THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN HẬU LỘC
   

Tìm hiểu một số nội dung của Luật Thanh tra năm 2022

Ngày tạo:  03/03/2023 16:02:25
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra, Luật này có Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 và Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 hết hiệu lực thi hành.

       I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

       Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011; sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Thanh tra đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013, cụ thể như Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 yêu cầu: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của Kiểm toán nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 chỉ rõ nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành, của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; đặc biệt, hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với ngành Thanh tra phải thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cụ thể như: 

      1. Hoạt động thanh tra chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý của các bộ, ngành, địa phương, chưa thể hiện thanh tra là công cụ đắc lực của cơ quan quản lý và việc phân cấp, phân quyền của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức cơ quan thanh tra.

      2. Sự phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, chưa phân biệt rõ giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước; nhất là sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước.

     3. Quy định hình thức thanh tra, thời hạn thanh tra chưa phù hợp với tình hình thực tế.

     4. Việc giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện.

     5. Việc thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích được phát hiện trong quá trình thanh tra và khắc phục kiến nghị xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ thấp; việc thực hiện kiến nghị trong các Kết luận thanh tra gặp khó khăn do chưa quy định cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có vi phạm, nhất là những người đứng đầu.

       Từ những vấn đề nêu trên, việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 là cần thiết nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

      II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM SỬA ĐỔI LUẬT THANH TRA

     1. Mục đích

Sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay.

     2. Quan điểm, nguyên tắc sửa đổi Luật Thanh tra

Quá trình nghiên cứu, soạn thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quán triệt những quan điểm, nguyên tắc sau:

a) Quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra trên cơ sở tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

b) Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

c) Đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

d) Làm rõ và tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lãnh đạo công tác thanh tra, xử lý các vấn đề phát sinh được phát hiện qua hoạt động thanh tra, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý cán bộ vi phạm, thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích.

e) Sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 trên cơ sở tổng kết thực tiễn tổ chức và hoạt động thanh tra; kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế đất nước; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới về công tác thanh tra.

      III. BỐ CỤC CỦA LUẬT

      Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 118 điều, cụ thể như sau:

     - Chương I. Những quy định chung: gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) bao gồm phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; mục đích, nguyên tắc, chức năng của cơ quan thanh tra, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức và hoạt động thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra.... 

     - Chương II. Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra: gồm 29 điều (từ Điều 9 đến Điều 37), 8 Mục (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan nhà nước khác).

     - Chương III. Thanh tra viên, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành: gồm 06 điều (từ Điều 38 đến Điều 43) quy định về: Thanh tra viên; tiêu chuẩn chung của Thanh tra viên; tiêu chuẩn bổ nhiệm vào các ngạch Thanh tra viên; miễn nhiệm thanh tra viên; Thẻ thanh tra;...

    - Chương IV. Hoạt động thanh tra: gồm 58 điều (từ Điều 44 đến Điều 101), 8 mục (Quy định chung, Đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành thanh tra, Chuẩn bị thanh tra, Tiến hành thanh tra, Thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra, Kết thúc cuộc thanh tra, Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trong hoạt động thanh tra).

    - Chương V. Thực hiện Kết luận thanh tra: gồm 05 điều (từ Điều 102 đến Điều 106) quy định về: Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành Kết luận thanh tra; trách nhiệm của người ký Kết luận thanh tra; trách nhiệm của đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra; xử lý vi phạm trong thực hiện Kết luận thanh tra.

     - Chương VI. Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra: gồm 05 điều (từ Điều 107 đến Điều 111), quy định về trách nhiệm phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra; trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và Trưởng kiểm toán khu vực, chuyên ngành; tham khảo ý kiến trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trách nhiệm của cơ quan điều tra.

    - Chương VII. Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra: gồm 02 điều (từ Điều 112 đến Điều 113) quy định về: Kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước; đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra.

     - Chương VIII. Điều khoản thi hành: gồm 05 điều (từ Điều 114 đến Điều 118) quy định về: Tổ chức và hoạt động thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan cơ yếu Chính phủ; Tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ; Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến thanh tra; Hiệu lực thi hành; Quy định chuyển tiếp.

       Với mục đích Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở nguyên tắc: Tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.  Không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước; không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra. Đây là điều kiện góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.