Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung theo Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, ngày 09/5/2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Tư pháp chủ động nghiên cứu Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 05/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 – Quốc hội khóa XV. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Văn phòng UBND tỉnh công bố tài liệu lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; tổ chức lấy ý kiến dự thảo đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, bao gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày.
Theo kế hoạch, việc sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung vào các nội dung trọng tâm như: (1) Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy nhà nước; làm rõ chức năng, quyền hạn giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; tăng cường kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình. (2) Cập nhật, bổ sung các quyền mới phát sinh trong thực tiễn như quyền tiếp cận thông tin, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư. (3) Điều chỉnh chế định chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu phân cấp, phân quyền và quản trị đa cấp. (4) Đưa các nội dung về chuyển đổi số, bảo vệ chủ quyền số quốc gia, an ninh mạng và ứng phó với biến đổi toàn cầu vào Hiến pháp để phù hợp bối cảnh hiện đại.
Đặc biệt, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, vai trò của nhân dân được đặt lên hàng đầu. Mỗi công dân đều có quyền và trách nhiệm đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp thông qua nhiều hình thức như: góp ý trực tiếp tại hội nghị, hội thảo; thông qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử; phát biểu tại các cuộc họp tổ dân phố hoặc sinh hoạt tổ chức đoàn thể. Đây là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ, tinh thần trách nhiệm đối với tương lai của đất nước.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một bước tiến quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia, đóng góp và giám sát quá trình sửa đổi Hiến pháp. Đây không chỉ là trách nhiệm chính trị - pháp lý, mà còn là hành động thể hiện ý thức công dân đối với tương lai của đất nước.
Cùng với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, ngành Tư pháp các cấp, đặc biệt là Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp cấp huyện cần phát huy tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật để quá trình lấy ý kiến và truyền thông về sửa đổi Hiến pháp được thực hiện đúng định hướng, hiệu quả, toàn diện. Việc triển khai Kế hoạch của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp phải gắn liền với các chương trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính, chuyển đổi số, nhằm bảo đảm Hiến pháp thực sự là nền tảng pháp lý vững chắc cho một Nhà nước pháp quyền hiện đại, dân chủ, của dân, do dân và vì dân./.
Huyền Trang |
Nguồn tin: Sở Tư pháp Thanh Hóa |
File đính kèm |