THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LUẬT GIA TỈNH
   

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THÍ ĐIỂM ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT”

Ngày tạo:  27/08/2022 18:30:03
Ngày 12 tháng 8 năm 2022 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật".

Với quan điểm chỉ đạo: Bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật nói chung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới hiện nay. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo đảm tính khách quan, thực chất, chặt chẽ, khoa học trong đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kết quả đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu.

          Đề án đã xác định mục tiêu tổng quát: Đổi mới toàn diện, tạo sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động, khả thi, phù hợp với tính chất, mục tiêu, yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực tiễn cuộc sống; đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức, người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

          Trên cơ sở đó đã xác định những mục tiêu cụ thể:

          - Ban hành Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khoa học, khách quan, khả thi, phù hợp với yêu cầu, bối cảnh thực tiễn.

          - Tổ chức thực hiện và hoàn thành việc đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số bộ, ngành, địa phương.

          - Tổng kết quá trình thí điểm, đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế và xây dựng các giải pháp phù hợp về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi cả nước.

          Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2022 - 2026 và với Phạm vi: Đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng.

          Đề án đã xác định những nhiệm vụ:

          1. Nghiên cứu, khảo sát hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

          2. Ban hành Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

          3. Tổ chức thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

          4. Huy động nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

          5. Tổng kết, rút kinh nghiệm, nghiên cứu đề xuất định hướng hoàn thiện thể chế về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

          Trên cơ sở các nhiệm vụ đề ra Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trong đó có nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh thực hiện thí điểm; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Thông tin và Truyền thông; các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thí điểm.

          Với những nội dung công việc cụ thể cùng sự phân công rõ ràng trong việc thực hiện nhiệm vụ điều này sẽ đảm bảo cho các mục tiêu đề rà được thực hiện nhanh chóng đầy đủ, kịp thời và hiệu quả.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.