THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LUẬT GIA TỈNH
   

MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

Ngày tạo:  11/11/2023 17:25:03
GỢI Ý GIẢI QUYẾT MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ ĐƯỢC ĐƯA RA TẠI HỘI THI HÒA GIẢI VIÊN GIỎI TOÀN QUỐC LẦM THỨ IV - NĂM 2023 (từ tình huống 01 đến tình huống 09)

Tình huống 1:

Vợ chồng ông T và bà H sinh được ba người con là chị P, anh Ph và anh S. Cả ba con đã kết hôn, có gia đình riêng; ông T và bà H sống chung với vợ chồng anh S. Chị P có con nhỏ ba tuổi (chồng P mất từ khi con một tuổi), P đi làm ăn xa nên gửi con sang cho bà H trông nom. Do bà H phải trông nom cả ba cháu dưới 6 tuổi (01 con chị P và 02 con của anh S) nên rất vất vả. Việc đưa đón con anh S đi học không được kịp thời như trước nên vợ chồng anh S bức xúc, không nhất trí, yêu cầu mẹ trả cháu về chị P để gửi bà nội cháu trông nom. Mâu thuẫn giữa bà H và vợ chồng anh S cứ âm ỉ kéo dài, có lúc trở nên gay gắt. Bà H “đá thúng, đụng nia” rồi bỏ sang sống với vợ chồng anh Ph. Vợ chồng anh S suy nghĩ lại và muốn bà H trở về nhà đoàn tụ gia đình nên sang nhờ tổ hòa giải giúp đỡ.

 Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

    1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn giữa bà H và vợ chồng anh S trong tình huống trên thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình Nguyên nhân: do bà H phải trông nom cả ba cháu dưới 6 tuổi (01 con chị P và 02 con của anh S) nên rất vất vả. Việc đưa đón con anh S đi học không được kịp thời nên vợ chồng anh S bức xúc, không nhất trí, yêu cầu mẹ trả cháu về cho chị P để gửi bà nội cháu trông nom, dẫn đến bà H tức giận bỏ sang sống với vợ chồng anh Ph.

    2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Theo quy định của Pháp luật, việc vợ chồng anh S có thái độ và yêu cầu mẹ trả cháu về cho chị P là sai cả về pháp luật và tình cảm. Vụ việc này thuộc phạm vi hòa giải ơ cơ sở.

    3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc đó là: 

Tại các điều Điều 69; 70; 103; 104 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định: 

Cha mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc; giáo dục con;

Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ;

Các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau; 

Ông bà nội, ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu;

     4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích cho vợ chồng anh S hiểu được rằng: Con cái phải có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ nên việc anh chị bức xúc tỏ thái độ với mẹ là sai.

Mặt khác, Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái nên việc đưa con cái đi học đầu tiên là nghĩa vụ của anh chị. bà H đã cố gắng giúp đỡ anh chị là tạo điều kiện để anh chị đi làm tăng thu nhập cho gia đình. Việc bà H trông nom các cháu nội ngoại như nhau là đúng. Bà H đã cả đời lam lũ nuôi dạy các con, giờ tuổi già vẫn chăm sóc các cháu. anh chị nên xin lỗi mẹ và đưa mẹ về nhà mình để chăm sóc là hợp đạo lý.

Về phần bà H: Tôi sẽ đồng cảm việc bà giận con nhưng tôi cũng phân tích cho bà H hiểu bà nên phân tích cho vợ chồng anh S hiểu ra vấn đề bởi vì nghĩa vụ của cha mẹ là giáo dục con để con trở thành người con hiếu thảo, công dân tốt.

Việc bà sang nhà anh Ph ở, anh chị S đã thấy lỗi của mình và có nguyện vọng đón bà về tiện bề phụng dưỡng bà cũng như nhờ bà chăm lo cho các cháu bà nên tha thứ lỗi lầm cho các con mà quay về.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về tình cảm cha mẹ và con: "Mẹ ngoảnh đi, con dại; Mẹ ngoảnh lại, con khôn", "Vì con sống, mẹ suốt đời lam lũ
Vì con vui, mẹ gánh hết đau buồn” để khuyên giải các bên.

     5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tình huống 2:

Tường nhà ông Anh được xây dựng từ lâu nên bị nghiêng, sắp đổ. Do chưa có tiền phá đi xây lại nên ông Anh chỉ tạm thời dùng cột chống đổ. Vừa qua, chị Dung đang đi bộ trên đường, bất ngờ tường đổ sập làm chị bị gẫy chân. Chị Dung yêu cầu ông Anh bồi thường toàn bộ chi phí điều trị ở bệnh viện, thu nhập thực tế bị mất trong thời gian 20 ngày không đi làm được là 7 triệu đồng. Ông Anh chỉ đồng ý bồi thường cho chị Dung chi phí điều trị ở bệnh viện. Hai bên xảy ra tranh chấp.

Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

     1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn trong việc không có biện pháp gia cố bức tường đã hỏng để xảy ra tai nạn cho người qua đường. Nguyên nhân là do ông Anh khi phát hiện bức tường có dấu hiệu nghiêng đổ đã không có các biện pháp gia cố khiến cho bức tường đổ và xảy ra thiệt hại cho người qua đường là chị Dung.

      2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Theo quy định của Pháp luật, việc ông Anh không gia cố bức tường để xảy ra tai nạn với chị Dung là trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thuộc lĩnh vực dân sự, vụ việcnằm trong phạm vi hòa giải ở cơ sở.

      3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm  liên quan đến vụ việc đó là: 

     Theo Điều 584, 605, 585 của Bộ luật dân sự  2015 có quy định:

       - Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại; 

       - Chủ sở hữu công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng đó gây thiệt hại cho người khác.

      - Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về bồi thường.Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý.

     Và Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định rõ về các loại thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm phải bồi thường.

       4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích cho hai bên hiểu Về phía ông Anh, ông mắc lỗi vô ý vì chủ quan chỉ sử dụng que chống bức tường đã có dấu hiệu nghiêng đổ, do đó theo tinh thần của điều 585 Bộ Luật Dân sự thì người mắc lỗi vô ý có thể được giảm mức bồi thường. 

Về phía chị Dung, bị tai nạn mất sức lao động ảnh hưởng đến kinh tế của cá nhân và gia đình, ông Anh cần có trách nhiệm hỗ trợ một phần kinh phí để chị Dung trang trải trong thời gian nằm viện.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý về tình cảm hàng xóm láng giềng “Bán anh em xa, mua láng giềng gần; hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” lá rách ít đùm lá rách nhiều” để phân tích cho chị Dung hiểu việc nhà ông Anh chưa xây lại tường do kinh tế khó khăn chị Dung nên thông cảm giảm mức yêu cầu bồi thường đối với gia đình nhà ông Anh xuống.

        5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Tình huống 3:

Ông bà Long có con đẻ là anh Nguyên và con nuôi là chị Thủy. Ông bà Long nhận chị Thủy về nuôi từ lúc chị Thủy 08 tuổi (đã được Uỷ ban nhân dân xã cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi). Sau khi ông bà Long chết (không để lại di chúc), chị Thủy yêu cầu chia thừa kế tài sản của ông bà Long. Anh Nguyên không đồng ý vì cho rằng chị Thủy là con nuôi, không có quyền hưởng thừa kế. Hai anh em xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

          1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn giữa Anh Nguyên và chị Thủy thuộc lĩnh vực dân sự, liên quan đến thừa kế. Nguyên nhân do ông bà Long chết không để lại di chúc, anh Nguyên (con đẻ của ông bà Long) cho rằng chị Thủy là con nuôi nên không có quyền được hưởng thừa kế, hai anh em vì vậy xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

      2. Phân tích tình huống này tôi thấy theo quy định của Pháp luật, việc anh Nguyên cho rằng vì chị Thủy là con nuôi của ông bà Long nên không được hưởng thừa kế là sai, trái với quy định của pháp luật thừa kế. Đây là tranh chấp quyền hưởng thừa kế được quy định trong Bộ luật dân sự, vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

        3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc đó là: 

 Theo các Điều 650, 651, 653 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Một trong trường hợp thừa kế theo pháp luật khi không có di chúc;

Con đẻ và con nuôi đều cùng nằm trong 1 hàng thừa kế trong trường hợp cha mẹ chết đi để lại di sản thừa kế và người  thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

          Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định.

    Tại Điều 22 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, Sau khi đăng ký việc nuôi con nuôi thì quan hệ cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi được công nhận.

         4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích cho hai bên hiểu những quy định của pháp luật và những đúng sai trong cách cư xử của các bên. 

- Đối với anh Nguyên: việc anh cho rằng chị Thủy vì là con nuôi nên không được hưởng thừa kế từ cha mẹ anh là sai

- Đối với chị Thủy: việc chị đề xuất chia thừa kế sau khi cha mẹ mất là đúng, tuy nhiên việc chị chưa bình tĩnh để xảy ra mâu thuẫn với anh trai mình là không nên.

- Tôi đề nghị anh Nguyên tiếp thu các quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 nêu trên về quan hệ thừa kế giữa cha mẹ và con nuôi

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý về tình anh em: Anh em như thể chân tay, anh em thuận hòa là nhà có phúc, bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…. và tôi cũng phân tích, khuyên giải hai bên khi bố mẹ còn sống anh em được bộ mẹ chăm sóc và anh em quý mến chăm sóc nhau thì khi bố mẹ qua đời cũng nên đùm bọc nhau cho bố mẹ vui lòng và để cùng nhau sống vui vẻ, hạnh phúc.

      5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tình huống 4:

Gia đình bà M có căn nhà gắn liền với đất thuộc tổ dân phố 4. Căn nhà nằm sau nhà ông N, nhà bà M muốn đi lại thì phải đi qua sân của nhà ông N. Gia đình bà M đã thoả thuận với ông N đưa 50 triệu đồng để được sử dụng sân nhà ông N làm lối đi, có giấy viết tay. Mấy năm sau, gia đình ông N đã bán nhà đất cho ông T. Từ khi ông T về ở, ông T đã phá nhà cũ và xây nhà mới, theo đó phần sân được ông T sử dụng xây nhà ở. Bà M đã đề nghị ông T dành cho một lối đi lại nhưng không được ông T đồng ý nên hai bên đã xảy ra cãi vã. 

Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

      1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn giữa liên quan đến lối đi qua bất động sản liền kề. Nguyên nhân do ông T chủ mới của mảnh đất, sau khi nhận chuyển nhượng từ ông N đã xây nhà mới trên phần sân trước đó mà ông N đã thỏa thuận với bà M làm lối đi lại.

       2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Việc ông T không đồng ý cắt một phần diện tích từ phần sân xây nhà để làm lối đi lại theo như thỏa thuận trước đó với bà M và ông N (chủ cũ của mảnh đất) là sai. Đây là tranh chấp liên quan đến lối đi qua bất động sản liền kề được quy định trong Bộ luật dân sự, vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

      3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm  liên quan đến vụ việc đó là: 

Theo các Điều 246, 247, 249, 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thì:

- Đây là trường hợp xác lập quyền thông qua thoả thuận.

- quyền đối với bất động sản liền kề (trong đó bao gồm quyền đi qua bất động sản liền kề) có hiệu lực đối với mọi cá nhân và được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao.

- Trường hợp có sự thay đổi về sử dụng, khai thác bất động sản chịu hưởng quyền thì Chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền phải tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền phù hợp với thay đổi này. 

     4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích cho ông T hiểu rằng: việc ông không đồng ý cắt một phần diện tích sân làm lối đi chung cho bà M sử dụng, gây cản trở cho hoạt động đi lại, sinh hoạt của gia đình bà M là sai quy định của pháp luật. 

       Hiện tại ông T và bà M đã là hàng xóm của nhau, việc hai người tranh chấp lối đi chung để xảy ra cãi vã xô xát là không nên, dễ dẫn đến rạn nứt tình làng nghĩa xóm, có thể ảnh hưởng đến trật tự trị an, dẫn đến những hậu quả khó lường cho cả hai bên. 

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý về tình làng nghĩa xóm “ bán anh em xa mua láng giềng gần, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” để khuyên giải, giữa ông và bà M chính là 2 gia đình hàng xóm sát vách nhau có chuyện gì sẽ là người gần nhất để giúp đỡ nhau nên cả 2 bên cần bàn bạc để có một lối đi ra đường công cộng hợp lý nhất. Có thể không phải là lối đi cũ nếu lối đi cũ ảnh hưởng đến kiến trúc xây dựng của nhà ông T, thì ông T phải tạo mọi điều kiện cho bà M có lối đi mới phù hợp với việc thay đổi này.

       5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

   Tình huống 5:

       5. Chị Anh và bà Đào dự định sẽ góp chung tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng một thửa đất. Sau đó, chị Anh suy nghĩ thấy mình “mua đất” để đầu tư, còn bà Đào có 3 người con trai nên sẽ cho các con để ở, vì thế chị Anh không hợp tác nữa. Từ khi chị Anh thông báo không góp vốn, bà Đào hay gặp một số người trong thôn nói xấu, bôi nhọ, đưa những thông tin sai lệch về cuộc sống riêng của chị Anh, khiến công việc và cuộc sống gia đình chị bị ảnh hưởng. Hội Phụ nữ trong thôn đã đề nghị Tổ hòa giải tiến hành hòa giải. Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

     Giải quyết tình huống:

     1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn giữa bà Đào và chị Anh liên quan đến thỏa thuận góp vốn mua bán tài sản. Nguyên nhân do chị Anh đã không làm theo đúng dự định của hai người trước đó, về việc góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dẫn đến việc bà Đào nói xấu, bôi nhọ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình chị

     2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Việc chị Anh rút khỏi dự định trước đó với bà Đào mà không thông báo lý do là hành vi không đúng về tình lý. Việc bà Đào đặt điều, nói xấu bôi nhọ chị Anh với những người trong thôn là hành vi vi phạm pháp luật, vụ việc này thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

     3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc đó là:

- Theo Điều 34, 592 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ;

Người xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường theo quy định.

- Tại Điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. 

Điều 155 BLHS 2015 quy định Xúc phạm nghiêm trọng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

     4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích cho cả 2 bên hiểu được rằng: mình là hàng xóm trong cùng thôn “tối lửa tắt đèn có nhau”, việc gì cũng nên bình tĩnh, nhẫn nhịn, không nên vì chút hiểu lầm bé xé ra to bởi“Một điều nhịn bằng chín điều lành”; 

Phân tích cho chị Anh hiểu được rằng giữa Chị và bà Đào cùng nhau dự định sẽ góp chung tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng một thửa đất xong chị thông báo không góp vốn sẽ làm cho bà Đào khó khăn trong việc thực hiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất làm lỡ kế hoạch của bà Đào như vậy là chưa hợp tình. Chị cần thưa chuyện và nhận sự cảm thông của bà Đào để không mất đi tình làng nghĩa xóm.

Phân tích cho bà Đào: Việc bà Đào đặt điều nói xấu bôi nhọ chị Anh với những người trong thôn làm cuộc sống gia đình chị bị ảnh hưởng là hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm uy tín của Chị Anh nên rất có thể bà Đào phải chịu các chế tài như xử phạt hành chính, hoặc nghiêm trọng hơn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Phân tích cho bà Đào về mức xử phạt vi phạm hành chính và mức chịu trách nhiệm hình sự để bà Đào hiểu được việc làm của bà là sai và bà nên đính chính lại những lời bà đã nói xấu chị Đào và có lời lẽ xin lỗi chị Đào để nhận được sự thông cảm của chị Đào tránh hậu quả xảy ra.

     5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

       Tình huống 6: Để có tiền chơi điện tử, An (14 tuổi) đã tự ý bán chiếc xe đạp điện của mình (được bố mẹ mua cho đi học) cho ông Bá là chủ tiệm sửa xe gần nhà với giá 2 triệu đồng, bằng 1/3 giá trị xe mới. Biết chuyện, bố mẹ An đề nghị ông Bá trả lại chiếc xe cho gia đình và sẽ hoàn lại 2 triệu cho ông. Ông Bá chỉ đồng ý giao lại xe với điều kiện bố mẹ An phải trả 3 triệu đồng. Hai bên xảy ra tranh chấp.

     Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

      Giải quyết tình huống:

      1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn trong lĩnh vực dân sự, liên quan đến việc xác lập giao dịch dân sự của người chưa thành niên và nguyên nhân là do cháu An vì muốn có tiền chơi game đã tự ý bán chiếc xe đạp điện cho ông Bá mà không hỏi ý kiến bố mẹ, sau khi biết chuyện bố mẹ An muốn chuộc lại chiếc xe và gửi lại ông bá số tiền mà An đã bán xe nhưng ông Bá không đồng ý với mức giá bố mẹ An đưa ra, dẫn đến việc hai bên xảy ra tranh chấp. 

     2. Phân tích tình huống này tôi thấy Việc cháu An tự ý bán chiếc xe đạp mà không hỏi ý kiến bố mẹ là sai, không đúng với bổn phận làm con với cha mẹ, hơn nữa cháu An mới mua 14 tuổi chưa đủ tuổi để thực hiện việc mua bán với ông Bá theo quy định của pháp luật

Việc ông Bá đòi một mức giá cao hơn mức giá ông mua chiếc xe của An đối với bố mẹ An là không hợp lý. Đây là vụ việc thuộc phạm vi của hòa giải ở cơ sở.

          3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm  liên quan đến vụ việc. 

Theo các Điều 21, 125, 131 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định:

- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

- Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.

- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

      4 Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

+ Đối với cháu An: Việc cháu tự ý bán chiếc xe đạp điện cho ông Bá mà không hỏi ý kiến bố mẹ là sai, không đúng với bổn phận làm con với cha mẹ

+ Đối với bố mẹ cháu An: Việc bố mẹ cháu thỏa thuận với ông Bá sẽ chuộc lại chiếc xe bằng đúng số tiền ông mua của cháu An là đúng về mặt pháp luật bởi đây là giao dịch dân sự vô hiệu, do người xác lập chưa thành niên

+ Đối với ông Bá: Việc ông đòi bố mẹ cháu An phải trả số tiền chuộc lại chiếc xe cao hơn số tiền ông mua của cháu An là không hợp tình hợp lý.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý về sự nhẫn nhịn, các mối quan hệ “chín bỏ làm mười, một điều nhịn là chín điều lành, con dại cái mang để khuyên giải các bên.

      5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

     Tình huống 7. Bà Yến có một ngôi nhà cấp 4 trên mảnh đất 500m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2010, bà vào Nam để trông nom nhà cửa, con cháu giúp người con trai đang sinh sống, lập nghiệp ở đây. Vì vậy, bà đã cho ông Phong là người họ hàng ở nhờ với thỏa thuận cho mượn đến khi bà Yến có nhu cầu thì được lấy lại bất cứ lúc nào và chỉ cần báo trước 01 tháng. Do cháu trai lấy vợ có nhu cầu ở riêng nên bà Yến đề nghị ông Phong trả đất để xây nhà nhưng đã hơn 01 tháng, ông Phong cứ lần nữa không chịu trả. Bà Yến không muốn khởi kiện ra Tòa án vìsợ mất tình anh em nên nhờ tổ hòa giải hòa giải giúp.

 

 

Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn là thỏa thuận dân sự giữa bà Yến và ông Phong về việc cho ông Phong ở nhờ nhà của bà Yến. Nguyên nhân là do thời gian bà Yến vào nam, có cho người họ hàng là ông Phong ở nhờ, sau này cháu trai lấy vợ có nhu cầu ở riêng nên bà Yến đề nghị ông Phong trả đất để xây nhà nhưng ông Phong cứ lần lữa không chịu trả lại nhà

   2. Phân tích tình huống này tôi thấy  việc bà Yến vào Nam sinh sống, và cho ông Phong ở nhờ nhà mình trong thời gian này, sau đó khi ông Phong đã sinh sống ổn định tại đây thì bà Yến đòi lại làm ông Phong chưa sắp xếp nơi ở mới, dẫn đến tình trạng nêu trên. Đây là vụ việc thuộc phạm vi của hòa giải ở cơ sở.

      3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc. 

- Theo Điều 494 Bộ luật dân sự 2015 Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

     - Tại Điều 154 Luật Nhà ở năm 2014 quy định thời hạn cho mượn, cho ở nhờ đã hết  thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở.

         4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

- Tôi sẽ phân tích cho hai bên hiểu về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, 

+ Tôi Thuyết phục bà Yến tiếp tục cho ông Phong sinh sống tại căn nhà của mình trong một khoảng thời gian nữa, cho tới khi ông Phong tìm được chỗ ở mới

+ Thuyết phục ông Phong về việc ông lần lữa không trả nhà cho bà Yến có thể bị khép vào hành vi chiếm giữ tài sản trái phép, tùy theo giá trị tài sản có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự (tội chiếm giữ tài sản trái phép) Từ đó thuyết phục ông sớm giao nhà lại cho bà Yến.

Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý Truyền thống văn hóa, tình cảm anh em họ hàng, thương ai thương cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng “một giọt máu đào, hơn ao nước lã” để khuyên giải hai bên.

5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Tình huống 8. Nhà ông Tốn và nhà ông Tiền cùng nuôi cá vược ở hai đầm sát nhau. Mặc dù đã được rào chắn cẩn thận, song sau trận mưa lớn vừa qua, nước lụt, cá từ đầm nhà ông Tốn vẫn tràn sang đầm nhà ông Tiền. Ngay sau khi phát hiện, ông Tốn đã sang nhà ông Tiền đề nghị cho xin lại cá. Ông Tiền không đồng ý, cho rằng “cá vào ao ai người đó hưởng”, cả hai nhà đều nuôi cá vược như nhau, biết con nào của ông Tốn mà trả lại. Hai bên phát sinh tranh chấp.

        Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

       Giải quyết tình huống:

        1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn về việc xác lập quyền sở hữu vật nuôi dưới nước. Nguyên nhân: Ông Tốn đề nghị ông Tiền cho xin lại cá tràn sang ao nhà ông Tiền sau trận lụt, ông Tiền không đồng ý vì cho rằng cá vào ao ai người đó thường. Hai bên vì thế phát sinh tranh chấp.

        2. Phân tích tình huống này tôi thấy Theo quy định của pháp luật, nếu ông Tốn có các bằng chứng và dấu hiệu để chứng minh số cá vược tràn sang ao nhà ông Tiền là cá ông nuôi thì ông có quyền thông báo công khai để ông Tiền trả lại. vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

          3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc. 

Tại  Điều 233  Bộ luật dân sự 2015 có quy định Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ao, hồ.

          4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

- Tôi sẽ căn cứ quy định trên để giải thích cho ông Tiền hiểu, trời mưa là sự cố không ai mong muốn, cá nhà ông Tốn bị tràn sang, ông Tiền nên trả lại cá cho nhà ông Tốn, là hàng xóm thân thiết nên giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý về truyền thống văn hóa phù hợp quan hệ hàng xóm láng giềng: Bán anh em xa mua láng giếng gần; Xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau…, câu ca dao tục ngữ về lòng tự trọng: đói cho sạch, rách cho thơm, không tham của người,…. để khuyên giải hai bên.

5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tình huống 9. Năm 2005, bà Ngọc được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 450m2 đất đang ở. Cuối năm vừa qua, anh Linh, con trai bà Ngọc nói với bà là Nhà nước có chính sách cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai mới. Tin lời con trai, bà Ngọc đã đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Linh và cùng anh đến Văn phòng công chứng điểm chỉ (bà Ngọc không biết chữ) vào giấy làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vừa qua, bà Ngọc muốn bán 150m2 đất lấy tiền cho con gái chữa bệnh hiểm nghèo thì biết toàn bộ thửa đất đã được sang tên cho anh Linh bằng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Tức giận, bà Ngọc yêu cầu anh Linh trả lại bà 350m2 đất phía trước, 100m2 vườn sau nhà bà đồng ý cho anh Linh. Anh Linh không đồng ý vì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Nhà nước cấp mang tên anh. Mâu thuẫn gia đình bà Ngọc ngày càng căng thẳng.

Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nguyên nhân: Bà Ngọc do không biết chữ, không cập nhật các quy định pháp luật hiện hành đã bị anh Linh (con trai) lừa ký vào hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất 

        2. Phân tích tình huống này tôi thấy Việc anh Linh lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật và việc không biết chữ của mẹ mình là bà Ngọc để lừa bà ký vào hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Hợp đồng này sẽ bị vô hiệu bởi có yếu tố lừa dối. đây là vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

          3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc. 

Theo Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định: Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Bên bị lừa dối có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Và Điều 407 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hợp đồng vô hiệu.

 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

          4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi Phân tích để anh Linh hiểu rằng, mẹ anh đã phải vất vả cơ cực, không có điều kiện học hành mà nuôi anh khôn lớn, em gái anh lại đang bị bệnh hiểm nghèo nên rất cần tiền để chạy chữa, vì vậy bà Ngọc mới phải chuyển nhượng một phần thửa đất để có tiền chữa bệnh cho cô ấy, mẹ anh cũng đã cho anh 100 m2 đất vườn sau nhà để anh sử dụng, anh Linh nên suy nghĩ vì mẹ, vì hoàn cảnh gia đình đang hiểm cảnh như vậy mà trả lại đất cho bà Ngọc. 

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý về ơn nghĩa sinh thành, quan hệ cha mẹ và con cái : " Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” “Một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi nổi một mẹ.” để khuyên giải hai bên.

Nếu anh Linh đồng ý thì phải ra Văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục “sang tên” Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Ngọc.

 Nếu sự việc căng thẳng hơn, anh Linh không đồng ý thì tôi sẽ hướng dẫn bà Ngọc khởi kiện ra Tòa án, đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu.

    5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.