THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN TRIỆU SƠN
   

Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách

Ngày tạo:  23/04/2023 11:07:08
Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách.

       Thời gian qua công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng thực thi và hoàn thiện chính sách. Tuy nhiên công tác truyền thông vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách. Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.

      Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách. Do đó để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách, ngày 21 tháng 3 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách. 

      Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách. Quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành. Nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam. Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

          Đối với việc thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, trên cơ sở Đề án, nhằm tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. 

         Ngày 01 tháng 6 năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND triển khai, thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó phấn đấu từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

          Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND triển khai, thực hiện Đề án, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành công văn số 1101/HĐPH-STP ngày 30 tháng 6 năm đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nội dung như: 

          1. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Đề án, Kế hoạch thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn; phát huy vai trò, trách nhiệm của Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cấp tỉnh , cấp huyện trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện Đề án; chủ động ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị. 

       2. Rà soát, bố trí nguồn lực và các điều kiện bảo đảm, cần thiết khác để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án. 

      3. Để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, cần xác định và phân công rõ: Đơn vị, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tham mưu công tác PBGDPL tại các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phôlàm đầu mối tham mưu, hướng dẫn, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án; Đơn vị, tổ chức tham mưu xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có trách nhiệm chủ trì tổ chức truyền thông chính sách tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi Đề án. 

        4. Tập trung truyền thông một số chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 Căn cứ Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; Nghị quyết số 16/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2022; Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 24/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Quyết định số 127/QĐ UBND ngày 7/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đề nghị các cơ quan được giao quản lý Nhà nước/cơ quan được giao chủ trì dự thảo chính sách chủ động thực hiện truyền thông dự thảo chính sách thuộc phạm vi của Đề án, trong đó tập trung truyền thông chính sách trong các dự thảo Luật như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự thảo chính sách được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, có tác động trên phạm vi toàn tỉnh.... Căn cứ hướng dẫn tại Công văn này, chương trình/kế hoạch xây dựng VBQPPL năm 2022 của các huyện, thị xã, thành phố và yêu cầu thực tiễn, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp huyện chỉ đạo, lựa chọn các dự thảo chính sách thuộc phạm vi Đề án để tập trung truyền thông đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. 

      5. Căn cứ điều kiện, tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp với đối tượng và địa bàn quy định tại khoản 6 mục IV Điều 1 của Quyết định số 407/QĐ-TTg; khoản 5, mục III của Kế hoạch số 150/KH-UBND. Đồng thời, nghiên cứu các quy định của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để xây dựng dự toán, bố trí kinh phí hằng năm và tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, cần quan tâm tổ chức tiếp nhận, giải trình, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách trong Báo cáo tổng hợp, tiếp thu và giải trình ý kiến góp ý về dự thảo VBQPPL để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo VBQPPL. 

      6. Sở Tư pháp căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, hướng dẫn tại Công văn này và yêu cầu thực tiễn chủ trì tổ chức xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh, cán bộ các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, công chức pháp chế các sở, ban, ngành, báo cáo viên pháp luật cấp huyện. 

    7. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở địa phương về kiến thức, kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách. 

    8. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, hướng dẫn tại Công văn này và yêu cầu thực tiễn địa phương, chủ trì tổ chức tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, cán bộ công tác tại hệ thống truyền thanh cơ sở về kiến thức, kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách để thực hiện truyền thông chủ động, linh hoạt, hiệu quả. 

          Đồng thời Sở Tư pháp đã có văn bản số 1235/STP-PBGDPL ngày 20/7/2022 chỉ đạo các phòng quan tâm tham mưu để thực hiện tốt nội dung Kế hoạch số 150/KH-UBND của UBND tỉnh. Nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung theo Kế hoạch số 150/KH-UBND của UBND tỉnh, qua đó góp phần giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-STP ngày 15 tháng 02 năm 2023 triển khai công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023. 

        Kế hoạch của Sở Tư pháp đã chỉ đạo và đặt ra yêu cầu các nội dung, hoạt động đề ra bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng lồng ghép, kết hợp với triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả. Các nội dung thực hiện trong năm 2023 như: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các phòng, đơn vị về vị trí, vài trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách; Hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác truyền thông dự thảo chính sách; Tham mưu trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; Tham mưu công tác chỉ đạo, theo dõi của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh về truyền thông dự thảo chính sách; Tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách và các văn bản liên quan để thực hiện truyền thông chủ động, linh hoạt, hiệu quả. 

         Việc ban hành các quy định trong chỉ đạo triển khai thực hiện truyền thông chính sách xuất phát trên cơ sở lý luận và thực tiễn hiện nay, tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “…trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”. Cùng với đó, Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã đặt ra yêu cầu về đổi mới công tác PBGDPL với phương châm lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm tối đa quyền làm chủ của nhân dân, trong đó, trước hết phải nói đến quyền làm chủ về thông tin, đặc biệt là thông tin chính sách, pháp luật.

        Để quyền làm chủ này của người dân ngày càng trở nên thực chất, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc truyền thông chính sách nói chung, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay. Hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được tiến hành song song, đồng thời, không thay thế quy trình lấy ý kiến về dự thảo VBQPPL theo quy định hiện hành, mà có tính chất hỗ trợ, giúp cho công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong đời sống, xã hội.

       Trên cơ sở đó, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg có ý nghĩa quan trọng để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

        Nhận thức rõ ý nghĩa của công tác truyền thông chính sách pháp luật từ sớm, từ xa ngay từ khâu dự thảo nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của người dân trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật để nội dung chính sách, pháp luật thực sự thể hiện ý chí của nhân dân xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống, trở thành công cụ hữu hiệu để “ Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, hướng tới một Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN nên UBND tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chỉ đạo và triển khai cụ thể Quyết định số 407/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ, bằng những nội dung chỉ đạo và giao trách nhiệm rõ ràng cho các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện, chắc chắn công tác truyền thông chính sách sẽ đảm bảo hiệu quá, đáp ứng được vai trò của công tác này và đảm bảo các mục tiêu đã đề ra./.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.


TIN KHÁC CÙNG CHUYÊN MỤC



Email không được để trống và đúng định dạng.