THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN QUAN SƠN
   

Trao đổi về pháp luật: Một vài suy nghĩ về quy định "tên khai sinh" trong Luật Căn cước năm 2023.

Ngày tạo:  29/02/2024 10:40:10
Luật căn cước được Quốc Hội ban hành vào ngày 27/11/2023, quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

        Trong nhiều các nội dung được quy định và điều chỉnh, tác giả quan tâm tới cụm từ "Tên khai sinh". Cụm từ này trong Luật Căn cước 2023 được nhắc tới 4 lần, cụ thể như sau: 

          Lần thứ nhất cụm từ này được nhắc tới tại Khoản 13 của Điều 3 về nội dung giải thích cho khái niệm: Danh tính điện tử của công dân Việt Nam là một số thông tin sau đây của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước cho phép xác định duy nhất người đó trên môi trường điện tử thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử và để tạo lập căn cước điện tử: Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Ảnh khuôn mặt; Vân tay.

          Lần thứ 2, cụm từ này xuất hiện tại Khoản 1, Điều 9 quy định về Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có: Họ, chữ đệm và tên khai sinh.

          Lần thứ 3 cụm từ này xuất hiện tại điểm d, khoản 2 điều 18 quy định về Thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; Dòng chữ “CĂN CƯỚC”; Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; Nơi cấp: Bộ Công an.

          Lần thứ 4, cụm từ này xuất hiện tại khoản 1, Điều 24 quy định về các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm: Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này; Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; Xác lập lại số định danh cá nhân; Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.

          Như vậy, trong Luật Căn cước 2023, tên khai sinh của một cá nhân sẽ có trong Danh tính điện tử; Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được in trên thẻ căn cước và khi thay đổi tên khai sinh sẽ là một trong những trường hợp để cấp đổi thẻ căn cước. Từ những nội dung đó có thể thấy "Tên khai sinh" rất quan trọng để xác định rõ chủ thể của mỗi người, đồng thời cũng là nội dung để phân biệt giữa các cá nhân với nhau. 

          

          Tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan về "Tên khai sinh" ta nhận thấy: Tại khoản 1, Điều 26. Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về Quyền có họ, tên có quy định: Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có)Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

          Trong Luật hộ tịch 2014, chỉ có các nội dung liên quan và sử dụng từ "Tên" mà không có cụm từ "Tên khai sinh". Và Điều 14 Luật Hộ tịch có quy định nội dung đăng ký khai sinh có "Tên".

          Trong Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch và Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP cũng chỉ quy định các nội dung liên quan có từ "tên" mà không có cụm từ "Tên khai sinh".

          Từ một số văn bản mang tính chất chuyên ngành như trên ta nhận thấy cụm từ "Tên khai sinh" được quy định trong Bộ luật dân sự 2015 và Luật Căn cước 2023. Qua các nội dung đó ta thấy trong cả hai văn bản này chưa có quy định giải thích cụ thể thế nào là "Tên khai sinh".

          Thông thường tên khai sinh được hiểu là tên đầu tiên của một con người được sinh ra. Điều này có thể áp dụng được cho họ, tên chính, hay cả họ tên. Khi tên khai sinh cần được đăng kí chính thức, cả tên được chuyển vào đăng kí khai sinh hay giấy khai sinh và nó có thể trở thành tên hợp pháp. Xét trên cách hiểu này, nếu áp vào cụm từ "Tên khai sinh" trong Luật Căn cước 2023 thì ta sẽ có hai cách hiểu như sau: 

          Cách thứ nhất chúng ta sẽ hiểu tên khai sinh là tên đầu tiên của một người được cha mẹ sinh ra và đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Cách thứ 2 là Tên khai sinh là tên trong Giấy khai sinh. Nếu thoạt nhìn hai cách hiểu này không có gì mâu thuẫn vì dẫu sao tên trong Giấy khai sinh cũng là tên của một người đã được cơ quan có thẩm quyền đăng ký. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì nó có sự khác nhau, cụ thể như sau:

          Cách hiểu thứ nhất sẽ dẫn tới kết quả tên khai sinh ở đây là tên được đăng ký lần đầu tiên. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ Luật dân sự 2015 thì Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp (Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi; Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính; Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định). Như vậy việc cấp nhật dữ liệu căn cước tại thời điểm này sẽ không đảm bảo đối với những người đã có nhiều lần thay đổi tên.

          Đối với cách hiểu thứ hai, "Tên khai sinh" là tên trong Giấy khai sinh hiện tại, với cách hiểu này sẽ không phù hợp với việc chúng ta đang hiểu thông thường là tên đầu tiên của một con người được sinh ra. Nhưng với cách hiểu này khi cập nhật dữ liệu sẽ đảm bảo được tên của các cá nhân đã được đăng ký, cho dù người đó có thay đổi tên nhiều lần nhưng tên trong Giấy khai sinh hiện tại vẫn thể hiện chủ thể pháp lý của người có tên đó. Hơn nữa, tại Khoản 3 của Điều 28 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định: Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ. Và trong các luật có liên quan đều không quy định công dân được thay đổi tên bao lần, việc thay đổi tên sẽ được thực hiện khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời tại khoản 1, Điều 24 Luật Căn cước 2023 có quy định: Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước có trường hợp thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh.

          Từ những quy định trên, theo quan điểm cá nhân của tác giả cụm từ "Tên Khai sinh" trong Luật Căn cước năm 2023 cần được hiểu đó là Tên khai sinh được ghi trong giấy khai sinh sẽ là thông tin để cơ quan có thầm quyền cập nhật dữ liêu và khi có sự thay đổi thông tin này sẽ là căn cứ được thay đổi căn cước theo quy định. Để có cách hiểu thống nhất trong triển khai và thực hiện thì các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể./. 


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.