THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LUẬT GIA TỈNH
   

TÌM HIỂU MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ VÀ LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Ngày tạo:  29/09/2022 10:18:26
Ngày 22/11/2019 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Trong quá trình tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cần lưu ý một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật như sau:

1. Đối với Luật Tổ chức Chính phủ

1.1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 23 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức và công tác thi đua, khen thưởng như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 như sau:

“3. Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện), đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Thống nhất quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương; quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

b) Bổ sung khoản 9 vào sau khoản 8 như sau:

“9. Quyết định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập”.

1.2. Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm đ khoản 2 và khoản 10 Điều 28 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:

“b) Chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 như sau:

“đ) Quyết định phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”;

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 10 như sau:

“10. Quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành”.

1.3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 34 về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 8 như sau:

“8. Quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”;

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 9 như sau:

“9. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đình chỉ công tác, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc”.

1.4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 40 về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ như sau:

“2. Vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu.

Số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 04; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm bình quân không quá 03 người trên một đơn vị”.

Thay thế cụm từ “bất thường” bằng cụm từ “chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất” tại khoản 1 Điều 44 về hình thức hoạt động của Chính phủ.

2. Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương

2.1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính như sau:

“1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 của Luật này phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt”.

2.2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 về Hội đồng nhân dân như sau:

“3. Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp”.

2.3. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 7 về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:

“1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

2.4. Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 11 về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương như sau:

“e) Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điệu kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp”.

2.5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 về phân quyền cho chính quyền địa phương như sau:

“1. Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác”.

2.6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 về  phân cấp cho chính quyền địa phương như sau:

“3. Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp”.

2.7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 14 về ủy quyền cho cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương như sau:

“1. Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.

2. Việc ủy quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ủy quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền”.

2.8. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 và 3 Điều 18 về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tỉnh như sau:

“1. Hội đồng nhân dân tỉnh gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở tỉnh bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Tỉnh miền núi, vùng cao có từ năm trăm nghìn dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên năm trăm nghìn dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bảy mươi lăm đại biểu;

b) Tỉnh không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm bảy mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

3. Hội đồng nhân dân tỉnh thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - ngân sách, Ban văn hóa - xã hội; nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban dân tộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban Dân tộc quy định tại khoản này.

Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.”.

2.9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 25 về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân huyện như sau:

“1. Hội đồng nhân dân huyện gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở huyện bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân huyện được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ bốn mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên bốn mươi nghìn dân thì cứ thêm bảy nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu;

b) Huyện không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có từ tám mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên tám mươi nghìn dân thì cứ thêm mười lăm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu;

c) Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở huyện có từ ba mươi đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân huyện. Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.”.

2.10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 32 về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân xã như sau:

“1. Hội đồng nhân dân xã gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở xã bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân xã được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ hai nghìn dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu;

b) Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên hai nghìn dân đến dưới ba nghìn dân được bầu mười chín đại biểu;

c) Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ ba nghìn dân đến bốn nghìn dân được bầu hai mươi mốt đại biểu; có trên bốn nghìn dân thì cứ thêm một nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu;

d) Xã không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này có từ năm nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu; có trên năm nghìn dân thì cứ thêm hai nghìn năm trăm dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân xã gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.”.

2.11. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 33 về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã như sau:

“4. Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của xã trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách xã; điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền”.

2.12. Sửa đổi, bổ sung Điều 34 về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân xã như sau:

Điều 34. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân xã

Ủy ban nhân dân xã gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.

Ủy ban nhân dân xã loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; xã loại III có một Phó Chủ tịch”.

2.13. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2 và 3 Điều 39 về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương như sau:

“1. Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở thành phố trực thuộc trung ương bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Thành phố trực thuộc trung ương có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm sáu mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu;

b) Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được bầu chín mươi lăm đại biểu.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

3. Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - ngân sách, Ban Văn hóa - xã hội, Ban Đô thị.

Ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên, số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách”.

2.14. Sửa đổi, bổ sung Điều 44 về chính quyền địa phương ở quận như sau:

Điều 44. Chính quyền địa phương ở quận

Chính quyền địa phương ở quận là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Cấp chính quyền địa phương ở quận gồm có Hội đồng nhân dân quận và Ủy ban nhân dân quận”.

2.15. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 46 về  cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân quận như sau:

“1. Hội đồng nhân dân quận gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở quận bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân quận được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Quận có từ một trăm nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên một trăm nghìn dân thì cứ thêm mười lăm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu;

b) Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở quận có từ ba mươi phường trực thuộc trở lên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân quận gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân quận. Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách”.

2.16. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 53 về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương như sau:

“1. Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Thị xã có từ tám mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên tám mươi nghìn dân thì cứ thêm mười lăm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu;

b) Thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có từ một trăm nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên một trăm nghìn dân thì cứ thêm mười lăm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu;

c) Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có từ ba mươi đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương gồm chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.”.

2.17. Sửa đổi, bổ sung Điều 58 về chính quyền địa phương ở phường như sau:

Điều 58. Chính quyền địa phương ở phường

Chính quyền địa phương ở phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Cấp chính quyền địa phương ở phường gồm có Hội đồng nhân dân phường và Ủy ban nhân dân phường”.

2.18. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 60 về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân phường như sau:

“1. Hội đồng nhân dân phường gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở phường bầu ra.

Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân phường được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Phường có từ mười nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi mốt đại biểu;

b) Phường có trên mười nghìn dân thì cứ thêm năm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân phường gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân phường. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách”.

2.19. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 61 về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân phường như sau:

“3. Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của phường trước khi trình Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật”.

2.20. Sửa đổi, bổ sung Điều 62 về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường như sau:

“Điều 62. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường

Ủy ban nhân dân phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.

Ủy ban nhân dân phường loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; phường loại III có một Phó Chủ tịch”.

2.21. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 67 về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân thị trấn như sau:

“2. Thường trực Hội đồng nhân dân thị trấn gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thị trấn. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị trấn là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách”.

2.22. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 68 về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị trấn như sau:

“3. Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của thị trấn trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách thị trấn; điều chỉnh dự toán ngân sách thị trấn trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách thị trấn. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật”.

2.23. Sửa đổi, bổ sung Điều 69 về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thị trấn như sau:

“Điều 69. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân thị trấn

Ủy ban nhân dân thị trấn gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.

Ủy ban nhân dân thị trấn loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; thị trấn loại III có một Phó Chủ tịch”.

2.24. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 72 về chính quyền địa phương ở hải đảo như sau:

“2. Tại đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã tổ chức cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện ở hải đảo gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

3. Việc tổ chức các cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở địa bàn hải đảo thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

2.25. Sửa đổi, bổ sung Điều 75 về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như sau:

“Điều 75. Tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Việc tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó”.

2.26. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 83 về bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân như sau:

“2. Hội đồng nhân dân bầu Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân”.

2.27. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 94 về trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:

“1. Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri”.

2.28. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 101 về thôi làm nhiệm vụ đại biểu, tạm đình chỉ và mất quyền đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:

“1. Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân không còn công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu thì phải xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Đại biểu Hội đồng nhân dân có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.

Việc chấp nhận đại biểu Hội đồng nhân dân thôi làm nhiệm vụ đại biểu do Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định”.

2.29. Sửa đổi, bổ sung Điều 127 về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương như sau:

“1. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện có cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quy định việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã”.

2.30. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 128 về nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như sau:

“1. Khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật”.

2.31. Thay thế cụm từ “bất thường” bằng cụm từ “chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất” tại khoản 2 và khoản 3 Điều 78, khoản 2 và khoản 3 Điều 80, khoản 1 và khoản 3 Điều 97, khoản 2 Điều 113, khoản 4 Điều 114.

2.32. Bỏ cụm từ “Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh” tại điểm a khoản 2 Điều 19; bỏ cụm từ “Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;” tại điểm a khoản 1 Điều 88.

2.33. Bãi bỏ khoản 4 Điều 9 về cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân

Từ ngày Luật này có hiệu lực (01/7/2020) cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tại các đơn vị hành chính, cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Trưởng ban của Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn loại II tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13.

Trên đây là một số nội dung tìm hiểu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có thể sử dụng là tài liệu tham khảo cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên tham khảo trong quá trình tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nhằm góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân giúp cho công tác chấp hành pháp luật đạt hiệu quả cùng thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.