THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN QUAN SƠN
   

Thanh Hóa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giai đoạn 2022- 2026

Ngày tạo:  30/12/2022 15:03:58
Ngày 29 tháng 12 năm 2022 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022- 2026.

          Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thực hiện có hiệu quả, toàn diện mục tiêu, nội dung nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (sau đây viết tắt là Phong trào). Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong việc thực hiện Phong trào; nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Phong trào; chú trọng xây dựng đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú; giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.Đồng thời việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

          Thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026; Ngày 29 tháng 12 năm 2022 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022- 2026.

          Kế hoạch xác định mục tiêu chung:

          Tiếp tục phát triển Phong trào trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2026 có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Thanh Hóa toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Gắn kết và phát huy vai trò của Phong trào với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt 2 động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. 

          Đồng thời cũng đưa ra những mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2026.

          - Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. 

          - 84% trở lên đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. 

          - Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. 

          - 100% thôn, bản có Nhà Văn hóa - Khu thể thao (hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng); trong đó: 82% thôn thuộc các huyện đồng bằng, ven biển và 62% thôn, bản thuộc các huyện miền núi có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định. 

          - 100% khu công nghiệp trong tỉnh có quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; phấn đấu 35% trở lên xây dựng được thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, viên chức lao động. 

          - 70% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. 

          - 80% trở lên được công nhận danh hiệu "Khu dân cư văn hóa", Khu dân cư đạt chuẩn văn hoá. 

          - 76% trở lên số gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa". 

          - 75% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa"; trong đó có 30% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận lại lần 2. 

          - 47% dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. 

          - 85% trở lên người dân được nâng cao mức hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

          - Các thư viện, bảo tàng cấp tỉnh thực hiện số hóa tư liệu, hiện vật. 

          - Các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động. 

          Để thực hiện các mục tiêu đó, Ủy ban nhân tỉnh đã xác định rõ trong kế hoạch những nội dung cụ thể: 

          Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh 

          - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh; phát huy tinh thần trách nhiệm và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xóa bỏ các tập quán lạc hậu, không phù hợp. 

          - Xây dựng môi trường văn hóa ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, tổ chức; môi trường văn hóa trên không gian mạng. Hình thành nếp sống văn hóa tiến bộ, phù hợp với thuần phong mỹ tục; giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống văn hóa và kỹ năng ứng xử cho thế hệ trẻ; có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa. 

          - Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu. 

          - Tăng cường gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. 

          Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiêu biểu; khu dân cư văn hóa, tiêu biểu 

          - Thực hiện nghiêm quy định xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, tiêu biểu; khu dân cư văn hóa, tiêu biểu. Nâng cao nhận thức và ý thức tự nguyện, tự giác của nhân dân trong xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Xây dựng con người mới phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

          - Nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân; giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên trước khi lập gia đình, đặc biệt là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với đồng bào dân tộc thiểu số. 

          - Rà soát, hoàn thiện Hương ước, Quy ước của các thôn, bản, tổ dân phố với các chuẩn mực đạo đức, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thời đại mới. 

          - Phát động và tổ chức hiệu quả phong trào bảo vệ môi trường; đưa nội dung bảo vệ và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường vào quy ước khu dân cư và tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa. 

           Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới

          - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tích cực vận động nhân dân phát huy nội lực, chung tay cùng chính quyền các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 

          - Lồng ghép hiệu quả các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với các hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”. 

          - Tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” gắn với “Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam” (18/11- 23/11) và Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) hằng năm; chú trọng việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong tổ chức Ngày hội.

          Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

          - Nâng cao chất lượng xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp. 

          - Phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội. - Hướng dẫn, tuyên truyền các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

          Lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào hiện có gắn với thực hiện các nhiệm vụ, kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ 

          - Chú trọng phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn việc xây dựng đời sống văn hóa thông qua thực hiện hiệu quả phong trào thi đua ở cộng đồng dân cư và các cuộc vận động, phong trào xã hội lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo 

          - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; công nhân lao động tích cực tham gia xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng văn hóa giao thông,... 

          - Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn: “Dạy tốt - Học tốt”, “Tuổi cao - Gương sáng”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Học tập, lao động, sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên chức”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Cựu Chiến binh gương mẫu”, “Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”... 

          Kế hoạch đã đưa ra những giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ:

          Giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo 

          Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát thực hiện.

          Đưa mục tiêu thực hiện Phong trào vào nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Bảo đảm điều kiện cho phong trào ở các cấp hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Chú trọng công tác giáo dục, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang gương mẫu thực hiện Phong trào. 

          Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện Phong trào ở các cấp 

          - Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo các cấp; bố trí kinh phí đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện Phong trào; quan tâm đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa, thể thao. 

          - Đề cao vai trò trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong việc thực hiện Phong trào. 

          Giải pháp về huy động nguồn lực 

          - Bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo các cấp và kinh phí thực hiện các nội dung của Phong trào. Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế, có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ trang thiết bị hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở. 

          - Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng và tuyên dương các điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong thực hiện Phong trào. Ban hành quy định khen thưởng phong trào phù hợp với quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. 

          - Khuyến khích tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí ở cơ sở theo quy định của pháp luật hiện hành.

          Giải pháp về nghiệp vụ 

          - Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được quy định tại các Nghị quyết của Đảng về công tác văn hóa, các quyết định, kế hoạch hành động, chương trình, đề án đã được phê duyệt có nội dung liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. 

          - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiên quyết đấu tranh với những hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa; tuyên truyền, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, tiêu biểu; phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập, phong trào học tập suốt đời; xây dựng mô hình công dân học tập gắn kết với việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. 

          - Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng cho cán bộ, chuyên viên tham mưu và trực tiếp tham gia triển khai thực hiện phong trào các cấp, nhất là cấp cơ sở. Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận, bài học kinh nghiệm về hiệu quả thực hiện Phong trào; kịp thời bổ sung, sửa đổi nội dung, giải pháp thực hiện phong trào phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. 

          - Thực hiện nghiêm túc công tác sơ kết, tổng kết thực hiện Phong trào ở các cấp, các ngành, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong triển khai, nhân rộng mô hình, người tốt, việc tốt. 

          Để thực hiện các nội dung, đảm bảo các giải pháp được triển khai đồng bộ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện.

          Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

          - Chủ trì, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp giữa các sở, ngành theo hằng năm và giai đoạn; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phong trào cấp tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng Phong trào trên địa bàn tỉnh. 

          - Chủ trì, hướng dẫn thực hiện xây dựng và công nhận “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; phong trào xây dựng gia đình văn hoá; khu dân cư văn hoá; phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức mừng thọ. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tiêu chí về văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. 

          - Chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao chất lượng Phong trào; Tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng cho cán bộ trực tiếp tham gia triển khai thực hiện phong trào các cấp trên địa bàn tỉnh. 

          - Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. 

          Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đưa tin, bài phản ánh các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong Phong trào nhằm tạo chuyển biến tích cực và sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. 

          Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả Phong trào gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các cuộc vận động, phong trào thi đua ở cơ sở. 

          Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh 

          - Chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện phong trào và ban hành quyết định công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Hướng dẫn số 58/HD-TLĐ ngày 10/5/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc triển khai thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ. 

          - Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các nội dung của Phong trào trong các cấp Công đoàn của tỉnh. 

          Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các Cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh Căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với điều kiện, thực tiễn, gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, cơ quan, đơn vị; các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo tỉnh phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào theo địa bàn được phân công. 

           Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2022 - 2026 phù hợp với yêu cầu và thực tiễn ở địa phương. 

          Với việc chỉ đạo đồng bộ của Ủy ban nhân dân tỉnh bằng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cùng sự vào cuộc của tất cả các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn cùng sự ủng hộ của Nhân dân thì Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội qua đó nhằm xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểm mẫu như sinh thời Bác Hồ thầm mong muốn./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.