THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
   

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch

Ngày tạo:  10/10/2022 13:48:40
(MPI) - Theo chương trình làm việc ngày 30/5/2022, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.


 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn

Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 07 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia , 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh. Một số Bộ, ngành, địa phương đã có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ nên đến nay, có 07/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải , Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Theo Báo cáo, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các luật chuyên ngành khác về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật. Tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.

Việc quản lý đầu tư, kinh doanh đối với một số ngành sản xuất sản phẩm gặp khó khăn do chưa có chính sách thay thế các quy hoạch ngành, sản phẩm đã hết hiệu lực hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, đánh giá tác động chưa đầy đủ việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đối với một số ngành cụ thể theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59. Việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất cho công tác quy hoạch vẫn chưa được hoàn thiện…

Báo cáo cũng nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế, trong đó nguyên nhân khách quan là do Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với sự phối hợp đa ngành; việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là quy hoạch cấp dưới được lập khi quy hoạch cấp trên chưa được ban hành, dẫn đến nội dung quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.

Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch bất cập còn do nguyên nhân tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, địa phương còn nhiều hạn chế.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan, Báo cáo nêu rõ, trong quá trình nghiên cứu và xây dựng Luật Quy hoạch, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã rất cố gắng và nỗ lực để thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng do công tác quy hoạch có nhiều nội dung mới và phức tạp, cơ quan trình (Chính phủ), cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan thẩm định (Bộ Tư pháp), cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế), các cơ quan phối hợp chưa lường hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn dẫn đến Luật Quy hoạch còn bất cập, vướng mắc khi triển khai trong thực tế.

Quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch một số cơ quan, tổ chức chưa làm tròn trách nhiệm được giao, nhất là trong giai đoạn đầu như: Chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn công tác lập quy hoạch hoặc ban hành văn bản không đúng thẩm quyền, hình thức theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản có quy định không phù hợp gây khó khăn, làm chậm tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Việc tham mưu xử lý các vướng mắc liên quan đến kinh phí cho hoạt động quy hoạch, đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Quy hoạch chưa hiệu quả.

Một số Bộ, cơ quan, đơn vị chưa chủ động rà soát, nghiên cứu và phối hợp chưa chặt chẽ trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch, nhất là chậm rà soát, nghiên cứu sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn không còn phù hợp với thực tiễn. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với vai trò là Cơ quan tổ chức lập quy hoạch nhưng chưa đôn đốc quyết liệt công tác lập quy hoạch tỉnh, không đạt được tiến độ đã đề ra.

Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch với hai nội dung chính.

Thứ nhất, các giải pháp cần triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Theo đó, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành, cụ thể: Chính phủ quy định rõ khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch; quy định cụ thể về quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm phương pháp tích hợp quy hoạch trong lập quy hoạch.

Áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này.

Các quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01/01/2019 được tiếp tục thực hiện và được điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt. Sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc lập, thẩm định, điều chỉnh, công bố các quy hoạch chưa được phân bổ kinh phí. Hướng dẫn xử lý trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp thuộc khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Luật Quy hoạch nhưng không mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên hoặc không được thể hiện ở quy hoạch cấp trên.

Quy định cụ thể việc phân kỳ đầu tư triển khai các dự án trong các quy hoạch gắn kết với các kế hoạch 5 năm. Quy định việc kèm theo bản đồ khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch tại Điều 37 Luật Quy hoạch.

Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các giải pháp như chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung quy hoạch;

Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp trong việc nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch;

Đánh giá tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch. Nghiên cứu bổ sung vào Danh mục các quy hoạch một số quy hoạch kết cấu hạ tầng và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất sản phẩm cần thiết, cấp bách, mang tính chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp và không trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế xã - hội của đất nước; phấn đấu hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng chủ chốt (quy hoạch ngành giao thông, quy hoạch năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch thủy lợi, đê điều...) trong năm 2022.

Ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động quy hoạch theo quy định tại khoản 3 Điều 10 và khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị.

Thứ hai, về giải pháp trong trung và dài hạn, Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, để triển khai giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội theo chủ trương đổi mới hoạt động giám sát, ngoài báo cáo của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, 63 đoàn đại biểu Quốc hội, 63 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đều có báo cáo giám sát, trong đó nhiều báo cáo chất lượng tốt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 4 Phiên để cho ý kiến về đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, thông qua báo cáo, làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận về các vấn đề cụ thể được nêu trong báo cáo, và những vấn đề các đại biểu quan tâm, trong đó tập trung vào các vấn đề như đánh giá của các đại biểu Quốc hội về việc tham mưu cho Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; hiệu quả triển khai của Đoàn giám sát cũng như của các bộ, ngành, đia phương; những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành về việc ban hành Luật Quy hoạch và các luật liên quan; hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch.

Cho ý kiến về những hạn chế, bất cập xung quanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp các ngành; về sự tồn tại song hành, áp dụng cả hai loại quy hoạch hiện nay; về nội hàm của quy hoạch tổng thế quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; về khái niệm tích hợp quy hoạch; về sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch; cho ý kiến về những đề xuất của Đoàn giám sát, trong đó có việc cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành./.


Tùng Linh
Nguồn tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.