùng sâu vùng xa, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, kinh tế khó khăn, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu… nên công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc miền núi có những khác biệt so với việc PBGDPL cho các khu vục khác, từ thực tiễn đó Thanh Hóa đã xác định yếu tố then chốt tạo nên hiệu quả cho công tác PBGDPL khu vực dân tộc, miền núi chính là khả năng và các điều kiện để tạo nên kết quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL của đội ngũ cán bộ, Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Vì vậy trong nhiều năm qua, Thanh Hóa luôn quan tâm xây dựng đội ngũ này hướng tới việc có đầy đủ phẩm chất, năng lực và nhiệt huyết trong việc PBGDPL cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

  1. Đối với công tác chỉ đạo triển khai 

Trong nhiều năm qua UBND tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến công tác PBGDPL trên địa bàn và có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, trong đó luôn có sự quan tâm đặc biệt cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Bám sát sự chỉ đạo của Hội đồng PBGDPL Trung ương và Bộ Tư pháp, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành từ 2 đến 4 kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cũng ban hành từ 2 đến 4 kế hoạch thực hiện, đồng thời ban hành nhiều Quyết định và các văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh (ví dụ: năm 2024 các kế hoạch được ban hành như: Kế hoạch số 120/KH-HĐPH ngày 20/5/2024 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh về việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5; Kế hoạch 71/KH-HĐPH ngày 12/3/2024 của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh về hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; Quyết định số 938/QĐHĐPH ngày 07/3/2024, Quyết định 3624/QĐ-HĐPH ngày 09/9/2024 của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh về việc thay đổi thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; Quyết định số 57/QĐ-STP ngày 22/3/2024, Quyết định số 212/QĐ-STP ngày 30/8/2024 về kiện toàn thành viên Tổ thư ký giúp việc cho Hội đồng, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; Công văn số 1082/HĐPH-STP ngày 27/5/2024 gửi các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong hướng dẫn nghiệp vụ về PBGDPL….). Ngoài ra Sở Tư pháp hàng năm ban hành từ 8 đến 10 kế hoạch triển khai và hàng chục văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Đối với việc xây dựng lực lượng

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo đó các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện, qua theo dõi 11/11 huyện miền núi đều triển khai đầy đủ và rộng khắp các nội dung được UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh và Sở Tư pháp hướng dẫn chỉ đạo thực hiện.

Để thực hiện các nhiệm vụ về PBGDPL theo sự chỉ đạo của cấp trên và tỉnh hình thực tiễn của địa phương, 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được một đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ và thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn. Hiện nay trên địa bàn 11 huyện miền núi của Thanh Hóa đã xây dựng được lực lượng thực hiện nhiệm vụ PBGDPL với 261 báo cáo viên pháp luật, 2351 tuyên truyền viên pháp luật đảm bảo về phẩm chất và trình độ chuyên môn. Đây là lực lượng quan trọng giúp thực hiện công tác truyền tải pháp luật vào cuộc sống trên địa bàn được hiệu quả, đảm bảo các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến nhanh và kịp thời cho đồng bào các dân tộc, miền núi.

Để đảm bảo lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đáp ứng nhu cầu, hàng năm Sở Tư pháp đều có chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện việc rà soát và kiện toàn đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên cấp xã. Chính việc thường xuyên được kiện toàn nên đội ngũ này trên địa bàn luôn đáp ứng được số lượng và chất lượng để triển khai nhiệm vụ.

3. Kết quả thực hiện

3.1 Công tác bồi dưỡng

Quá trình triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nhiệm vụ bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực trong công tác PBGDPL, Hội đồng cấp tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, phát triển của đất nước. 

Việc bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác PBGDPL, Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật luôn được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Đơn cử năm 2024. Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng tỉnh đã tham mưu tổ chức 16 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho hơn 4.800 Báo cáo viên pháp luật trên địa bàn tỉnh (trong đó tập trung cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khu vực miền núi như: huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Như Thanh, Quan Hóa, Bá Thước, Như Xuân, Ngọc Lặc, Lăng Chánh, Thạch Thành, Cẩm Thủy…). Tại các huyện đều chủ động triển khai tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền pháp luật mỗi năm cho đội ngũ này.

3.2 Kết quả đạt được:

Từ sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, cùng sự hỗ trợ chuyên môn của Sở Tư pháp trong những năm qua công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả, góp phần triển khai pháp luật vào cuộc sống nhanh chóng, kịp thời và giúp nâng cao dân trí trên địa bàn.

Trong năm 2024, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện đã tham gia triển khai, giới thiệu 15.128 cuộc cho 1.723.456 lượt đại biểu. Tại các xã, phường, thị trấn, đội ngũ Tuyên truyền viên pháp luật đã triển khai gần 2.744 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 291.791 đại biểu là cán bộ và Nhân dân. Trong những kết quả ấy có sự đóng góp công sức của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các đơn vị có địa bàn dân tộc, miền núi, trong năm 2024 đội ngũ này đã thực hiện được 554 cuộc tuyên truyền cho 76.463 lượt đại biểu tham dự.

Việc tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng; nội dung tuyên truyền ngày càng đi vào chiều sâu và có trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, công tác PBGDPL trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, khiếu kiện, tranh chấp, đảm bảo ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

3. Đối với những khó khăn

Với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện nay, cùng hệ thống văn bản mới được ban hành ngày càng nhiều, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện sắp tới sẽ có những khó khăn cần tháo gỡ:

- Về số lượng: Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khu vực miền núi hiện nay về cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ đề ra, nhưng để đảm bảo nhu cầu thực tiễn thì đội ngũ này cần phát triển, tăng số lượng, tuy nhiên trên thực tế sẽ khó khăn vì hiện nay đội ngũ này chủ yếu là lực lượng cán bộ cấp huyện và cấp xã, trong thời gian tới khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại, cấp huyện không còn số lượng đội ngũ này sẽ giảm, trong khi đó chưa thể thu hút lực lượng bên noài thực hiện nhiệm vụ này.

- Về chất lượng: Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khu vực miền núi hiện nay về cơ bản đáp hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng với nhu cầu ngày càng cao cho công tác tuyên truyền, văn bản mới cập nhật càng nhiều thì đòi hỏi trình độ của đội ngũ này cần phải được nâng cao, cả về trình độ chuyên môn luật cũng như kỹ năng PBGDPL.

- Thanh Hóa có nhiều dân tộc sinh sống, về cơ bản đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khu vực miền núi mới đáp ứng được tuyên truyền bằng tiếng Việt, đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên nói và việt được tiếng dân tộc chưa nhiều, còn hạn chế về số lượng và trình độ và kỹ năng thực hiện PBGDPL. 

- Còn một số ít địa phương, đơn vị vẫn chưa tạo điều kiện cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện nhiệm vụ, có báo cáo viên, tuyên truyền viên cả năm không thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nào. 

- Một số địa địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí đầy đủ cho công tác này nên khó khăn cho quá trình triển khai nhiệm vụ, việc thực hiện các nội dung này chủ yếu lồng ghép nên mang lại hiệu quả không cao.

*  Nguyên nhân 

- Nguyên nhân khách quan 

Thanh Hóa là một tỉnh có địa bàn rộng, số đơn vị hành chính nhiều, dân cư đông. Trong đó có 11 huyện miền núi và 07 huyện trung du - đồng bằng có xã miền núi dân cư không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều đã gây không ít khó khăn trong việc thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật;

 Các văn bản pháp luật trong những năm gần đây được ban hành với số lượng ngày càng nhiều, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư thời gian, nhân lực và cơ sở vật chất để tuyên truyền. Chính vì vậy, việc tuyên truyền ngay và kịp thời toàn bộ các văn bản pháp luật cho cán bộ công chức và nhân dân là điều rất khó thực hiện; 

Điều kiện kinh tế xã hội ở một số địa phương còn nhiều khó khăn nên đã ảnh hưởng đến việc đầu tư kinh phí, phương tiện phục vụ cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

 - Nguyên nhân chủ quan 

Một số đơn vị địa phương chưa bám sát kế hoạch, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh để xây dựng Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của đơn vị, địa phương mình nên bị động trong quá trình triển khai thực hiện; 

Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên chưa thực sự quan tâm dành nhiều thời gian cho công tác này. Chế độ chính sách dành cho Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở chưa thực sự khuyến khích và phát huy được tiềm năng của đội ngũ này trong công tác PBGDPL; 

Công tác tổ chức thi hành pháp luật còn thiếu chặt chẽ, việc xử lý vi phạm pháp luật trong một số trường hợp chưa nghiêm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tác dụng, hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

II. GIẢI PHÁP VÀ ĐỀ XUẤT

  1. Giải pháp

Để phát huy hiệu quả đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên khu vực dân tộc miền núi và giải quyết những khó khăn thì cần thiết phải sử dụng nhiều giải pháp tổng thể trong đó tập trung vào những giải pháp cơ bản như sau:

- Giải pháp về chính sách: 

+ Cần nhận thức đúng vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đặc biệt đối với đội ngũ này ở khu vực miền núi, qua đó có chính sách thu hút những người có khả năng và hiểu biết pháp luật để thực hiện nhiệm vụ PBGDPL được hiệu quả. Để có được điều này cần phải có sự chỉ đạo xuyên xuốt của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể có liên quan.

+ Có chính sách cụ thể trong thu hút người địa phương tham gia phổ biến giáo dục pháp luật (chính sách về đào tạo, chính sách chế độ thù lao, chính sách về khen thưởng…) từ đó cấp chính quyền ở cơ sở tạo cơ hội cho đội ngũ này tham gia PBGDPL trực tiếp hoặc bằng các hính thức phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo tính thực chất trong hoạt động chuyên môn của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

- Giải pháp về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ 

+ Cần xây dựng đội ngũ báo cáo viên cơ hữu làn nòng cốt trong quá trình triển khai nhiệm vụ đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên rộng khắp, đáp ứng yêu cầu về truyền tải pháp luật vào cuộc sống ở địa phương. 

+ Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ này, quan tâm đào tạo về công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của xã hội.

- Giải pháp về nguồn lực

+ Về nhân lực: Quy định rõ số lượng, trách nhiệm và chế độ cho đội ngũ này để dễ dàng quản lý cũng như thuận tiện trong phân công, bố trí nhiệm vụ.

+ Về kinh phí: Đảm bảo nguồn kinh phí cơ bản cho công tác PBGDPL trên địa bàn, trong đó bố trí kinh phí cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng đúng chế độ và đảm bảo phù hợp với công sức của đội ngũ này bỏ ra trên thực tế.

- Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác PBGDPL tại các địa phương gắn với đánh giá hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua đó thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ này; kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời xây dựng những mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền pháp luật để phổ biến nhân rộng.

2. Đề xuất

* Đối với cơ sở:

- Cần tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan đoàn thể vùng DTTS&MN của tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền PBGDPL; 

- Cần quan tâm đầu tư kinh phí hợp lý cho công tác tuyên truyền pháp luật;

- Tiếp tục đổi mới hình thức PBGDPL phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và khả năng tiếp thu của đối tượng tại vùng DTTS &MN;

- Cần quan tâm nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác PBGDPL đặc biệt là đội ngũ những người làm công tác PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS;

* Đối với Trung ương

Đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại cùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cần có tập huấn khung, những chính sách trong thu hút xã hội hóa công tác này, đồng thời có các hướng dẫn về mô hình làm gợi ý cho công tác triển khai tại cơ sở. 

Với những kết quả đạt được trong qua trình triển khai nhiệm vụ, xin chia sẻ, trao đổi một số nội dung và có những quan điểm, đề xuất để cơ quan có thẩm quyền xem xét hoàn thiện các chính sách, nhằm phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật góp phần thực hiện nhiệm vụ PBGDPL đạt hiệu quả cao hơn nữa.


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.