THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
   

Kinh tế có bước phục hồi tích cực

Ngày tạo:  10/10/2022 14:03:52
(MPI) - Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 và triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 04/7/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; kinh tế có bước phục hồi tích cực, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01/NQ-CP trong Quý II cơ bản đáp ứng yêu cầu, hoàn thành 72,6% số nhiệm vụ được giao

Trong 06 tháng đầu năm, nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước được tổ chức thành công, tạo nên khí thế mới, xung lực mới, nhất là Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, tác động tích cực đến sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp, ứng phó linh hoạt, kịp thời với những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước như: lạm phát, giá cả tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng, nguy cơ suy thoái kinh tế và mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực gắn với tác động của xung đột Nga - Ucraina; điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam.

Nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao, tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01/NQ-CP trong Quý II cơ bản đáp ứng yêu cầu, hoàn thành 72,6% số nhiệm vụ được giao. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 06 và 06 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực. Nguyên nhân của kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; đồng hành, ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt, chủ động của các bộ, ngành trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thường xuyên tổng kết, đánh giá, kế thừa kinh nghiệm và kết quả đạt được; đẩy mạnh phân công, phân cấp trong tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, nước ta vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu do các nguyên nhân: tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tăng trưởng, lạm phát, giá dầu, ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cần thời gian để phục hồi, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài; việc đánh giá, dự báo tình hình, nghiên cứu, đề xuất chính sách trong một số trường hợp còn bị động, chưa theo kịp thực tiễn; công tác phối hợp, tổ chức triển khai một số chính sách hỗ trợ còn hạn chế; tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Các Bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP

Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP được ban hành, Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau hơn 05 tháng triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra; ban hành gần như đầy đủ các văn bản để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận khi nhiều chính sách mới nhưng đã được đánh giá tác động đầy đủ và trình ban hành theo đúng quy định thời gian ngắn. Một số nội dung có tính chất phức tạp, liên quan đến việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình của nhiều bộ, cơ quan, địa phương đang được gấp rút xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hầu hết đạt kết quả tốt, đạt trên 48 nghìn tỷ đồng, trong đó các chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đạt 8.888 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng; miễn giảm thuế VAT, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện cho vay tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP là 57,37 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện đã nhanh chóng được điều chỉnh để tạo thuận lợi trong triển khai, thực hiện.

Tuy nhiên, tình hình xây dựng một số văn bản thực hiện chưa bảo đảm tiến độ, việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã ban hành còn chậm, đạt kết quả thấp, chưa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kịp thời, ảnh hưởng hiệu quả Chương trình. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Về danh mục dự án đầu tư công sử dụng vốn Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 thông báo danh mục và mức vốn cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, đến nay còn 11 dự án của 08 bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án và 26.799 tỷ đồng chưa đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương căn cứ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, quy định tại Điều 16, 52 Luật Đầu tư công, khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án, thủ tục đầu tư nhiệm vụ, dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Ảnh: chinhphu.vn

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Ước giải ngân đến 30/6/2022 đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 29,02%). Có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 06/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, trong đó có 25 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, đặc biệt có 04 cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Để nhanh chóng khắc phục những bất cập trên, đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 06 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm, trong đó phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.

Thứ hai, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.

Thứ ba, nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là Ban Quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ tư, nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án.

Thứ năm, chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Thứ sáu, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (hoặc Sở Xây dựng) công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 đạt khoảng 7,0% để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 02 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, Quý III cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP), Quý IV tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm). Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,0%, Quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và Quý IV tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, cơ quan và địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao./.


Thúy Quyên
Nguồn tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.