THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

HỘI LUẬT GIA TỈNH
   

MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

Ngày tạo:  11/11/2023 17:54:17
GỢI Ý GIẢI QUYẾT MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ ĐƯỢC ĐƯA RA TẠI HỘI THI HÒA GIẢI VIÊN GIỎI TOÀN QUỐC LẦM THỨ IV - NĂM 2023 (TỪ TÌNH HUỐNG SỐ 10 ĐẾN TÌNH HUỐNG SỐ 18)

Tình huống 10:

Sau khi nhận tháng lương đầu tiên, Tiến mời anh Thái, anh Hưng, anh Long trong tổ sản xuất về nhà ăn mừng. Tại đây, do uống quá nhiều rượu dẫn đến say xỉn, anh Thái đã làm vỡ một số đồ đạc có giá trị trong nhà anh Tiến. Khi anh Thái tỉnh rượu, anh Tiến yêu cầu Thái phải bồi thường thiệt hại gây ra. Anh Thái không đồng ý bồi thường, cho rằng, tại anh Tiến cứ mời uống dẫn đến say, chứ bản thân anh không cố ý quậy phá gây thiệt hại tài sản cho anh Tiến. Hai bên tranh chấp, mâu thuẫn. 

Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn ở đây về việc bồi thường thiệt hại tài sản trong tình trạng sử dụng rượu. Nguyên nhân là anh Tiến mời anh Thái, Hùng và Long trong tổ sản xuất về nhà ăn mừng. Trong lúc say rượu, anh Thái đã làm vỡ nhiều đồ đạc có giá trị trong nhà anh Tiến, anh Tiến yêu cầu anh Thái bồi thường nhưng anh Thái không chịu vì cho rằng nguyên nhân do anh Tiến mời mình đến nhà uống mới dẫn đến say. Hai bên vì thế phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.

 2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Việc anh Tiến yêu cầu anh Thái phải bồi thường tài sản anh Thái đã làm hư hỏng trong quá trình say rượu là đúng theo quy định của pháp luật, vụ việc này thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

 3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc đó là: 

Theo Điều 596 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định Người do uống rượu mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Khi một người cố ý dùng rượu làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”

4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích cho hai bên hiểu các nội dung và quy định của pháp luật:

- Về phía anh Tiến: vì hai bên là đồng nghiệp thân thiết cùng một tổ sản xuất, vả lại sự việc xảy ra anh Tiến cũng có một phần trách nhiệm do anh là người chủ động mời bạn bè đến nhà liên hoan, uống rượu, anh Tiến nên xem xét về mức bồi thường đối với anh Thái 

- Về phía anh Thái: Mặc dù anh không cố ý và trong tình trạng say rượu không làm chủ được hành vi nhưng theo quy định tại điều 596 Bộ luật dân sự năm 2015 anh không thể lấy lý do là do say và không cố ý để phá phách để không phải bồi thường thiệt hại cho anh Tiến, nghiêm trọng hơn nếu số tài sản đó trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi này còn cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác (trong trường hợp anh Tiến khởi kiện) và anh Thái có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 178 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về tình cảm giữ con người, tình cảm đồng nghiệp với nhau "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn" Lắm kẻ yêu hơn nhiều kẻ ghét, Đồng nghiệp tốt giúp ta trở nên tốt hơn trong cả công việc lẫn cuộc sống,…để khuyên giải các bên.

5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tình huống 11:

Do bố bị ốm, nên cháu Ca 14 tuổi, một mình lên dọn cỏ của rẫy keo. Khi Ca đốt cỏ, rác, lửa đã cháy sang phần diện tích đất trồng cây cao su liền đó của bà Nguyên là người cùng thôn, làm cháy khoảng 30 cây cao su. Khi bà Nguyên yêu cầu bố mẹ Ca khắc phục hậu quả và đề nghị đền bù cho bà thì bố mẹ Ca không chịu giải quyết. Do đó, bà Nguyên có đã đề nghị tổ hòa giải giải quyết tranh chấp.

Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn trong việc bồi thường thiệt hại do vô ý làm cháy tài sản. Nguyên nhân do cháu Ca đốt thực bì rẫy keo của gia đình, bất cẩn đã làm lửa lan sang làm cháy khoảng 30 cây cao su của nhà bà Nguyên. Bà Nguyên yêu cầu bố mẹ Ca phải bồi thường nhưng bố mẹ Ca không chịu giải quyết, hai bên phát sinh tranh chấp.

 2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Việc Ca bất cẩn làm lửa cháy lan sang chỗ cây cao su nhà bà Nguyên, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhưng vì Ca chỉ 14 tuổi - chưa đủ năng lực hành vi dân sự, nên theo quy định của pháp luật dân sự, bố mẹ Ca với tư cách là đại diện theo pháp luật phải đứng ra bồi thường, vụ việc này thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

 3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc đó là: 

Theo các Điều 585, 586, 589 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường.

        - Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

        Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm phải bồi thường gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. và Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Căn cứ Điều 17 Nghị định 35/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thì hành vi của Ca còn bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp làm cháy rừng sản xuất có diện tích dưới 400 m2;

4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ tổng hợp lại các vấn đề tranh chấp, phân tích dẫn chiếu các quy định trên; phân tích cho bố mẹ cháu Ca hiểu việc cháu Ca bất cẩn, làm cháy chỗ cao su nhà bà Nguyên, do cháu chưa đủ độ tuổi về năng lực hành vi dân sự, nên bố mẹ cháu phải chịu bồi thường thiệt hại thay cho cháu. Hành vi của cháu dù là vô ý nhưng nếu bà Nguyên làm căng thẳng có thể cháu sẽ bị xử phạt hành chính vì gây cháy rừng. Về phía bà Nguyên, cháu Ca là đứa con hiếu thảo, giúp đỡ gia đình khi bố mẹ ốm, thêm vào đó cháu chưa có kinh nghiệm nên không cẩn thận, bà Nguyên nên thông cảm và xem xét đưa ra một mức bồi thường thỏa đáng cho cháu.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về tình cảm con người, "Bán anh em xa mua láng giềng gần", "Mình vì mọi người, mọi người vì mình"để khuyên giải các bên.

5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Tình huống 12:

Vợ chồng bà Lý và ông Hoàng sinh được 03 người con là chị Tuyết, anh  Hồng, anh Hải. Khi tuổi cao, sức yếu ông Hoàng đã lập di chúc, nhưng không công chứng, chứng thực. Di chúc này do ông Hoàng viết tay với nội dung là nếu ông chết trước thì bà Lý sẽ quản lý di chúc và quản lý sử dụng toàn bộ tài sản chung của vợ chồng. Khi bà Lý chết sẽ giao lại cho anh Hồng quản lý, sử dụng. Ông Hoàng viết di chúc khi hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn, không bị ai ép buộc. Sau khi ông Hoàng chết, bà Lý họp các con để công bố di chúc. Anh Hải, chị Tuyết cho rằng, chữ viết trong tờ di chúc không phải của ông Hoàng, yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Trong gia đình xảy ra tranh chấp.

Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn trong quan hệ thừa kế theo di chúc giữa các thành viên trong gia đình ông Hoàng và bà Lý. Nguyên nhân: Anh Hải và chị Tuyết cho rằng chữ viết trong bản di chúc viết tay, không phải là chữ viết của ông Hoàng và đề nghị chia thừa kế theo pháp luật.

2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Di chúc của ông Hoàng tuy không có công chứng, chứng thực, nhưng là di chúc hợp pháp bởi chính tay ông viết, do đó việc phân chia di sản sẽ tiến hành theo di chúc mà ông để lại. Việc đề nghị của anh Hải và chị Tuyết đòi hỏi chia thừa kế theo pháp luật là không có cơ sở, vụ việc này thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

 3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc đó là: 

Theo Điều 630, 633 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực vẫn được coi là hợp pháp khi Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

Và cũng tại Điều 631 Bộ Luật dân sự 2015 cũng quy định cụ thể về Nội dung của di chúc.

4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích quy định pháp luật về quyền lập di chúc của người có di sản để lại và những quy định về giá trị pháp lý của di chúc.

Đồng thời tôi chỉ ra cho các bên hiểu, việc ông Hoàng mất, gia đình tang thương và đau khổ, đừng vì chút tài sản mà làm không khí gia đình thêm căng thẳng, mẹ con bất hòa. Người mẹ vẫn còn sống thì phải tôn trọng mẹ.

Việc chữ viết tay trong bản di chúc có phải của ông Hoàng đã có bà Lý (người mẹ) xác nhận. Các con phải tôn trọng ý chí của cha mẹ.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta anh em như thể tay chân, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Không tham của người”, “lọt sàng xuống nia”… để khuyên giải các bên.

5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Tình huống 13:

13. Anh B và chị A là vợ chồng. Chị A bán hàng tạp hóa tại nhà. Anh B làm nghề xây dựng có uy tín nên kinh tế gia đình rất khá giả. Họ có hai con gái ngoan và học giỏi. Làm nghề xây dựng nên anh B thường xuyên phải xa nhà. Chị A rất tin tưởng về chồng. Bất ngờ chị A phát hiện ra anh B có quan hệ bất chính với một cô gái tên là Q. Mâu thuẫn giữa vợ chồng xảy ra căng thẳng. Chị A đã đến gặp và yêu cầu chị Q chấm dứt mối quan hệ bất hợp pháp với anh B. Chị Q không chấp nhận còn tuyên bố: “Tôi chẳng làm gì bất hợp pháp. Anh B yêu tôi nên đến đây với tôi, tôi có tranh cướp với ai đâu”. Thấy gia đình có nguy cơ tan vỡ, Tổ hòa giải đã chủ động vào hòa giải.

Nếu được giao chủ trì hòa giải vụ việc này, ông (bà) sẽ tiến hành hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn, tranh chấp về lĩnh vực hôn nhân gia đình. Nguyên nhân là do chị A phát hiện anh B chồng chị có quan hệ bất chính với chị Q.

2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Việc anh B lợi dụng sự tin tưởng của vợ mình và điều kiện công tác, để gian díu với chị Q là vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình, vụ việc này thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

 3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc đó là: 

Theo Điều 19 Luật Hôn nhân gia đình 2014: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau.

Tại  Điều 59 Nghị định số 82/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình có quy định Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích quy định pháp luật để cho hai bên hiểu:

- Về phía chị A: Việc chồng chị lợi dụng sự tin tưởng của chị để đi ngoại tình là sai, nhưng vì hai người đã có hai con chung, chị nên vì con mà bỏ qua cho chồng cho anh B có cơ hội hàn gắn và sửa chữa. Nếu vợ chồng chị ly hôn, các con chị sẽ là người thiệt thòi, bất hạnh nhất 

Về phía anh B và chị Q: Hòa giải viên đề nghị hai người chấm dứt quan hệ bất chính do anh B là người đã có vợ hợp pháp, hành vi của hai người vi phạm quy định về chế độ hôn nhân một vợ một chồng, tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo điều 182 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017, nếu hành vi của chị Q làm cho quan hệ hôn nhân của chị A và anh B đổ vỡ, dẫn đến ly hôn 

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về mối quan hệ vợ chồng như "thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn, Vợ chồng đầu gối tay ấp; Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm ….để khuyên giải các bên.

5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tình huống 14:

Anh Chiến làm nghề giao hàng, thường xuyên đến nhận hàng tại cửa hàng chị Loan để đi giao cho khách. Chị Hà (vợ anh Chiến) tính hay ghen, đã nghi ngờ chồng mình có tình cảm với chị Loan nên đi theo dõi. Một hôm, thấy chồng đến lấy hàng chỗ chị Loan, hai người đang ngồi gần nhau để rà soát, đối chiếu mã hàng giao nhận. Chị Hà từ bên ngoài quan sát đã nổi máu ghen, chị lao vào xé quần áo, đánh anh Chiến và bắt anh phải về nhà. Sau đó, chị Hà đã nhiều lần gây gổ, cấu xé, mỉa mai chồng nhưng anh Chiến vẫn nhường nhịn vợ. Thấy chồng nhường nhịn, chị Hà càng làm lấn tới khiến anh Chiến bực quá, đã tát chị một cái. Chị Hà liền gào khóc ầm ĩ. 

Được chứng kiến vụ, việc, ông (bà) sẽ hòa giải vụ việc như thế nào?

Giải quyết tình huống:

1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn, tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân gia đình. Nguyên nhân là do chị Hà nghi ngờ anh Chiến chồng mình có quan hệ tình cảm bất chính với chị Loan, nên đánh ghen cấu xé quần áo, đánh anh chiến, anh Chiến do nhiều lần bị vợ mỉa mai, gây gổ không nhẫn nhịn được, đã tát vợ.

2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Việc chị Hà nghi ngờ bóng gió chồng chị có quan hệ bất chính với chị Loan mà lao vào phá hoại tài sản của chị Loan là hành vi vi phạm pháp luật. Việc anh Chiến trong lúc nóng giận mà đánh vợ là không nên, vụ việc này thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

  3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc đó là: 

Theo Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

Điều 3, 41 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có quy định hành vi Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm là hành vi bạo lực gia đình.

Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích quy định pháp luật để cho hai bên hiểu:

Về phía chị Hà: Việc chị nghi ngờ, ghen tuông vô căn cứ dẫn đến hành vi xé quần áo của là hành động vi phạm pháp luật. Không những thế, về nhà chị thường xuyên tạo áp lực bằng cách gây gổ, cấu xé, mỉa mai chồng. Đây là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 3 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022.

  - Về phía anh Chiến: Việc anh mất kiềm chế, nóng giận mà đánh vợ là hành vi bạo lực gia đình. Anh Chiến cần phải giải thích cho vợ hiểu mối quan hệ làm ăn hoàn toàn trong sáng giữa anh và chị Loan.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về mối quan hệ vợ chồng như "thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn, Vợ chồng đầu gối tay ấp; râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon ,…để khuyên giải các bên.

5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tình huống 15:

Páo tình cờ quen Súa trong một lần đi hội chợ Bắc Hà, thời gian sau hai bạn yêu nhau. Gần tết dương lịch Páo muốn lấy Súa về làm vợ nên đã nói với bố mình là ông Tờ nhờ người đi hỏi Súa về làm vợ. Khi đại diện nhà trai đến nhà Súa, thì bà Pằng (mẹ của Súa) nói rằng, năm nay Súa mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi kết hôn, Súa có nguyện vọng tiếp tục học ở thành phố để biết cái nghề kiếm sống giúp bản thân đỡ vất vả và thoát khỏi cảnh nghèo trước khi lập gia đình. Ông Tờ cho rằng bà Pằng không muốn gả con gái về làm dâu gia đình mình là chê gia đình ông nghèo khó, không xứng với con gái bà. Hai bên lời qua, tiếng lại... 

Nếu được phân công hòa giải, ông (bà) sẽ  hòa giải vụ việc như thế nào?

Giải quyết tình huống:

1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn thuộc lĩnh vực kết hôn theo luật hôn nhân và gia đình. Nguyên nhân là ông Tờ bố của anh Páo đến nhà bà Pằng mẹ chị Súa đến hỏi cưới chị Súa cho con trai mình bị từ chối, ông Tờ lên tiếng nói bà Pằng không cho con gái về làm dâu gia đình nhà ông vì chê gia đình ông nghèo khó, không xứng với con gái bà.

2. Phân tích tình huống này tôi nhận thấy: Việc ông Tờ đến hỏi cưới chị Súa cho con trai là vi phạm quy định về pháp luật hôn nhân gia đình về độ tuổi tổ chức kết hôn, vụ việc này thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc đó là: 

Điều 5, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định cấm các hành vi Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.

Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

 Tại Điều 58, 59 Nghị định 82/2020 xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cưỡng ép kết hôn sẽ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích quy định pháp luật để ông Tờ hiểu hành vi của ông là vi phạm các quy định của pháp luật về hành vi cưỡng ép kết hôn và độ tuổi kết hôn, cháu Súa mới có 17 tuổi chưa đủ độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, nên việc bà Pằng (mẹ cháu Súa) từ chối không cho cháu kết hôn với anh Páo là đúng, việc ông nói bóng gió gia đình bà Pằng là không hay.

    Bà Pằng có những tư tưởng tiến bộ và hiểu biết pháp luật cần phải được hoan nghênh. Cần khuyên nhủ 2 bên gia đình cùng nhau hỗ trợ, tạo điều kiện để cháu Súa tiếp tục học hành có công việc ổn định, vun đắp để tình yêu của 2 cháu được bền lâu. Khi đủ mọi điều kiện về kết hôn sẽ tổ chức hôn lễ cho các cháu, tiến tới xây dựng những mô hình gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về mối quan hệ vợ chồng như Người mà không học, khác gì đi đêm/ Người không học như ngọc không mài" "Nghề gì đã có trong tay/ Mai sau rồi cũng có ngày ích to" "Đã rằng là nghĩa vợ chồng, Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời",…để khuyên giải các bên.

5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Tình huống 16. Sau khi kết hôn được 01 năm, anh Nam đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản còn chị Lan ở nhà chăm sóc con nhỏ, hàng tháng anh Nam gửi tiền về để chị Lan trang trải cho cuộc sống của 2 mẹ con. Hết thời hạn xuất khẩu lao động anh Nam về nước và có khoản tiền tiết kiệm 800 triệu đồng. Anh Nam quyết định mua một mảnh đất bằng số tiền đó. Anh Nam chỉ để tên mình trong hợp đồng mua bán và hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chị Lan không đồng ý và cho rằng tài sản do anh Nam làm ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Hơn nữa, trong thời gian anh Nam đi lao động ở nước ngoài, chị Lan ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng và con nhỏ nên yêu cầu anh Nam khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có tên của cả hai vợ chồng. Hai bên không thống nhất được với nhau dẫn đến mâu thuẫn. 

Nếu được phân công hòa giải vụ việc này, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào? 

Giải quyết tình huống.

        1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn trong tình huống trên thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, có liên quan đến tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Vợ chồng anh Nam và chị Lan mâu thuẫn, cãi vã do không thống nhất được với nhau về việc anh Nam hay cả hai vợ chồng sẽ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

        2. Phân tích tình huống này tôi thấy chị Lan cho rằng phải cho chị đứng tên chung với anh Nam trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đây là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của anh chị là đúng. đây là vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

          3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc. 

Theo Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định: quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân, Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

          4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi phân tích cho anh Nam hiểu, quyền sử dụng đất mà anh có được là sau khi kết hôn mặc định là tài sản chung của vợ chồng. Mặc dù, chị không trực tiếp kiếm ra tiền nhưng chị cũng đã đóng góp công sức qua việc ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng và con nhỏ để anh yên tâm làm việc. Chính vì vậy, anh phải để chị Lan cùng đứng tên trên Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới hợp lý và hợp tình.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý về tình cảm gia đình, nhất là tình cảm vợ chồng như: Của chồng công vợ, Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn… để khuyên giải hai bên.

        5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 Tình huống 17. Ngay từ khi con trai ngỏ ý lấy vợ, bà A đã không đồng ý cuộc hôn nhân này bởi con dâu không đúng ý bà. Trong suốt quá trình chung sống, bà A trở nên khó tính, hay để ý, khắt khe với con dâu. Con dâu bà A thì nói năng thiếu lễ phép với mẹ chồng nên giữa bà và con dâu nảy sinh mâu thuẫn ngày càng căng thẳng, nặng nề, thường xuyên to tiếng với nhau. Đỉnh điểm bà A đã đuổi con dâu ra khỏi nhà và bắt con trai bà phải chọn vợ hoặc chọn bà. 

Nếu được phân công hòa giải vụ việc này, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào? 

Giải quyết tình huống:

        1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn trong tình huống trên thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, có liên quan đến quan hệ mẹ chồng với con dâu. Nguyên nhân do bà A khó tính với con dâu, con dâu cũng phản ứng nói năng thiếu lễ phép với bà, dẫn đến mâu thuẫn căng thẳng nặng nề, khiến bà A đuổi con dâu ra khỏi nhà và gây áp lực bắt con trai chọn vợ hay chọn mẹ. 

        2. Phân tích tình huống này tôi thấy Việc bà A vì ác cảm mà trở nên khó tính với con dâu là hành động không nên, bên cạnh đó việc chị con dâu vì phản ứng mà ăn nói thiếu lễ độ với mẹ chồng là không đúng và đây là vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

          3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc. 

Theo các Điều 69, 70, 80 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định

Cha, mẹ có nghĩa vụ thương yêu, tôn trọng ý kiến, chăm lo, giáo dục con. 

Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

         Trong trường hợp con dâu sống chung với cha, mẹ chồng thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau.

          4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Tôi sẽ phân tích cho bà A và chị con dâu thấy những hành động không đúng của mỗi người

- Đối với bà A: Mặc dù có thành kiến với con dâu từ trước khi hôn nhân nhưng hiện tại đã là dâu con trong nhà, mối quan hệ giữa bà A và con dâu đã được xác lập và được pháp luật thừa nhận. Hành động bà đuổi con dâu ra khỏi nhà là không đúng. Vì vậy, bà nên bao dung, nhẹ nhàng uốn nắn nhắc nhở khi chị làm điều không phải. Nếu chẳng may hôn nhân tan vỡ, thì con trai bà vẫn là người khổ nhất.

- Đối với chị con dâu: Hành động, cử chỉ cãi thiếu lễ độ với mẹ chồng là không đúng, vì như vậy chỉ làm cho quan hệ giữa chị và bà A vốn đã không được tốt lại càng trở nên căng thẳng hơn, dẫn tới người chồng sẽ khó để cư xử cho vẹn toàn.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý về tình nghĩa gia đình: một điều nhịn là chín điều lành, chín bỏ làm mười, vì hạnh phúc gia đình, vì hai người cùng có chung 01 người vừa là con trai  của bà A đồng thời là chồng của chị con dâu, đây là điều rất quan trọng để hai bên cần yêu quý và chăm sóc, xây dựng tình cảm gia đình qua đó để khuyên giải hai bên.

5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tình huống 18. Chị Mlen và anh Bảy ly hôn, chị Mlen nuôi con gái chung của hai người, còn anh Bảy có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con với mức 03 triệu đồng/tháng. Trước đây, anh Bảy vẫn thực hiện đầy đủ. Nhưng từ sáu tháng trở lại đây, anh Bảy không cấp dưỡng nuôi con nữa với lý do anh lấy vợ và phải lo toan cho gia đình mới. Chị Mlen không đồng ý, nhiều lần chị yêu cầu anh Bảy phải thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con theo đúng phán quyết của Tòa án, nếu không chị sẽ không cho anh gặp con. Vì thế, giữa hai người đã phát sinh mâu thuẫn. 

Nếu được giao hòa giải vụ việc này, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Giải quyết tình huống:

        1. Là hòa giải viên, khi được phân công hòa giải vụ việc trên, tôi sẽ gặp gỡ, lắng nghe các bên chia sẻ và xác định mâu thuẫn trong tình huống trên thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ với con cái sau ly hôn. Do anh Bảy từ lúc tái hôn lấy lý do phải lo toan cho gia đình mới đã không chịu cấp dưỡng cho con chung của anh với chị Mlen, khiến hai người nảy sinh mâu thuẫn.

        2. Phân tích tình huống này tôi thấy việc anh Bảy không chịu cấp dưỡng cho con theo phán quyết của tòa án là vi phạm quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng. Chị Mlen đe dọa không cho anh Bảy gặp con là vi phạm quyền của cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn. đây là vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.

          3. Sau khi nắm rõ nội dung vụ việc, tôi sẽ tìm hiểu các căn cứ pháp lý trọng tâm liên quan đến vụ việc. 

Theo các Điều 82, 83, 110, 119 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định  Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng và có quyền thăm nom con mà không ai được cản trở.

Người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng.

Người giám hộ của con có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con.

- Tại Điều 186 Bộ Luật hình sự 2015 quy định: Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì tùy theo mức độ có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

          4. Trên cơ sở nội dung đã tìm hiểu, tôi sẽ thống nhất với các bên về thời gian, địa điểm tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tôi yêu cầu các bên nêu lên ý kiến của mình để tôi nắm được nguyện vọng của các bên, từ đó đưa ra cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Đối với anh Bảy: Việc anh từ chối không cấp dưỡng cho con là vi phạm pháp luật về quy định cấp dưỡng, chị Mlen khi ấy có quyền yêu cầu Tòa án cưỡng chế để buộc anh thực hiện đúng nghĩa vụ, nếu ở mức độ nghiêm trọng hơn, anh Bảy có thể bị xử lý hình sự theo quy định.

- Đối với chị Mlen: Việc chị yêu cầu anh Bảy phải thực hiện nghiêm túc trách nhiệm cấp dưỡng với con là đúng, tuy nhiên việc chị đe dọa cản trở không cho anh Bảy gặp con là sai và nếu anh Bảy khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền, chị có thể bị xử phạt hành chính theo quy định.

- Tuy nhiên, trăm cái lý không bằng tí cái tìnhtrong quá trình hòa giải tôi sẽ đề cao đạo lý về tình nghĩa cha con “cha là bóng mát giữa đời, cha là điểm tựa bên đời của con, con có cha như nhà có nóc để khuyên giải hai bên.

       5. Sau khi kết thúc hòa giải:

- Trong trường hợp hai bên thoả thuận được với nhau, nếu các bên đồng ý tôi sẽ lập biên bản hoà giải thành và giải thích, hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị Toà án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở nếu một trong hai bên có yêu cầu.

- Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 


Vân Dương

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.