Ngày 15/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau đây:
Bổ trợ tư pháp, bao gồm: luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại;
Hành chính tư pháp, bao gồm: hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký biện pháp bảo đảm; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
Hôn nhân và gia đình;
Thi hành án dân sự;
Phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30.000.000 đồng.
Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40.000.000 đồng.
Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.
Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền cá nhân.
Hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thi hành án dân sự
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng;
b) Không thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;
c) Không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, không chính xác tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án khi người có thẩm quyền thi hành án yêu cầu;
d) Có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ trong thi hành án dân sự;
đ) Chống đối, cản trở hoặc xúi giục người khác chống đối, cản trở hoạt động thi hành án dân sự;
e) Gây rối trật tự nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động thi hành án dân sự mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định;
b) Không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định;
c) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;
d) Cung cấp chứng cứ sai sự thật cho cơ quan thi hành án dân sự.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;
b) Phá hủy niêm phong tài sản đã kê biên;
c) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc trừ vào thu nhập;
d) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án;
đ) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản;
e) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc giao, trả tài sản, giấy tờ thi hành án;
g) Không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án;
h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và việc phong tỏa, khấu trừ để thi hành án; làm lộ thông tin hoặc lạm dụng thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án để sử dụng trái phép vào mục đích khác.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;
b) Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố hoặc có hành vi khác nhằm chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản bị hạn chế giao dịch theo quy định;
d) Hủy hoại tài sản đã kê biên;
đ) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ;
e) Không thực hiện quyết định thi hành án về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay của Tòa án;
g) Tiết lộ thông tin để người phải thi hành án chuyển, rút tiền khỏi tài khoản làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án;
b) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về việc thu tiền của người phải thi hành án đang giữ;
c) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc kê biên, sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, các điểm a và b khoản 5 Điều này;
b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trong trường hợp cần thiết theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
Hành vi vi phạm quy định của thừa phát lại trong lĩnh vực thi hành án dân sự
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thông báo không đúng về thời hạn, hình thức của quyết định, giấy tờ, văn bản về thi hành án dân sự cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện xác minh hoặc xác minh điều kiện thi hành án không bảo đảm thời hạn theo quy định;
b) Xác minh điều kiện thi hành án không đầy đủ nội dung cần xác minh hoặc không đúng đối tượng, không đúng địa điểm theo quy định;
c) Biên bản xác minh điều kiện thi hành án lập không đúng quy định;
d) Vi phạm quy định về bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án;
đ) Không thông báo các quyết định, giấy tờ, văn bản về thi hành án dân sự cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không cho đương sự thỏa thuận giá, thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức đấu giá tài sản;
b) Thực hiện việc ký hợp đồng thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá không có chức năng thẩm định giá;
c) Không thông báo cho các đương sự về kết quả thẩm định giá trước khi ký hợp đồng đấu giá tài sản;
d) Không thực hiện đúng quy định về yêu cầu thẩm định giá lại tài sản của đương sự.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thanh toán tiền thi hành án không đúng thứ tự, chia tỷ lệ không đúng quy định;
b) Chi tiền mặt không đúng quy định đối với trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tài khoản ngân hàng;
c) Thu tiền thi hành án nhưng nộp vào quỹ không đúng quy định;
d) Thanh toán tiền thi hành án không đúng đối tượng; không đúng thời hạn theo quy định;
đ) Xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của thừa phát lại; cháu ruột mà thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu tiền thi hành án nhưng chưa nộp vào quỹ đúng quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng tiền thi hành án không đúng quy định.
Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2020 và thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ.