THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

UBND HUYỆN QUAN SƠN
   

Bộ Tư pháp Sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2024

Ngày tạo:  10/07/2024 15:16:13
Ngày 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, Trần Tiến Dũng cùng dự. Dự Hội nghị sơ kết còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội và địa phương.

        Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Bùi Đình Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và cán bộ chủ chốt các phòng, đơn vị thuộc Sở Tư pháp Thanh Hóa.

       Sáu tháng đầu năm 2024, bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến, phức tạp, khó lường ảnh hưởng lớn đến triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội của nước ta, tác động đến các ngành, lĩnh vực, phát sinh nhiều vấn đề khó, phức tạp cần giải quyết, trong đó có các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ, ngành Tư pháp.

       Trong bối cảnh đó, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời các nhiệm vụ theo các chương trình, kế hoạch khác công tác; các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm, nhất là 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác được đề ra tại Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì tại điểm cầu Hà Nội

      Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định quy định xử lý VPHC trong các lĩnh vực cụ thể, bảo đảm phù hợp với các VBQPPL liên quan và tình hình thực tế. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức 305.128 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; tổ chức 4.154 cuộc thi cho khoảng 4 triệu lượt người dự thi; phát hơn 22 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Kết quả thi hành án dân sự (THADS) cũng đạt nhiều kết quả tích cực, thi hành xong 403.769 việc, đạt tỉ lệ 65,24%.

        Từ số liệu thống kế cho thấy, kết quả công tác trong 06 tháng đầu năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương. 

Các đầu cầu địa phương tham dự Hội nghị

           Đối vối Sở Tư pháp Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác Tư pháp đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các chương trình, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các nhiệm vụ của Sở Tư pháp ngày càng đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Sở đã tăng cường cải cách hành chính trong hoạt động, đã phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và tổ chức. Nổi bật là: Công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc xử lý, giải quyết các vụ việc pháp luật cụ thể tại địa phương; Công tác thẩm định, tham gia ý kiến dự thảo văn bản đã được HĐND, UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã triển khai đầy đủ, kịp thời các Luật mới được thông qua; thực hiện có hiệu quả quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần công nhận các xã đạt nông thôn mới đảm bảo theo quy định của pháp luật; Hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp ngày càng nề nếp, chuyên nghiệp hơn và đã phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của công dân; Công tác Hành chính tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc thực hiện số hóa hộ tịch được thực hiện theo đúng kế hoạch; công tác quản lý, đăng ký hộ tịch đã đi vào nền nếp; Thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý; tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng tăng cao. Những kết quả nêu trên của Sở Tư pháp Thanh Hóa đã góp phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa

      Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2024, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; việc triển khai một số nhiệm vụ còn chậm; kết quả THADS chưa đạt được như kỳ vọng; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực chưa kịp thời; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng...

       Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp 6 tháng cuối năm, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đề nghị: Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; sử dụng linh hoạt các giải pháp về công tác cán bộ; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm; tiếp tục đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc.

       Hội nghị sơ kết là dịp để toàn ngành nhìn nhận những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế để hiến kế, tìm các giải pháp phù hợp để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm.

 


Việt Huy
Nguồn tin: Bộ Tư pháp

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.