THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
   

Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021

Ngày tạo:  10/10/2022 13:53:17
(MPI) - Ngày 01/6/2022, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.

Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận chủ yếu vào những nội dung như đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội và cho rằng, các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đầy đủ và nội dung của báo cáo đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; đồng thời, đánh giá mặc dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, cùng với những bất ổn của tình hình thế giới nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã có bước phát triển khởi sắc, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì sự ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán, lạm phát được kiểm soát và Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất khó đoán định như hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, các giải pháp phát triển du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề như: giáo dục - đào tạo, tăng học phí, giá sách giáo khoa; việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; vấn đề y tế; xuất khẩu lao động; bảo hiểm xã hội; giải quyết hồ sơ tồn đọng công nhận liệt sĩ, người có công, tìm kiếm xác định danh tính liệt sĩ; cơ chế, chính sách về huy động vốn, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; việc nghiên cứu khoa học - công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết sản xuất, chế biến; giám sát, quản lý thị trường bất động sản, chứng khoán, chống thất thu thuế, tiêu cực trong đấu giá đất; chính sách hỗ trợ phục hồi du lịch, giao thông vận tải sau đại dịch…

Nhằm tiếp tục hoàn thiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ: bổ sung đánh giá tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp; từ đó, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn; đánh giá kỹ hơn những tồn tại, hạn chế, nêu rõ hạn chế và nguyên nhân trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; tổng kết, báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao liên quan đến nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới; xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thích ứng với các kịch bản, trong đó lưu ý đến giá xăng dầu và giá lương thực; có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn trong nước và quốc tế; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu; ban hành sớm các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế; điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng phục vụ sản xuất… Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hơn nữa việc phân cấp, phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các địa phương quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp trên theo phân cấp quản lý để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội đề ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước cho chương trình nhiệm vụ khoa học trọng điểm và đột xuất cấp quốc gia giai đoạn 2016-2021, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ giai đoạn này.

Về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định tại Nghị quyết được nêu trong Báo cáo số 174 và Tờ trình số 175 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sâu sắc về các nội dung: tập trung đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hiến kế để đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án đầu tư công, phát triển kinh tế vùng chính sách để phát huy, bảo tồn văn hóa các dân tộc về đời sống và nhà ở cho công nhân lao động; về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên; về xử lý nợ xấu và việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về giá xăng dầu, về an sinh xã hội, bảo trợ xã hội./.


Tùng Linh
Nguồn tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.