THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN HẬU LỘC
   

Thanh Hóa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025

Ngày tạo:  20/04/2023 21:57:24
Ngày 14 tháng 4 năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Thanh Hóa.

         Xác định rõ quan điểm phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM. Đồng thời định hướng phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Qua đó phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.

        Trên cơ sở sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Quyết định số 623-QĐ/TU ngày 23/7/2021 về việc ban hành Chương trình phát triển du lịch Thanh Hoá giai đoạn 2021 – 2025; Ngày 14 tháng 4 năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Thanh Hóa.

       Việc ban hành Kế hoạch để đảm bảo thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

         Đồng thời UBND tỉnh Thanh Hóa cũng xác định rõ những mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện NTM có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

        Kế hoạch được triển khai trong phạm vi khu vực nông thôn của tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng và đảm bảo thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025.

Trong đó nêu rõ các đối tượng thực hiện là các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến địa phương và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn; đặc biệt là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nông thôn có nhu cầu khai thác và liên kết phát triển du lịch nông thôn. 

       Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã xác định rõ các nhiệm vụ phải triển khai như: 

     Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM gồm những nội dung như: Định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương. Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền. - Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn,…). Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý. 

      Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền tập trung các nội dung: Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi,…). Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch. Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường. Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống…để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng. Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống,…gắn với du lịch nông thôn.

        Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng: Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn. Xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM. Tăng cường nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh. Chuyên nghiệp hóa việc cung cấp, kiểm tra, kiểm soát dịch vụ du lịch có chất lượng và công tác quản lý điểm du lịch nông thôn.

       Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn: Xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Tăng cường nghiên cứu, xây dựng các công cụ, phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn phù hợp với các loại hình du lịch và các đối tượng du khách; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện cho xúc tiến quảng bá các điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn, tiếp cận các thị trường du lịch, kết nối với khách hàng mục tiêu. Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện NTM có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế.

        Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững: Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Tập trung triển khai, thực hiện các mô hình điểm (như: Mô hình chuỗi giá trị sản phẩm chế biến từ cáy tại Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Quảng Phúc, huyện Quảng Xương. Mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành Tour du lịch Pù Luông gắn với nông nghiệp, nông thôn tại huyện Bá Thước.Mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch cộng đồng bản Hang xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa. Mô hình phát triển du lịch tại bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh. Mô hình phát triển du lịch cộng đồng bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước).

         Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn: Lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ trung ương đến địa phương phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện. Xây dựng chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số…) về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội.

        Thực hiện việc kiểm tra, giám sát tổng kết thực hiện Chương trình: Tổ chức kiểm tra, giám sát; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết Chương trình hàng năm và giai đoạn; đánh giá và tổng kết bài học kinh nghiệm về tổ chức, triển khai Chương trình của năm, của giai đoạn và phương hướng triển khai trong năm, của giai đoạn tiếp theo.

        Với việc xác định mục tiêu cụ thể, những nội dung rõ ràng cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn cũng như sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và việc triển khai nhiệm vụ của UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn thì nhiệm vụ phát triển du lịch tại nông thôn sẽ được phát triển mạnh mẽ góp phần tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn đổi mới và hiện đại, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được bền vững./.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.