THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LUẬT GIA TỈNH
   

Tìm hiểu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Ngày tạo:  26/07/2023 17:17:16
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

    Luật sửa đổi, bổ sung này có 3 Điều, gồm: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt NamĐiều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Điều 3. là Điều khoản thi hành.

     I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

     1. Căn cứ chính trị, pháp lý

      Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị[1] đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”[2]. Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này.

      Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

      Thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định[3]để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng xác định công tác cải cách hành chính phải được tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp kiến tạo thể chế xác định cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. 

Chính vì vậy, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng,đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của Chính phủ.

      2. Căn cứ thực tiễn

      Qua nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ thấy rằng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu của tình hình thực tiễn cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể như sau:

      a) Đối với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

    - Khoản 1 Điều 15 quy định “Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng”. Như vậy, theo quy định trên thì người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước phải trực tiếp thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; do vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện việc cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân ở dịch vụ công trực tuyến cần bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử.

    - Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 thì trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh nơi thuận lợi, cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi. Như vậy, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện.

    - Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 thì người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông trực tiếp nộp tờ khai và hộ chiếu tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện đề nghị khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử cần nghiên cứu, bổ sung quy định này vào Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

    - Điểm a khoản 2 Điều 15 quy định giấy tờ liên quan đến cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước phải có bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi. Hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, nên các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thể tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không cần thiết phải đề nghị công dân cung cấp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi. Ngoài ra, khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định thủ tục báo mất hộ chiếu của công dân chưa có quy định báo mất trên môi trường điện tử và chưa phân cấp triệt để cho Công an các cấp trong thực hiện thủ tục tiếp nhận đơn báo mất hộ chiếu của công dân. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 28 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Quyết định nêu trên.

       - Để tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam xuất cảnh, cần nghiên cứu sửa đổi quy định điều kiện xuất cảnh theo hướng bỏ điều kiện về thời hạn hộ chiếu phải còn đủ từ 06 tháng trở lên.

      - Theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là đơn vị chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú theo phân công của Chính phủ (Điều 45); Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú (Điều 46). Như vậy, cùng một vấn đề ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân nhưng có 02 Bộ chủ trì, cùng một nội dung về hợp tác quốc tế trong tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú lại do 02 cơ quan thực hiện, như vậy, nội dung này không phù hợp với chủ trương Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW[4] về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, cơ quan thực hiện ủy quyền ký kết lại không phải cơ quan đầu mối thực hiện hoạt động nhận trở lại công dân. Chính vì vậy, cần điều chỉnh quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, bảo đảm tính kịp thời, bám sát thực tiễn.

     - Theo quy định của pháp luật hiện hành, chức vụ ngoại giao của Phó Tùy viên Quốc phòng tương đương Bí thư thứ nhất là cấp hàm ngoại giao được cấp hộ chiếu ngoại giao. Thực tiễn hoạt động đối ngoại quốc phòng, Phó Tùy viên Quốc phòng của các nước đều mang hàm ngoại giao (được cấp hộ chiếu ngoại giao), nằm trong danh sách ngoại giao đoàn tham gia các hoạt động ngoại giao tại địa bàn. Việc Phó Tùy viên Quốc phòng Việt Nam không được cấp hộ chiếu ngoại giao đồng nghĩa với việc không được thừa nhận có hàm ngoại giao để tham gia các hoạt động đối ngoại như Phó Tùy viên Quốc phòng các nước khác. Điều này gây khó khăn cho Phó Tùy viên Quốc phòng Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ đối ngoại Quốc phòng, đồng thời ảnh hưởng đến vai trò, vị thế của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam để đảm bảo phù hợp với thực tế công tác của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài. 

      - Thời gian qua, tình trạng công dân đề nghị cấp hộ chiếu khi đến hẹn nhận kết quả nhưng không đến nhận hộ chiếu (không đề nghị trả hộ chiếu qua bưu chính công ích) dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác trả hộ chiếu cho công dân, cũng như việc quản lý hộ chiếu đã cấp cho công dân mà không đến nhận (từ 01/7/2020 đến 24/3/2023 đã có 975 trường hợp công dân đã được cấp hộ chiếu nhưng không nhận kết quả). Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông (Điều 27) đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu mà không đến nhận kết quả để bảo đảm hiệu quả công tác cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nói riêng, công tác quản lý xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam nói chung.

       - Các điều 17 và 18 đã quy định về các trường hợp, trình tự, thủ tục được cấp hộ chiếu rút gọn, tuy nhiên, chưa bao hàm được nhiều diện đối tượng không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như: người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người, ngư dân… Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cũng như phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

b) Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

        - Qua thực tiễn thi hành cho thấy Luật đã có những quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư…, trong đó, đặc biệt là việc luật hóa chính sách thị thực điện tử sau thời gian thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, Luật có hiệu lực thi hành vào thời điểm cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, Việt Nam đang áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường phòng chống dịch, do đó, hiệu quả trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của các chính sách còn hạn chế.

       Từ ngày 15/03/2022, sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở cửa du lịch sau đại dịch Covid-19, các hoạt động xuất nhập cảnh đã dần trở lại trạng thái bình thường, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với năm 2021 nhưng vẫn còn rất thấp so với thời điểm trước dịch, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019. Đến nay, dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhiều nước đã gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch nhằm phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên hậu quả của đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cơ bản trên tất cả các lĩnh vực, nhất là ngành du lịch. Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 của ngành du lịch, trong khi, khách quốc tế là thị phần khách có đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của ngành du lịch (3 năm trước dịch Covid-19, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam bình quân chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch). Việc sụt giảm lượng khách du lịch quốc tế so với thời gian trước dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến toàn bộ ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan như vận chuyển (hàng không, đường bộ,…), lưu trú… đều giảm mạnh nguồn thu.

       Từ cuối năm 2022 đến nay, tại các Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn về du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước, các Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp hàng không, lữ hành,… có nhiều kiến nghị cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.

      Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi du lịch, kinh tế xã hội; trong đó, có nhiệm vụ “tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế” và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.

Việc tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập xuất cảnh cho khách du lịch quốc tếcũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội. Ngày 31/3/2023, tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa theo yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo phải gấp rút giải quyết những vướng mắc về “visa” và định hướng báo cáo, đề xuất Quốc hội ngay trong kỳ họp tới để có thể sớm áp dụng các chính sách thị thực thông thoáng vào thực tiễn nhằm góp phần tháo gỡ, kích cầu du lịch.

     Qua thời gian triển khai cấp thị thực điện tử, từ giai đoạn thí điểm năm 2017 đến nay, Chính phủ đánh giá cao chính sách thị thực điện tử với thủ tục hành chính công ở mức độ cao nhất, có tính cạnh tranh vượt trội so với chính sách thị thực của các nước trong khu vực và thế giới về sự thuận tiện, thông thoáng, công khai và minh bạch, không qua khâu trung gian… Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt trước của Bộ Công an, do đó, so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử đáp ứng yêu cầu công tác quản lý. Sau khi Chính phủ khôi phục chính sách xuất nhập cảnh như trước giai đoạn dịch Covid-19, số lượng cấp thị thực điện tử tăng gấp 46,6 lần so với cùng kỳ thời gian trước dịch Covid-19. 

      Theo quy định của Luật hiện hành, thị thực điện tử có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày, áp dụng đối với công dân các nước do Chính phủ quyết định trên cơ sở đáp ứng đủ điều kiện: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. 

      Để phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được của chính sách thị thực điện tử, Chính phủ nhận thấy cần nghiên cứu mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng, thời hạn và giá trị, cụ thể: (1) Tạo cơ sở pháp lý để có thể thực hiện chủ trương áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới nếu không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phù hợp các chính sách phát triển của Việt Nam; nhằm mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện thu hút nhiều hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam;(2)Nâng thời hạn của thị thực điện tử để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư. (3)Quy định thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như Luật hiện hành. Việc cho phép được lựa chọn đề nghị cấp thị thực điện tử giá trị nhiều lần giúp người nước ngoài chủ động hơn trong các lần nhập, xuất cảnh, góp phần giảm tải thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, nhất là đối với số người có nhu cầu đi lại thường xuyên giữa các quốc gia để khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, ký kết hợp đồng, kiểm tra chất lượng sản phẩm…; đồng thời, giá trị nhiều lần cũng phù hợp với việc đề xuất nâng thời hạn của thị thực điện tử.

       Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực, theo quy định của Luật hiện hành, khi nhập cảnh được cấp chứng nhận tạm trú 15 ngày. Theo ngành du lịch, nhóm du khách từ Châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài từ 15 ngày trở lên và có xu hướng lựa chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia. Do đó, Chính phủ thấy cần nghiên cứu nâng thời hạn tạm trú đối với người nhập cảnh diện đơn phương miễn thị thực để tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực.

       Với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, dự báo lượng người nước ngoài nhập cảnh sẽ tăng, đặc biệt, số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử, miễn thị thực (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh) sẽ ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải được tăng cường hơn nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách nhập xuất cảnh thông thoáng của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật. Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 như đã nêu ở trên, cần thiết bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý.

       Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023) theo trình tự, thủ tục rút gọn là hết sức cần thiết để giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

      II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

      1. Mục đích

Góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệan ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

      2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây:

- Tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Tiếp tục bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.

- Xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vấn đề cần điều chỉnh để góp phần thực hiện tốt hơn đường lối đối ngoại, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

           III. NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO LUẬT

          Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6 như sau:

a) Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 1 như sau:

“đ) Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:

a) Ảnh chân dung;

b) Họ, chữ đệm và tên;

c) Giới tính;

d) Nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh;

đ) Quốc tịch;

e) Ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; cơ quan cấp; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn;

g) Số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân;

h) Chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ phù hợp với yêu cầu đối ngoại;

i) Thông tin khác do Chính phủ quy định.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 8 như sau:

“11. Người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ chức vụ từ Tùy viên trở lên, Tùy viên Quốc phòng và Phó Tùy viên Quốc phòng tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:

a) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất còn giá trị sử dụng đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu còn giá trị sử dụng bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 của Luật này;

b) Bản sao Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi chưa được cấp mã số định danh cá nhân; trường hợp không có bản sao Giấy khai sinh, trích lục khai sinh thì nộp bản chụp và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

c) Bản sao giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi; trường hợp không có bản sao thì nộp bản chụp và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.”;

b) Bổ sung khoản 9 vào sau khoản 8 như sau:

“9. Việc đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông được thực hiện tại trụ sở Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh hoặc trên môi trường điện tử tại cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ Công an.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 16 như sau:

“1. Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung, giấy tờ liên quan quy định tại khoản 1a Điều này và xuất trình hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam, giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ làm căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

1a. Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài bao gồm:

a) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất còn giá trị sử dụng đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu còn giá trị sử dụng bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 của Luật này;

b) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có liên quan do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;

c) Bản sao Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi; trường hợp không có bản sao Giấy khai sinh, trích lục khai sinh thì nộp bản chụp và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu;

d) Bản sao giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi; trường hợp không có bản sao thì nộp bản chụp và xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.”.

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 như sau:

“2. Người không được phía nước ngoài cho cư trú nhưng không thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về nhận trở lại công dân.”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 18 như sau:

“2. Cấp hộ chiếu cho người không được phía nước ngoài cho cư trú nhưng không thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về nhận trở lại công dân được quy định như sau:

a) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận đề nghị từ cơ quan có thẩm quyền nước sở tại hoặc đề nghị cấp hộ chiếu từ người không được nước ngoài cho cư trú, 02 ảnh chân dung của người không được nước ngoài cho cư trú, tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin và giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (nếu có);

b) Trường hợp vì lý do nhân đạo, khẩn cấp, nếu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có đủ cơ sở xác định nhân thân, quốc tịch của người đề nghị cấp hộ chiếu, trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể xem xét cấp hộ chiếu;

c) Trường hợp không thuộc quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại hoặc của người không được nước ngoài cho cư trú, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi thông tin của người cần được cấp hộ chiếu theo mẫu về Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xác minh, trả lời bằng văn bản cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết quả trả lời của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp hộ chiếu cho công dân; trường hợp không cấp hộ chiếu thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị biết;

d) Sau khi cấp hộ chiếu, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải thông báo cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an để phối hợp tiếp nhận, quản lý công dân khi về nước.”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 27 như sau:

“1. Hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận hộ chiếu và không có thông báo bằng văn bản về lý do chưa nhận.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28 như sau:

“2. Việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:

a) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hộ chiếu phổ thông bị mất, người bị mất hộ chiếu trực tiếp nộp hoặc gửi đơn báo mất theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Công an cấp huyện, cấp xã hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi thuận lợi hoặc đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hoặc trên môi trường điện tử tại cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Trường hợp vì lý do bất khả kháng, thời hạn nộp hoặc gửi đơn báo mất có thể dài hơn nhưng trong đơn phải giải thích cụ thể về lý do bất khả kháng;

b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn báo mất hộ chiếu phổ thông, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm thông báo theo mẫu cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an và người gửi đơn. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thực hiện hủy giá trị sử dụng hộ chiếu.”.

9. Bổ sung Điều 28a vào sau Điều 28 như sau:

“Điều 28a. Hủy giá trị sử dụng hộ chiếu đối với trường hợp công dân không nhận hộ chiếu

Sau 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận và không có thông báo bằng văn bản cho cơ quan chức năng về lý do chưa nhận thì cơ quan cấp hộ chiếu thực hiện việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu.”.

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 32 như sau:

“2. Người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu điền đầy đủ thông tin vào tờ khai theo mẫu kèm theo hộ chiếu và nộp trực tiếp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc trên môi trường điện tử tại cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ Công an.”.

11. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 33 như sau:

“a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng;”.

12. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 41 như sau:

“b) Nơi sinh; ngày, tháng, năm sinh;”.

13. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 45 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 10 như sau:

“10. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đề xuất ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú; phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.”;

b) Bổ sung khoản 13 vào sau khoản 12 như sau:

“13. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trên môi trường điện tử theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.”.

14. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 46 như sau:

“7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề xuất ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề xuất ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú.”.

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 49 như sau:

“1. Cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ công tác cấp, quản lý hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

2. Hướng dẫn các Bộ, cơ quan có liên quan sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ công tác cấp, quản lý hộ chiếu có gắn chíp điện tử.”.

          Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 như sau:

“3. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần; thị thực cấp cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này có giá trị một lần.”.

2. Sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 như sau:

“1. Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày.

2. Thị thực ký hiệu HN, DL, EV có thời hạn không quá 90 ngày.

3. Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 180 ngày.

4. Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2, TT có thời hạn không quá 01 năm.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 19a như sau:

“Điều 19a. Các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử

1. Việc cấp thị thực điện tử được áp dụng trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

2. Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.”.

4. Sửa đổi, bổ sung điểm c và điểm d khoản 1 Điều 31 như sau:

“c) Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định của Luật này;

d) Đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này vào khu kinh tế cửa khẩu thì cấp tạm trú 15 ngày, vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hoặc khu kinh tế ven biển quy định tại khoản 3a Điều 12 của Luật này thì cấp tạm trú 30 ngày.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 33 như sau:

“Điều 33. Khai báo tạm trú

1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú.

2. Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú.

Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.

3. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này.”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 34 như sau:

“2. Người nước ngoài không được tạm trú tại khu vực cấm, khu vực tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền; vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển. Trường hợp tạm trú tại cơ sở lưu trú trong khu vực biên giới hoặc thị trấn, thị xã, thành phố, khu du lịch, dịch vụ, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, khu kinh tế khác có liên quan đến khu vực biên giới thì khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Cơ quan tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài có trách nhiệm thông báo ngay cho đồn, trạm Biên phòng nơi có cơ sở lưu trú.”.

7. Sửa đổi, bổ sung tên Chương VII như sau:

“Chương VII

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI; QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN”.

8. Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 Điều 44 như sau:

“đ) Xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định.”.

9. Bổ sung Điều 45a vào sau Điều 45 trong Chương VII như sau:

“Điều 45a. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch cho người nước ngoài hoặc cho người nước ngoài tạm trú khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất; trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm trong khu vực biên giới phải thông báo ngay cho cơ quan Công an hoặc đồn, trạm Biên phòng nơi gần nhất.”.

10. Bổ sung khoản 11 vào sau khoản 10 Điều 47 như sau:

“11. Hướng dẫn việc cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và khai báo tạm trú cho người nước ngoài trên môi trường điện tử theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.”.

          Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

2. Giấy tờ xuất nhập cảnh đã cấp cho công dân trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy tờ đó.

3. Trường hợp công dân đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nhưng chưa được cấp khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 để giải quyết.

4. Trường hợp người nước ngoài đã được cấp thị thực điện tử hoặc nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực hoặc đề nghị cấp thị thực điện tử nhưng chưa được cấp khi Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 51/2019/QH14.


 

[1]Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp luật Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

[2]Khoản 1 Mục II và khoản 1 Mục IV Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

[3] Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.

[4] Tiết 2.2 mục 2 Phần III  Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu rõ “Khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính”.


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.