THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND THÀNH PHỐ THANH HÓA
   

Tìm hiểu một số nội dung về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Ngày tạo:  15/05/2025 09:44:48
Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2019 nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự; đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân; phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

1. Cơ sở chính trị, pháp lý

Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật Thi hành án hình sự năm 2019 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng đối với hoạt động phòng, chống tội phạm nói chung, đối với lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và chính sách của Đảng trong đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới và bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được xây dựng dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý sau:

- Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó, nêu rõ về định hướng “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án. Hoàn thiện cơ chế thi hành án hình sự theo hướng nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; bảo đảm và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật”.

- Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm.

- Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó đề ra giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quốc phòng, an ninh (Nghị quyết số 36/NQ-TW).

- Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, trong đó đề ra nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

- Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung các quy định nhằm cụ thể hóa quyền con người quy định tại Hiến pháp năm 2013.Tuy nhiên, để tiếp tục cụ thể hóa các quy định về quyền con người, bảo đảm nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013), thì cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về thi hành án hình sự; trong đó, bổ sung quy định về một số quyền của phạm nhân, quy định về việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân và người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.

2. Cơ sở thực tiễn

Qua 05 năm triển khai thực hiện, công tác thi hành án hình sự từng bước đi vào nền nếp, nghiêm minh, chặt chẽ, các quyền và chế độ của người chấp hành án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, phù hợp với điều kiện, tình hình mới, cụ thể như sau:

Một là, hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong công tác thi hành án hình sự bảo đảm tăng cường phân cấp, phân quyền 

Một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị trong công tác thi hành án hình sự trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu công tác thi hành án thời gian qua dẫn đến hạn chế hiệu quả công tác này, ảnh hưởng đến quyền, chế độ của người chấp hành án và thân nhân; đồng thời, còn chưa đồng bộ với quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan. Cụ thể như sau: (1) Lực lượng Công an xã thời gian qua đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát, giáo dục, quản lý người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng đạt hiệu quả tích cực; tuy nhiên, hiện nay lực lượng Công an chính quy đã được bố trí tại tất cả các xã, thị trấn trên cả nước và đang tiếp tục được kiện toàn, nâng cao về số lượng và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở nói chung, bảo đảm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát, giáo dục, quản lý người chấp hành án hình sự tại cộng đồng nói riêng nhưng chưa được giao chủ trì thực hiện quản lý, giám sát người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng; (2) Chưa có quy định thẩm quyền của trại tạm giam trong trích xuất phạm nhân đang giam giữ tại trại tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh, trích xuất đối với phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam, trại tạm giam đi tiêm chủng; chưa có quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong phối hợp với cơ quan thực hiện thủ tục khai tử để thực hiện khai tử đối với phạm nhân chết và gửi trích lục khai tử cho cơ quan thực hiện thủ tục khai tử; (3) Chưa có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, đơn vị Quân đội trong quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; (4) Chưa có quy định thẩm quyền thu thập thông tin sinh trắc học của người đang chấp hành án hình sự trong trường hợp chưa có thông tin để phục vụ công tác quản lý thi hành án hình sự và phòng, chống tội phạm…

Hai là, hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ và chế độ của người chấp hành án

Quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 về quyền, nghĩa vụ và chế độ của người chấp hành án còn chưa thực sự đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan, một số quy định đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện như: (1) Chưa có quy định về thời gian thực hiện thăm gặp thân nhân, việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp dịch bệnh phức tạp; chưa có quy định về thời gian thực hiện thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự...; (2) Chưa có quy định đối với trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ với lý do bệnh nặng nhưng bệnh án hoặc kết luận giám định y khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang điều trị, bệnh viện cấp quân khu xác định sức khỏe của họ chưa phục hồi; (3) Luật chưa đồng bộ với quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; (4) Chưa có quy định về quyền của phạm nhân được hiến mô, bộ phận cơ thể; (5) Quy định về chế độ của phạm nhân (lao động, ăn, nhận quà, chăm sóc y tế, trích xuất, khen thưởng, xử lý vi phạm...) có một số hạn chế, bất cập; (6) Chưa có quy định về giải quyết trường hợp người chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng có nguyện vọng làm việc, học tập ngoài nơi cư trú; (7) Chưa có quy định về nghĩa vụ của người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù...

Ba là, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, do vậy cần phải sửa đổi các quy định về hệ thống cơ quan thi hành án hình sự cho phù hợp.

Từ những cơ sở nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2019 là cần thiết và khách quan.

3. Quan điểm xây dựng Luật

a) Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ chế thi hành án hình sự, bảo đảm đồng bộ với quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. 

b) Tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. 

c) Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật quốc tế và thực tiễn công tác thi hành án hình sự của một số quốc gia trên thế giới bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

d) Quy định cụ thể, bảo đảm tính minh bạch, tính kế thừa, tính khả thi. 

4. Phạm vi điều chỉnh của Luật 

Với mục đích và quan điểm nêu trên thì phạm vi điều chỉnh của Luật cơ bản được giữ nguyên so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019, trong đó, sửa đổi 108/207 điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, bổ sung 10 điều, bỏ 25 điều; những quy định được sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; giải quyết những tồn tại, khó khăn trong thực tiễn hiện nay và đáp ứng yêu cầu công tác thi hành án hình sự trong thời gian tới.

5. Về tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và tính tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Nội dung của dự thảo Luật được bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và tương thích, phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; cụ thể: 

- Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (Được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo điều 49. Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982).

- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Có hiệu lực ngày 23/3/1976, căn cứ theo điều 49. Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982).

- Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (Được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn theo Nghị quyết số 2106 A (XX) ngày 21/12/1965 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Có hiệu lực từ ngày 4/1/1969, căn cứ theo Điều 19. Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981).

- Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Được thông qua và để mở cho các nước ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết 34/180 ngày 18/12/1979 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.Có hiệu lực từ ngày 3/9/1981, theo điều 27 (1). Việt Nam phê chuẩn ngày 18/12/1982).

- Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (Được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và được để ngỏ cho các nước tự do ký kết; có hiệu lực từ ngày 26/6/1987 theo quy định tại Điều 27 khoản 1; Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 157 của Công ước kể từ ngày 05/02/2015).

- Công ước về quyền trẻ em (Thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 44-25 ngày 20/11/1989 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Có hiệu lực từ ngày 2/9/1990, theo điều 49 của Công ước. Việt Nam phê chuẩn ngày 20/2/1990).

- Công ước về quyền của người khuyết tật (Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/3/2007. Việt Nam phê chuẩn Công ước vào ngày 28 tháng 11 năm 2014);

- Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau năm 1951 (Việt Nam phê chuẩn Công ước vào năm 1997);

- Công ước số 111 về phân biệt đối xử trong làm việc và nghề nghiệp năm 1958 (Việt Nam phê chuẩn Công ước vào năm 1997);

- Công uớc số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm năm 1973 (Việt Nam phê chuẩn Công ước vào năm 2003);

- Công ước số 182 về nghiêm cấm và những hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất năm 1999 (Việt Nam phê chuẩn Công ước vào năm 2000);

- Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc năm 1930 (Việt Nam phê chuẩn Công ước vào năm 2007).

6. Bố cục

Dự thảo Luật gồm 192 điều, được quy định thành 16 chương, cụ thể như sau:

- Chương I (Những quy định chung) gồm 10 điều, từ Điều 1 đến Điều 10 quy định về phạm vi điều chỉnh; bản án, quyết định được thi hành; giải thích từ ngữ; nguyên tắc thi hành án hình sự; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự; giám sát việc thi hành án hình sự; kiểm sát việc thi hành án hình sự; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự;  hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự; các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự.

- Chương II (Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự) gồm 10 điều, từ Điều 11 đến Điều 20, quy định về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của: cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam; nhiệm vụ, quyền hạn của trại tạm giam trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quân đội trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự.

- Chương III (Thi hành án phạt tù) gồm 57 điều, được chia thành 03 mục, cụ thể như sau:

+ Mục 1 (Thủ tục thi hành án và chế độ quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân) gồm 30 điều, từ Điều 21 đến Điều 50, quy định về quyết định thi hành án phạt tù; thi hành quyết định thi hành án phạt tù; thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù; thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn chấp hành hình phạt tù; nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành hình phạt tù;  hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; tiếp nhận người chấp hành án phạt tù; hồ sơ phạm nhân; giam giữ phạm nhân; chế độ học tập, học nghề, lao động của phạm nhân; tổ chức lao động cho phạm nhân; sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; xếp loại chấp hành án phạt tù; thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; nghĩa vụ của người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; thủ tục giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; thủ tục miễn chấp hành án phạt tù; thực hiện trích xuất phạm nhân; khen thưởng phạm nhân; giải quyết trường hợp phạm nhân bỏ trốn; xử lý phạm nhân vi phạm; thông báo tình hình chấp hành án, phối hợp với gia đình phạm nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục cải tạo phạm nhân; tái hòa nhập cộng đồng; trả tự do cho phạm nhân; thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù.

+ Mục 2 (Chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân) gồm 10 điều, từ Điều 51 đến Điều 60, quy định về chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, gặp, nhận quà, liên lạc, chăm sóc y tế của phạm nhân; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi; thủ tục thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể và thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết.

+ Mục 3 (Tha tù trước thời hạn có điều kiện) gồm 17 điều, từ Điều 61 đến Điều 77, quy định về thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện; hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; hồ sơ quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; nhiệm vụ, quyền hạn Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; nghĩa vụ, việc lao động, học tập của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; rút ngắn thời gian thử thách, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách; thực hiện việc kiểm điểm, việc vắng mặt tại nơi cư trú của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc; giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nguyện vọng làm việc, học tập ngoài nơi cư trú; xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện mà vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật; hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; trách nhiệm của gia đình người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

- Chương IV (Thi hành án tử hình) gồm 07 điều, từ Điều 78 đến Điều 84, quy định về quyết định thi hành án tử hình; quyết định thành lập, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi hành án tử hình; hồ sơ thi hành án tử hình; hoãn, hình thức, trình tự thi hành án tử hình; giải quyết việc xin nhận tử thi, tro cốt và hài cốt của người bị thi hành án tử hình.

- Chương V (Thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ) gồm 25 điều, được chia thành 03 mục, cụ thể như sau:

+ Mục 1 (Thi hành án treo) gồm 12 điều, từ Điều 85 đến Điều 96, quy định về quyết định thi hành án treo, thi hành quyết định thi hành án treo; nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; nghĩa vụ, việc lao động, học tập của người được hưởng án treo; rút ngắn thời gian thử thách, thủ tục rút ngắn thời gian thử thách, thực hiện việc kiểm điểm người được hưởng án treo; giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo; giải quyết trường hợp người được hưởng án treo có nguyện vọng làm việc, học tập ngoài nơi cư trú; xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo và trách nhiệm giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và gia đình đối với người được hưởng án treo.

+ Mục 2 (Thi hành án phạt cảnh cáo) gồm 01 điều (Điều 97) quy định về thi hành án phạt cảnh cáo.

+ Mục 3 (Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ) gồm 12 điều, từ Điều 98 đến Điều 109, quy định về quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; giải quyết trường hợp người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ có nguyện vọng làm việc, học tập ngoài nơi cư trú; việc lao động, học tập của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; xử lý vi phạm đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và trách nhiệm giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và gia đình đối với người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

- Chương VI (Thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế) gồm 12 điều, được chia thành 02 mục, cụ thể như sau:

+ Mục 1 (Thi hành án phạt cấm cư trú) gồm 05 điều, từ Điều 110 đến Điều 114, quy định về thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú; nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú; quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm cư trú; thủ tục miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại; xử lý người chấp hành án phạt cấm cư trú vi phạm nghĩa vụ.

+ Mục 2 (Thi hành án phạt quản chế) gồm 07 điều, từ Điều 115 đến Điều 121, quy định về thủ tục thi hành án phạt quản chế; nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã nơi người chấp hành án phạt quản chế về cư trú; quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế; giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt quản chế đi khỏi nơi quản chế; giải quyết trường hợp người chấp hành hình phạt quản chế có nguyện vọng làm việc, học ngoài nơi cư trú; xử lý người chấp hành án phạt quản chế vi phạm nghĩa vụ; thủ tục miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại.

- Chương VII (Thi hành án phạt trục xuất) gồm 07 điều, từ Điều 122 đến Điều 128, quy định về quyết định, thông báo, hồ sơ thi hành án phạt trục xuất; lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; thực hiện buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam và chi phí trục xuất.

- Chương VIII (Thi hành án phạt tước một số quyền công dân) gồm 04 điều, từ Điều 129 đến Điều 132, quy định về thủ tục thi hành án phạt tước một số quyền công dân; tước quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước; tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước và tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

- Chương IX (Thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định) gồm 03 điều, từ Điều 133 đến Điều 135, quy định về thủ tục thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và trách nhiệm thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

- Chương X (Thi hành biện pháp tư pháp) gồm 9 điều, được chia thành 02 mục, cụ thể như sau:

+ Mục 1 (Quy định chung về thi hành biện pháp tư pháp) gồm 04 điều, từ Điều 136 đến Điều 139, quy định về quyết định áp dụng biện pháp tư pháp; cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành biện pháp tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát; bảo đảm điều kiện thi hành các biện pháp tư pháp.

+ Mục 2 (Thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh) gồm 05 điều, từ Điều 140 đến Điều 144, quy định về thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh; đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh; tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh; đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh và giải quyết trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh chết.

  • Chương XI (Thi hành án đối với pháp nhân thương mại) gồm 9 điều từ Điều 145 đến Điều 153, quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án; quyết định thi hành án; thủ tục, hồ sơ thi hành án; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án; cưỡng chế thi hành án; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại; chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp.

- Chương XII (Kiểm sát thi hành án hình sự) gồm 03 điều, từ Điều 154 đến Điều 156, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự; trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định, kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát về thi hành án hình sự.

 - Chương XIII (Bảo đảm điều kiện cho hoạt động thi hành án) gồm 06 điều, từ Điều 157 đến Điều 162, quy định về biên chế, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ thi hành án hình sự; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thi hành án; trang bị và sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ trong thi hành án hình sự; cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; bảo đảm kinh phí cho hoạt động thi hành án hình sự; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự.

- Chương XIV (Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự) gồm 18 điều, được chia thành 02 mục, cụ thể như sau:

+ Mục 1 (Khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự) gồm 14 điều, từ Điều 163 đến Điều 176, quy định về quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự; các trường hợp khiếu nại về thi hành án hình sự không được thụ lý giải quyết; thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự; thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ và quyền hạn của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự; thời hạn giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự; tiếp nhận, thụ lý khiếu nại trong thi hành án hình sự; hồ sơ giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; trình tự giải quyết khiếu nại lần hai, nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thi hành án hình sự;

+ Mục 2 (Tố cáo và giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự) gồm 04 điều, từ Điều 177 đến Điều 180, quy định về người có quyền tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo; quyền, nghĩa vụ của người bị tố cáo; thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo và trách nhiệm giải quyết tố cáo.

- Chương XV (Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước trong quản lý công tác thi hành án hình sự) gồm 09 điều, từ Điều 181 đến Điều 189, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp trong quản lý, thi hành án hình sự; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án hình sự.

- Chương XVI (Điều khoản thi hành) gồm 03 điều, Điều 190 đến Điều 192, quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá, Bộ luật Hình sự; hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

7. Những nội dung sửa đổi cơ bản của dự thảo Luật

So với Luật Thi hành án hình sự năm 2019, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, tập trung vào những nội dung cơ bản sau đây:

- Bổ sung đối tượng hoãn chấp hành hình phạt tù và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vào phạm vi điều chỉnh.

- Bổ sung quy định về thân nhân người chấp hành án, hoãn chấp hành hình phạt tù, về thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

- Bổ sung Công an xã, phường, thị trấn là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.

- Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “thu thập thông tin sinh trắc học của người chấp hành án trong trường hợp chưa có thông tin” của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại giam trong thu thập thông tin sinh trắc học của phạm nhân trong trường hợp chưa có thông tin; chỉ nhận tài sản, tiền do cơ quan thi hành án dân sự chuyển đến để giao cho phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; quyết định trích xuất phạm nhân; tổ chức của trại giam và sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, trình độ của Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

 - Bổ sung thẩm quyền của Giám thị trại tạm giam đối với trường hợp trích xuất phạm nhân phục vụ yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, quản lý, lao động, học tập; phạm nhân đến khu điều trị tại bệnh viện để phục vụ phạm nhân bị bệnh nặng không tự phục vụ bản thân được, phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam phải đưa đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài trại giam, trại tạm giam, tiêm chủng.

- Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã theo hướng: (1) Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; phối hợp giáo dục người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành hình phạt quản chế; trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú hoặc nơi người chấp hành án chết có trách nhiệm phối hợp cơ quan thực hiện thủ tục khai tử để thực hiện khai tử đối với người chấp hành án; gửi trích lục khai tử cho cơ quan thực hiện thủ tục khai tử; phối hợp trong việc quản lý, giám sát các đối tượng nêu trên; (2) Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, giám sát người được hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; kiểm soát người chấp hành hình phạt quản chế.

- Bổ sung quy định người bị kết án phạt tù đang bị tạm giam mà có thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại dưới 03 tháng từ khi có quyết định thi hành án thì cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định họ chấp hành án tại trại tạm giam đang giam họ.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thi hành quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù.

- Bổ sung 01 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý người được hoãn chấp hành hình phạt tù với nội dung cơ bản sau: (1) Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã được giao quản lý người được hoãn chấp hành hình phạt tù; (2) Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quân đội được giao quản lý người được hoãn chấp hành hình phạt tù.

- Bổ sung 01 điều quy định về nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành hình phạt tù.

- Bổ sung quy định phạm nhân được hiến mô, một phần bộ phận cơ thể; được lưu trữ trứng, tinh trùng theo quy định pháp luật; được hưởng chế độ, chính sách theo quy định pháp luật về hiến mô, bộ phận cơ thể người.

- Bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học của phạm nhân trong trường hợp chưa có thông tin khi tiếp nhận người chấp hành hình phạt tù.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về việc bố trí giam riêng đối với phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ đưa đi giám định sức khỏe, chờ kết quả giám định và quyết định của Tòa án.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ lao động của phạm nhân, tổ chức lao động cho phạm nhân và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về xếp loại chấp hành án theo hướng bỏ kết quả khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của phạm nhân gây ra để nhận xét, đánh giá và xếp loại chấp hành án.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo hướng bổ sung cơ quan đang thụ lý vụ án đối với người chấp hành hình phạt tù bị tạm giam để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử có thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

- Bổ sung 01 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã, đơn vị quân đội trong quản lý, giám sát người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù với nội dung cơ bản sau: (1) Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã được giao quản lý người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; (2) Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

- Bổ sung 01 điều quy định về nghĩa vụ của người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về trích xuất phạm nhân; về khen thưởng phạm nhân; về xử lý phạm nhân vi phạm; về trả tự do cho phạm nhân; về chế độ ăn, ở đối với phạm nhân; về chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân; chế độ gặp, nhận quà của phạm nhân; về thủ tục thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự; về chế độ liên lạc của phạm nhân; về chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân.

- Bổ sung 01 điều quy định về giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể người và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết; về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện ra khỏi nơi cư trú để làm việc; bổ sung nghĩa vụ chỉ được cư trú trên địa bàn cấp xã theo quyết định thi hành án của Tòa án có thẩm quyền.

- Bổ sung 01 điều quy định về giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính. 

- Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết trường hợp người được hưởng án treo ra khỏi nơi cư trú để làm việc của Công an cấp xã; bổ sung nghĩa vụ chỉ được cư trú trên địa bàn cấp xã theo quyết định thi hành án của Tòa án có thẩm quyền của người được hưởng án treo; sửa đổi, bổ sung quy định về thành phần hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo.

- Bổ sung 01 điều quy định về giải quyết trường hợp người được hưởng án treo có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú.

- Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ ra khỏi nơi cư trú để làm việc của Công an cấp xã; bổ sung nghĩa vụ chỉ được cư trú trên địa bàn cấp xã theo quyết định thi hành án của Tòa án có thẩm quyền của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Công an cấp xã trong giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

- Bổ sung 01 điều quy định về giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú. 

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Công an cấp xã; điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; về thành phần hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; về thành phần hồ sơ miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.

- Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt quản chế ra khỏi nơi cư trú để học tập, làm việc của Công an cấp xã.

- Bổ sung 01 điều quy định về giải quyết trường người chấp hành án phạt quản chế có nguyện vọng làm việc ngoài nơi cư trú.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Trưởng Công an cấp xã, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.

- Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.

- Bổ sung 01 điều về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 68 Bộ luật Hình sự và khoản 2 Điều 9, một số điểm Điều 11, Điều 15, Điều 18 Luật Đặc xá.

- Dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành, dự kiến luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2026 và quy định chuyển tiếp.


Lâm Anh
Nguồn tin: Tổng hợp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.