THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH
   

Tìm hiểu một số quy định của pháp luật về xác định cha, mẹ, con

Ngày tạo:  26/05/2024 11:42:23
Xác định cha mẹ con có thể được hiểu là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tìm kiếm, nhận diện tư cách làm cha, mẹ, con về mặt huyết thống của các chủ thể được các quy phạm pháp luật điều chỉnh.

    Mối quan hệ cha, mẹ con là một mối quan hệ đặc biệt và luôn gắn liền với những sự kiện pháp lý nhất định. Xét dưới góc độ pháp lý thì mối quan hệ này chỉ được phát sinh khi được sự chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định cụ thể. Việc xác định cha, mẹ, con để thiết lập một quan hệ cha mẹ và con đảm bảo tính huyết thống giữa hai thế hệ kế tiếp nhau với tư cách là cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ.

      Cha đẻ, mẹ đẻ trong mối quan hệ với con là người trực tiếp sinh ra người con, Con đẻ trong mối quan hệ với cha mẹ là người được cha mẹ sinh và mối quan hệ này được pháp luật quy định những quyền và nghĩa vụ.

Đối với con được xác định trong những trường hợp: Con trong giá thú (là con có cha mẹ đăng kí kết hôn hợp pháp) hoặc Con ngoài giá thú (là con có cha mẹ không đăng kí kết hôn hợp pháp).

     Tại Điều 88, 89 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. Và trường hợp nngười không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

     Như vậy, xác định cha mẹ con là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tìm kiếm, nhận diện tư cách làm cha, mẹ, con về mặt huyết thống của các chủ thể được các quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Quyền nhận cha mẹ con.

      Theo các quy định của pháp luật thì cá nhân có quyền nhận cha, mẹ, con: Tại Điều 39 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định cá nhân có quyền xác định cha, mẹ, con. tại Điều 90 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết và con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha. Và tại Điều 91 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.

       Tại Điều 92 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.” Tại Điều 92 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của luật này; Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra”. Tại Điều 94 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.”.

       Như vậy, với những quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 đã xác định rất rõ quyền của cá nhân trong việc nhận cha, mẹ, con, đồng thời quy định cả quyền nhận cha, mẹ con trong trường hợp mang thai hộ, đây là những quy định quan trọng đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 cũng như đảm bảo cho cá nhân có điều kiện để biết về huyết thống cha, mẹ, con của mình.

        Thẩm quyền thực hiện việc xác định cha, mẹ con. 

      Tại 101 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định: Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này và Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Điều 28 và Điều 29 Bộ Luật Tố tụng dân sự cũng quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ. Những yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

      Như vậy, với những quy định này, pháp luật đã chỉ ra cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc xác định cha, mẹ con gồm Cơ quan đăng ký hộ tịch  và Tòa án. Trong phạm vi bài tìm hiểu này chúng ta đi sâu tìm hiểu về trường hợp xác định cha, mẹ, con ở cơ quan đăng ký hộ tịch trong trường hợp xác định cha, mẹ, con không có tranh chấp và thực hiện thủ tục việc nhận cha, mẹ con.

      * Trường hợp đăng ký việc nhận cha, mẹ, con tại UBND cấp xã.

      Tại Điều 24 Luật hộ tịch năm 2014 có quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

      Tại Điều 19 nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật hộ tịch có quy định: Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam, tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.

       Về thủ tục thực hiện:

      Tại Điều 25 luật này quy định về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con cụ thể: Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con cho cơ quan đăng ký hộ tịch; khi đăng ký nhận cha mẹ con các bên phải có mặt. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Tại khoản 2 Điều 19 nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật hộ tịch có quy định: Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã; hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:

- Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

- Giây tờ chứng minh quan hệ cha - con, hoặc quan hệ mẹ - con;

- Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra hồ sơ, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã quyết định. Trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 12 ngày làm việc. Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung vào Sổ hộ tịch, cùng người có yêu cầu ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ký cấp cho mỗi bên 01 bản chính trích lục hộ tịch.

Tại Thông tư 04/2020/TT-BTP có hướng dẫn: Việc thực hiện nộp hồ sơ phải đảm bảo không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại. Khi nhận kết quả đăng ký nhận cha, mẹ, con, cả bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con đều phải có mặt.

       Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

     - Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

     - Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

     Trường hợp Kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con thì:  Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con. Trường hợp đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con mà một bên có yêu cầu là người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thẩm quyền thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

       Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con bao gồm: Tờ khai đăng ký khai sinh; Tờ khai  ký nhận cha, mẹ con; Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh; Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con 

      Đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt: 

    - Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai. Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

     - Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.

     - Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.

      Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật (Trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu đăng ký hộ tịch thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật. Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.)

     - Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật. Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định.

       * Trường hợp đăng ký việc nhận cha, mẹ, con tại UBND cấp huyện.

        Tại Điều 43 Luật Hộ tịch 2014 quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.

      Tại Điều 43 Luật Hộ tịch 2014 quy định: Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch ; trường hợp đăng ký nhận cha mẹ con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

      Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.

     Trên đây là một số các quy định của pháp luật quy định về xác định cha, mẹ, con trong đó ta nhận thấy các quy định này nằm ở nhiều văn bản như Bộ Luật dân sự 2015, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Hộ tịch 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Thông tư 04/2020/TT-BTP. Các quy định này đã chỉ rõ thẩm quyền và các trường hợp có thể xác định cha, mẹ con thuộc về cơ quan đăng ký hộ tịch và Tòa án. Lưu ý đối với cơ quan đăng ký hộ tịch được xác định thẩm quyền trong trường hợp không có tranh chấp và được thực hiện tại UBND cấp huyện đối với trường hợp có yếu tố nước ngoài, UBND cấp xã đối với trường hợp trong nước, UBND cấp xã khu vực biến giới được thực hiện đối với trường hợp trong nước và giữa người Việt Nam với người nước ngoài thuộc khu vực biên giới. Trong quá trình thực hiện công dân cần lưu ý không thực hiện thủ tục này theo diện ủy quyền mà phải trực tiếp nộp hồ sơ và phải có mặt tại đối với thời điểm nhận giấy tờ, những chứng cứ thể hiện mối quan hệ cha, mẹ con phải được nộp cho cơ quan có thẩm quyền trong đó có cả chứng cứ về y tế do cơ quan có thẩm quyền cấp và chứng cứ khác, tuy nhiên chứng cứ về y tế không phải là chứng cứ bắt buộc mà có thể thay thế bằng chứng cứ khác.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.