THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN NHƯ XUÂN
   

Cầu nối thông tin hữu ích ở các xã vùng “sáu Thanh”

Ngày tạo:  25/12/2024 15:33:59
So với nhiều năm về trước, diện mạo nông thôn vùng "sáu Thanh” của huyện Như Xuân, gồm các xã: Thanh Phong, Thanh Hòa, Thanh Lâm, Thanh Quân, Thanh Sơn và Thanh Xuân đã có nhiều đổi khác. Đặc biệt, thông qua hệ thống loa truyền thanh đã góp phần là cầu nối thông tin hiệu quả, mang tiếng nói của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

                                          Cán bộ xã Thanh Sơn (Như Xuân) kiểm tra hệ thống loa thông minh trên địa bàn.

       Thanh Sơn là xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng “Sáu Thanh” của huyện Như Xuân, điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, người dân ít có điều kiện cập nhật thông tin qua báo, đài. Những năm qua, với việc phủ sóng hệ thống loa truyền thanh ở các thôn, bản, bà con được tiếp cận thường xuyên các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời cập nhật thêm các kiến thức về kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hay những kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi để phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11,2%; hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm... được quan tâm, đầu tư khang trang, đồng bộ.

        Đã thành thói quen, ngày nào ông Lang Văn Luận, trưởng thôn Đồng Chặng, xã Thanh Sơn cũng dành chút thời gian nghe thông tin qua hệ thống loa truyền thanh của xã. Những thông tin, sự kiện nổi bật về chính trị, kinh tế trong ngày giúp ông và người dân trong thôn cập nhật sớm, nhanh. Ông Luận cho biết: Những thông tin, kiến thức tiếp cận được góp phần nâng cao nhận thức của người dân, không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực đóng góp công sức xây dựng đường làng, ngõ xóm, thiết chế văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp. Thôn có 120 hộ, đến nay chỉ còn 5 hộ nghèo.

        Cũng ở thôn Đồng Chặng, trước đây cuộc sống của hộ ông Lương Văn Cảm, sinh năm 1976, gặp nhiều khó khăn. Nay, nhờ chăm chỉ, cần cù, chịu khó học hỏi, tiếp thu các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên phương tiện báo, đài, loa truyền thanh, ông mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng mô hình chăn nuôi lợn kết hợp kinh doanh tạp hóa. Có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước, gia đình thêm điều kiện mua sắm các thiết bị phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt như: ti vi, tủ lạnh, máy xay xát...

       Ông Lương Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết: Mỗi nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã đều được lắp đặt hệ thống loa truyền thanh. Âm thanh từ những chiếc loa nhỏ, gọn hằng ngày truyền tải kịp thời những thông tin, kiến thức bổ ích, giúp bà con nắm bắt được các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình hiện đang phát huy hiệu quả, có thể kể đến mô hình trồng chanh leo thu hút 76 hộ tham gia, chăn nuôi bò sinh sản thu hút 15 hộ tham gia.

       Tại xã Thanh Xuân, hệ thống loa truyền thanh cũng đã phủ khắp các thôn, bản. Đặc biệt, việc được lắp đặt đài truyền thanh thông minh với 15 cụm loa đầy đủ tính năng của truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh sóng ngắn FM, người dân ở các thôn, bản xa xôi cũng có thể nghe được những chương trình phát thanh từ huyện, những thông báo của xã kịp thời, chủ động.

       Công chức văn hóa xã hội xã Thanh Xuân, ông Lê Hữu Dũng cho biết: Hằng ngày, ngoài việc tiếp sóng các chương trình của đài truyền thanh, truyền hình huyện, địa phương còn trực tiếp biên soạn các bảng tin với thời lượng từ 2 - 3 bản tin/tuần. Nội dung xung quanh các hoạt động công tác chỉ đạo, điều hành của xã, những tấm gương người tốt việc tốt được biểu dương... Đồng thời, thông qua những làn điệu dân ca, bài hát về quê hương được phát trên loa không chỉ mang đến niềm vui cho người dân mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc.

       Ông Vi Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết thêm: Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, xã chú trọng tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Nhờ thông tin kịp thời, người dân hiểu rõ các chính sách cũng như nắm được kỹ thuật sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Hiện nay, với việc các thôn, bản tiếp cận, sử dụng hệ thống truyền thanh thông minh góp phần phát huy hiệu quả trong việc truyền tải thông tin tuyên truyền đến các hộ dân.

       Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, các cơ chế hỗ trợ của huyện, kinh tế vùng “sáu Thanh” đã có nhiều bước phát triển tích cực. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Năm 2024, dự kiến tổng giá trị sản xuất của 6 xã “sáu Thanh” đạt 650 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 9,7%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,9 triệu đồng/năm. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 47,3 triệu đồng/ha. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, văn hóa dân tộc truyền thống từng bước được phục hồi và phát huy. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng được tôn trọng và bảo vệ. Không để xảy ra “điểm phức tạp”, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng lực lượng công an cơ sở được tăng cường, 6/6 xã “sáu Thanh” đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự...

 

 


Bài và ảnh: Viết Trung
Nguồn tin: Bài và ảnh: Viết Trung

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.