THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN HẬU LỘC
   

Sở Tư pháp Thanh Hóa quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho khu các huyện có chung đường biên giới.

Ngày tạo:  11/08/2023 15:03:10
Để đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp được triển khai thống nhất, hiệu quả, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 1653/STP-PBGDPL hướng dẫn các huyện có chung đường biên giới với tỉnh Hủa Phăn - nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

       Thanh Hóa là tỉnh có đường biên giới giáp với Tỉnh Hủa phăn nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, đây là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số, địa bàn rộng và là khu vực miền núi còn nhiều khó khăn cả về kinh tế, văn hóa, xã hội.

          Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân trên địa bàn đặc biệt là địa bàn giáp danh đường biên, trên cơ sở Công văn số 3355/BTP-PBGDPL ngày 01/8/2023 của Bộ Tư pháp về việc triển khai Kết luận Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ năm. Căn cứ Quyết định số 814/QĐ-BTP ngày 26/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào. Để đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp được triển khai thống nhất, hiệu quả, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số  1653/STP-PBGDPL hướng dẫn các huyện có chung đường biên giới với tỉnh Hủa Phăn - nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

       Sở Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị bám sát tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương chủ động triển khai và chỉ đạo cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; tận dụng nguồn lực, lồng ghép, gắn kết việc triển khai các nhiệm vụ này với việc thực hiện các Chương trình, Đề án về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở nói riêng, về phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn. 

     Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp đã hướng dẫn các đơn vị lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn cũng như nhu cầu của người dân khu vực biên giới. 

     - Về nội dung:Tập trung phổ biến các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân, trọng tâm là pháp luật về biên giới; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội khu vực biên giới; phòng, chống tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em; quốc tịch, hộ tịch, hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nội dung các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, các quy định pháp luật liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. 

      - Về hình thức PBGDPL: 

      Xây dựng, biên soạn tài liệu PBGDPL ngắn gọn như tờ gấp, sách pháp luật bỏ túi phát trực tiếp tại địa bàn cơ sở, được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng nước bạn Lào với văn phong, ngôn ngữ phù hợp dễ hiểu, dễ tiếp cận; tổ chức PBGDPL trực tiếp thông qua các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng dân cư; lồng ghép PBGDPL thông qua các lễ hội văn hóa, văn nghệ, chiếu phim; qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở và các phương tiện cổ động trực quan; khai thác tủ sách pháp luật tại đồn biên phòng; thi tìm hiểu pháp luật; xây dựng các chuyên mục pháp luật trên truyền thanh, truyền hình phát sóng cho người dân khu vực biên giới; tổ chức đối thoại trực tiếp, giải quyết các vướng mắc trong quần chúng Nhân dân; tổ chức đưa các vụ án tiêu biểu xét xử lưu động tại địa bàn xã biên giới; tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật. 

      Quan tâm thực hiện giáo dục pháp luật trong nhà trường, đặc biệt hệ thống các trường dân tộc nội trú. Bên cạnh đó, cần áp dụng các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số như: cung cấp thông tin pháp luật qua các nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook…); đăng tải thông tin trên các Cổng/Trang thông tin điện tử của địa phương… Đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp (Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật) đăng tải tin bài, tài liệu pháp luật do địa phương biên soạn; tiến hành khai thác, sử dụng thông tin tại chuyên mục về PBGDPL, tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở cho đồng bào dân tộc thiểu số trên Trang thông tin điện tửphổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh.

       Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn Sở Tư pháp đã hướng dẫn các đơn vị chủ động phối hợp, đề xuất với Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp có giải pháp hỗ trợ phù hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, giúp địa phương thực hiện hiệu quả các hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn vùng biên giới Việt - Lào. Đồng thời, chủ động tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL của huyện hướng dẫn, chỉ đạo, có giải pháp cụ thể để triển khai PBGDPL tại địa bàn; nhất là chỉ đạo huy động lực lượng công an, quân đội (bộ đội biên phòng) đóng quân tại địa bàn tích cực tham gia PBGDPL cho Nhân dân và quan tâm bố trí nguồn lực kinh phí để triển khai các hoạt động.

      Chú trọng tập huấn kỹ năng PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho đội ngũ công chức tham mưu PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; hòa giải viên ở cơ sở; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; xây dựng, sử dụng hiệu quả đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật biết tiếng dân tộc thiểu số vùng biên giới.

Tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn vùng biên giới bằng hình thức phù hợp, hiệu quả, hướng về cơ sở, thu hút đông đảo người dân tham gia, gắn với việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động thi hành pháp luật tại cơ sở. 

       Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả về PBGDPL và hòa giải ở cơ sở, nhất là mô hình PBGDPL liên ngành (trọng tâm PBGDPL về các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, hôn nhân và gia đình, ma túy, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết…). Định kỳ tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng các tập thể, cá nhân triển khai thực hiện PBGDPL, hòa giải ở cơ sở gắn với việc đánh giá tổng kết công tác tư pháp hàng năm. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần chú trọng tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện, hỗ trợ cho hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở tại địa bàn. Huy động đội ngũ luật gia, luật sư, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín phát huy trách nhiệm xã hội của trong cộng đồng dân cư… tham gia công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, đóng góp để triển khai công tác này trên địa bàn và thực hiện ghi nhận, vinh danh sự đóng góp này bằng hình thức phù hợp. 

      Với những hướng dẫn kịp thời của Sở Tư pháp để triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, cũng như các nhiệm vụ được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho các huyện có chung đường biên giới, chắc chắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ đạt được hiệu quả cao, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào, nhân dân trên địa bàn, đảm bảo an ninh, trật tự cũng như hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đường biên thắm tình hữu nghị Việt - Lào.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.