THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN NÔNG CỐNG
   

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Triệu Sơn

Ngày tạo:  15/05/2025 15:24:45
Hòa giải ở cơ sở không chỉ là một thiết chế pháp lý gần dân, sát dân, mà còn là biểu hiện sinh động của truyền thống nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính linh hoạt, tiết kiệm và đặc biệt đề cao vai trò của cộng đồng trong việc duy trì sự ổn định, đoàn kết và hòa thuận. Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hòa giải ở cơ sở ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu mâu thuẫn, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, và góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật từ cơ sở.

     Tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa – một địa phương có quy mô dân số lớn, địa bàn rộng, đời sống kinh tế - xã hội đang từng bước phát triển – công tác hòa giải ở cơ sở đã và đang giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Hoà giải cơ sở góp phần xử lý kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động hòa giải ở cơ sở tại Triệu Sơn đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tính đến năm 2024, toàn huyện có 254 tổ hòa giải với 1.642 hòa giải viên đang hoạt động tại các thôn, tổ dân phố. Đội ngũ này được lựa chọn từ những người có uy tín, kinh nghiệm sống, tinh thần trách nhiệm cao và hiểu biết pháp luật cơ bản. Các tổ hòa giải trong toàn huyện đã tiếp nhận và giải quyết 168 vụ việc thuộc nhiều lĩnh vực như tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, xây dựng, môi trường... Trong đó có 156 vụ được hòa giải thành công, đạt tỷ lệ gần 92,8%. Đây là con số đáng khích lệ, thể hiện hiệu quả thiết thực của công tác hòa giải trong việc gìn giữ trật tự xã hội, hạn chế khiếu kiện kéo dài và nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức pháp luật cho hòa giải viên được triển khai đều đặn thông qua các lớp tập huấn định kỳ do Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức, giúp nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ cho đội ngũ này.

Sở Tư pháp triển khai Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn huyện Triệu Sơn

        Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn không ít tồn tại, đòi hỏi cần có sự quan tâm, đầu tư và đổi mới toàn diện hơn. Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của một bộ phận hòa giải viên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt ở các địa bàn miền núi. Việc tiếp cận thông tin pháp luật còn hạn chế, tài liệu phục vụ công tác hòa giải chưa được cập nhật thường xuyên. Nhiều tổ hòa giải hoạt động chưa thực sự đều đặn do thiếu kinh phí, phương tiện hỗ trợ và chế độ đãi ngộ hợp lý. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các tổ hòa giải với chính quyền cấp xã, các cơ quan tư pháp và tổ chức đoàn thể còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý những vụ việc phức tạp. Đáng chú ý, một bộ phận người dân vẫn chưa thật sự tin tưởng và hợp tác với tổ hòa giải, cho rằng hòa giải không có giá trị pháp lý bắt buộc, từ đó dẫn đến thái độ thờ ơ hoặc yêu cầu chuyển vụ việc lên cấp cao hơn ngay từ đầu.

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Triệu Sơn trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết là phải tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, chú trọng kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng mềm như lắng nghe, thương lượng, thuyết phục. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu các tình huống điển hình, sổ tay nghiệp vụ hòa giải, và tổ chức diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ hòa giải cũng là những cách làm hiệu quả. Cùng với đó, cần đảm bảo nguồn kinh phí ổn định cho hoạt động hòa giải ở cấp xã, đầu tư trang bị tài liệu pháp luật, biểu mẫu, công cụ hỗ trợ cần thiết để các tổ hòa giải hoạt động đúng quy trình và có cơ sở pháp lý rõ ràng.

       Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở cần được tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, dễ tiếp cận với người dân. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng là yếu tố then chốt để lan tỏa tinh thần hòa giải trong đời sống xã hội. Chính quyền cấp xã cần chủ động giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

       Có thể khẳng định rằng, công tác hòa giải ở cơ sở chính là nền móng đầu tiên, là “phòng tuyến mềm” trong việc giữ gìn ổn định xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Việc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải trên địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội kỷ cương, dân chủ, công bằng, văn minh – đúng như tinh thần của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

 


Xuấn Định
Nguồn tin: Phổ biến, giáo dục pháp luật

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.