THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH - XÃ HỘI
   

Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19

Ngày tạo:  03/11/2022 09:43:41
Trong 02 năm vừa qua, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh COVID-19. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong từng quy trình, từng khâu, từng công đoạn trong tổ chức thực hiện và luôn đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban, sở, ngành, của các cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng

   I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THEO DÕI THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG, DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ KINH DOANH TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

1. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Sở LĐTBXH

a) Đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ([1]); Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ([2])

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở LĐTBXH đã thành lập Tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ gồm 15 thành viên, do Giám đốc Sở làm Trưởng ban, các thành viên là Phó Giám đốc Sở và Trưởng các phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Sở có liên quan. Đồng thời, thành lập 03 Tổ giúp việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan, gồm: (1) Tổ giúp việc thực hiện chính sách hỗ trợ; (2) Tổ giúp việc thông tin, tuyên truyền; (3) Tổ giúp việc tổng hợp, báo cáo. Tổ giúp việc phân công theo dõi phụ trách theo huyện, thị xã, thành phố, trên cơ sở địa bàn được phân công các thành việc đến các huyện, thị xã, thành phố, các xã phường, thị trấn để hỗ trợ hướng triển khai thực hiện chính sách cho người lao động. 

Tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng trên địa bàn quản lý một cách khẩn trương, trách nhiệm, không kể ngày nghỉ. Công tác rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; Sở LĐTBXH đã ban hành văn bản thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và kết hợp kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Qua kiểm tra thực tế, Đoàn công tác ghi nhận công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các huyện, thị xã, thành phố đã và đang được triển khai thực hiện nghiêm túc, bám sát các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Sở LĐTBXH đã tổ chức các đoàn đi hướng dẫn, kiểm tra thực tế về tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tại 21/27 huyện, thị xã, thành phố. 

b) Đối với việc triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐTTg ngày 28/3/2022 của Thủ Tướng Chính phủ([3])

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 01 Kế hoạch; 02 Quyết định; 06 văn bản triển khai, đôn đốc thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở LĐTBXH đã ban hành 07 văn bản hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, kịp thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Dân trí, hệ thống truyền thanh cơ sở v.v... Thông qua các phiên giao dịch việc làm, Sở LĐTBXH cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho doanh nghiệp, người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ của chính sách trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trên địa bàn tỉnh

Trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán([4]) chuyên đề tại tỉnh Thanh Hóa, cụ thể: Đoàn đã tiến hành kiểm toán tổng hợp tại 04 cơ quan, đơn vị gồm: Sở Y tế, Sở LĐTBXH, Sở Tài chính và UBMTTQ Việt Nam tỉnh; kiểm toán chi tiết tại 05 địa phương, gồm: TP.Thanh Hóa, TX.Nghi Sơn, huyện Nông Cống, huyện Triệu Sơn, huyện Thọ Xuân và 04 cơ sở y tế, gồm: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện đa khoa huyện Thọ Xuân.

Bộ LĐTBXH đã tiến hành kiểm tra([5]) việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ tại tỉnh Thanh Hóa, cụ thể: Đoàn đã tiến hành kiểm tra, làm việc trực tiếp với UBND tỉnh và UBND thị xã Nghi Sơn; đồng thời, tiến hành thanh tra([6]) việc thực hiện Nghị quyêt số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Đoàn đã tiến hành thanh tra, làm việc trực tiếp với Sở LĐTBXH và Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở.

HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Sở LĐTBXH và các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt tình hình triển khai thực hiện; làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương trong thời gian tới.

Các sở, ngành, địa phương đều thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và kết hợp kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Qua kiểm tra thực tế, Đoàn công tác đã kịp thời hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương.

Ngoài ra, để thực hiện công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐTTg ngày 28/3/2022 của Thủ Tướng Chính phủ, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp rà soát tình hình lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp có ở thuê, ở trọ; đồng thời kiểm tra, trực tiếp làm việc với 03 địa phương có khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc phạm vi hỗ trợ của chính sách, gồm: UBND thành phố Thanh Hóa, UBND thị xã Bỉm Sơn, UBND thị xã Nghi Sơn. Các thị xã, thành phố đều ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập Hội đồng thẩm định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đồng thời đến làm việc trực tiếp với 03 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn để hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp hoàn thiện và nộp hồ sơ đúng thời hạn. Qua kiểm tra, Đoàn công tác đã kịp thời hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các thị xã, thành phố. 

3. Vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên cấp tỉnh trong việc giám sát triển khai, thực hiện hỗ trợ

UBMTTQ tỉnh đã chủ trì, phối hợp với 05 đoàn thể chính trị - xã hội, gồm: Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh ban hành Kế hoạch số 275/KH-MTTQ-BTT ngày 25/8/2021 về việc phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; trong đó phân công rõ đơn vị chủ trì, nội dung và đối tượng giám sát cho các đơn vị. Việc giám sát được tổ chức đi đôi với đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Mặt trận tổ quốc các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành lập 589 đoàn giám sát tại các địa phương trong tỉnh (cấp tỉnh 03 đoàn, cấp huyện 27 đoàn, cấp xã 559 đoàn). Tổ chức 2.057 cuộc giám sát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, qua tổ chức giám sát đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện các trường hợp sai phạm, thiếu sót trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, tình hình đời sống của nhân dân, các đối tượng chính sách, người lao động cơ bản được đảm bảo.

II. KẾT QUẢ THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG, DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ KINH DOANH TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

1. Việc tham mưu cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID-19.

Toàn ngành LĐTBXH đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh COVID-19. Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủNghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó: 

- Tỉnh ủy đã ban hành 05 văn bản, gồm: 01 Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn di đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; 01 văn bản thông báo phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo và 03 công văn lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

- HĐND tỉnh đã ban hành 04 văn bản, gồm: 01 Kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; 01 Quyết định thành lập Đoàn Giám sát và 02 văn bản chỉ đạo báo cáo kết quả thực hiện.

- UBND tỉnh đã ban hành 22 văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn di đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Sở LĐTBXH đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh.

2. Việc bảo đảm các điều kiện cho thi hành các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID-19

a) Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp, các ngành 

UBND tỉnh giao Sở LĐTBXH là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Chính sách và Xã hội tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập tổ đầu mối cung cấp thông tin về tình hình, kết quả triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị Quyết 68/NQ-CP. Đồng thời, thiết lập tài khoản đầu mối tổng hợp, báo cáo của Sở LĐTBXH và 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, đảm bảo cập nhật, báo cáo kết quả triển khai thực hiện chính sách đầy đủ, kịp thời theo quy định. Thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương nhằm đưa chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất. Các huyện, thị xã, thành phố đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; nhiều địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ; đồng thời, tổ chức hội nghị triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng trên địa bàn quản lý một cách khẩn trương, trách nhiệm, không kể ngày nghỉ; yêu cầu rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch; không bỏ sót, trùng lắp đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. 

b) Công tác tuyên truyền phổ biến Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ và các Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn

Đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh COVID-19, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, xây dựng và phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền (Infographic) về chính sách hỗ trợ, xây dựng các chuyên trang/chuyên mục trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, qua các ứng dụng mạng xã hội; đưa tin, bài trên các báo Trung ương, địa phương, thông qua các hội nghị giao ban của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh v.v…([7]) nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

c) Việc thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn

UBND tỉnh đã thiết lập đường dây nóng qua Tổng đài 1022 Thanh Hóa để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đây là hệ thống tiếp nhận, xử lý, trả lời thông tin, yêu cầu hỗ trợ, cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến công tác phòng, thống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bao gồm các nội dung sau: Thông tin các quy định, hướng dẫn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; thông tin cụ thể về dịch tễ, cách ly y tế; tư vấn, hỗ trợ y tế (cấp cứu, sức khoẻ, chữa bệnh, xét nghiệm); thông tin liên quan đến việc thực hiện các cơ chế, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; các yêu cầu hỗ trợ nhân đạo, từ thiện do ảnh hưởng của dịch COVID-19; thông tin liên quan đến giao thông, vận tải, lưu thông hàng hoá, thương mại; an ninh trật tự trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; thông tin về nghi người nhiễm COVID-19; người đi, đến từ vùng dịch và các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 khác.

Thường xuyên đăng tải nội dung tuyên truyền hướng dẫn cách gọi đến đường dây nóng Tổng đài 1022 Thanh Hóa lên Trang/Cổng thông tin điện tử của các cấp, các ngành. Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Đài truyền thanh các xã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân cách phản ánh thông tin về các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, thông qua các kênh đường dây nóng Tổng đài 1022: gọi trực trực tiếp đến đầu số 1022, qua Cổng thông tin điện tử 1022, thư điện tử, kênh Zalo, kênh Fanpage Facebook. Trong quá trình hoạt động Tổng đài 1022 của tỉnh đã tiếp nhận, cung cấp và cập nhật hàng ngàn câu hỏi, câu trả lời trên các phương tiện và kênh thông tin của Tổng đài, thu hút được đông đảo người dân quan tâm, khai thác, sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác an sinh xã hội.

3. Việc tuân thủ pháp luật về thực hiện chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch 

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 126/NQCP ngày 08/10/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa phát hiện các trường hợp sai phạm, thiếu sót trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ; chưa nhận được phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

4. Nhận định chung về kết quả theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về thực hiện chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID-19

a) Kết quả

(1) Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:7.057 đơn vị, doanh nghiệp với 303.961 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền giảm mức đóng 11 tháng (tháng 7/2021 đến tháng 06/2022) là 80.053.077.135 đồng.

(2) Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: 05 đơn vị với 275 lao động được hỗ trợ tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, tổng số tiền tạm dừng là 1.756.961.886 đồng.

(3) Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: hỗ trợ cho 122 lao động với tổng số tiền là 549.000.000 đồng.

(4) Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 3.629 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 9.941.590.000 đồng. Các địa phương đã thực hiện chi trả đầy đủ kinh phí hỗ trợ cho người lao động.

(5) Hỗ trợ người lao động ngừng việc: ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 30.814 lao động ngừng việc, kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 47.706.000.000 đồng. Các địa phương đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đối với 30.809 lao động, tổng kinh phí đã chi trả là 47.698.000.000 đồng, (có 05 người lao động không thực hiện chi trả do sau khi rà soát lại không đủ điều kiện hưởng chính sách).

(6) Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 10 lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 39.100.000 đồng. Sở LĐTBXH đã thực hiện chi trả đầy đủ kinh phí hỗ trợ đối với người lao động theo quy định.

(7) Hỗ trợ người điều trị COVID-19, cách ly y tế; hỗ trợ thêm đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật: ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 82.089 trường hợp F0, F1, tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 100.466.699.000 đồng(trong đó: có 26.923 đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật với kinh phí hỗ trợ thêm là 26.923.000.000 đồng). Các địa phương đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đối với 82.075 lao động, tổng kinh phí đã chi trả là 100.347.324.000 đồng (có 14 người lao động do bị trùng lặp, không đủ điều kiện chi trả do sau khi rà soát).

(8) Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch: Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ đối với 89 viên chức hoạt động nghệ thuật, kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 330.190.000 đồng; phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ đối với 100 hướng dẫn viên du lịch, kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 371.000.000 đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện chi trả hỗ trợ đối với các viên chức theo quy định.

(9) Hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do): phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 9.968 lao động không có giao kết hợp đồng lao động, tổng kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 7.934.100.000 đồng. Các địa phương đã thực hiện chi trả hỗ trợ đầy đủ cho người lao động.

(10) Hỗ trợ hộ kinh doanh: ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 2.393 hộ kinh doanh, kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 7.179.000.000 đồng. Các địa phương đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đối với 2.388 hộ kinh doanh, tổng kinh phí đã chi trả là 7.164.000.000 đồng (có 05 hộ kinh doanh thuộc huyện Ngọc Lặc không thực hiện chi trả do sau khi rà soát lại không đủ điều kiện hưởng chính sách), tỷ lệ chi trả  đạt 100%.

(11) Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho 07 doanh nghiệp được hỗ trợ vay 4.058.430.000 đồng để trả lương ngừng việc cho 480 lao động; đã có 03 doanh nghiệpđược hỗ trợ vay 2.154.305.000 đồng trả lương phục hồi sản xuất cho 245 lao động.

(12) Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ BHTN: Thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ BHTN là 323.782 người với tổng số tiền là 749.667.850.000 đồng, gồm: 294.157 người lao động đang tham gia BHTN với số tiền 690.063.350.000 đồng; 29.625 người lao động đã bảo lưu, dừng tham gia BHTN với số tiền 59.604.500.000 đồng.

(13) Giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19: Thực hiện giảm tiền đóng vào Quỹ BHTN cho 6.220 đơn vị, doanh nghiệp với 304.253 lao động, với tổng số tiền giảm mức đóng 09 tháng (từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2022) là 125.609.638.955 đồng.

(14) Kết quả thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ Tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: UBND cấp huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 74 doanh nghiệp với 2.183 lao động, tổng kinh phí hỗ trợ là 3.235 triệu đồng, đã thực hiện chi trả đầy đủ cho doanh nghiệp và người lao động, trong đó: (i) Hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp: UBND cấp huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 74 doanh nghiệp với 2.073 lao động, tổng kinh phí hỗ trợ là 3.021 triệu đồng; (ii) Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động: UBND cấp huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 23 doanh nghiệp với 110 lao động, tổng kinh phí hỗ trợ là 211 triệu đồng.

b) Khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19

- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Khi triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, nhiều địa phương đang là cao điểm phòng chống dịch, lực lượng cán bộ, công chức vừa tham gia phòng chống dịch, vừa tiếp nhận, thẩm định, giải quyết hồ sơ nên công tác tham mưu chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ chính sách gặp rất nhiều khó khăn.

- Về công tác triển khai thực hiện: (1) Người lao động và người sử dụng lao động chưa nghiên cứu kỹ chính sách nên quá trình thực hiện nhất là trong việc lập hồ sơ, thủ tục còn gặp khó khăn, phải thực hiện lại mặc dù hồ sơ theo quy định đã được đơn giản và giảm tối đa; (2) Khối lượng công việc lớn, yêu cầu về chất lượng cao, thời gian triển khai thực hiện gấp nhưng đội ngũ cán bộ ở cơ sở lại không được hưởng các chế độ, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ thôn, bản, khu phố; (3) Nhiều trường hợp người lao động vừa gửi hồ sơ điện tử, vừa gửi hồ sơ giấy nhiều lần đến cơ quan BHXH dẫn đến tình trạng hồ sơ giao dịch ảo tăng lên, cơ quan BHXH phải rà soát đối chiếu sàng lọc nhiều lần; (4) Nhận thức người dân còn nhiều hạn chế, vẫn có hiện tượng khai chưa trung thực, nên ảnh hưởng tới việc xác định thu nhập của người lao động cũng như gây khó khăn cho Tổ thẩm định cấp xã. Một số người dân không đủ điều kiện được hỗ trợ nhưng vẫn thắc mắc, ý kiến hoặc gây áp lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng.

c) Nhận định về tác động của việc thi hành các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 

- Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ ra đời trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, được bổ sung nhiều chính sách mới như: Giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa; hỗ trợ trẻ em, người lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật v.v… Đặc biệt các điều kiện hỗ trợ được cắt giảm cả về thủ tục và thời gian giải quyết để các đối tượng dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn. Những điểm mới cả về đối tượng và cách thức triển khai nêu trên không chỉ tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng được thụ hưởng, mà còn giúp việc triển khai các chính sách được nhanh chóng, thuận lợi hơn, dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 dễ tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách.

- Công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong từng quy trình, từng khâu, từng công đoạn trong tổ chức thực hiện và luôn đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban, sở, ngành, của các cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố. 

- Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người lao động và doanh nghiệp. Qua đó góp phần hồi phục thị trường lao động, giải quyết được phần nào khó khăn về tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh; người lao động có thể yên tâm làm việc và trở lại thị trường lao động làm việc vì sự phát triển của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế tỉnh sau đại dịch COVID-19. Công tác tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và luôn đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban, sở, ngành, của các cấp ủy, chính quyền các thị xã, thành phố. 

- Quá trình thực hiện các cấp, các ngành đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong triển khai thực hiện chính sách. Bên cạnh đó là việc quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn nội dung chính sách đến các địa phương, cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động và người lao động; việc theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc xuyên suốt quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ; nhanh chóng nắm bắt, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền.

 

([1]) Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

([2]) Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

([3]) Quyết định số 08/2022/QĐTTg ngày 28/3/2022 của Thủ Tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

([4]) Quyết định số 112/QĐ-KTNN ngày 11/02/2022 của Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán chuyên đề huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ.

([5]) Quyết định số 1191/QĐ-LĐTBXH ngày 21/10/2021 của Bộ LĐYBXH về thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

([6]) Quyết định số 286/QĐ-TTr ngày 07/7/2021 của Bộ LĐTBXH của Thanh tra Bộ LĐTBXH về việc  thanh tra việc thực hiện Nghị quyêt số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

([7]) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng, phát hành 30 tin, bài, phóng sự; Báo Thanh Hóa đã xây dựng phát hành 85 tin, bài; Sở LĐTBXH đã thiết lập chuyên mục “Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống” trên Trang Thông tin điện tử của Sở  với 18 tin, bài liên quan đến triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về những kết quả triển khai thực hiện chính sách.

Chi tiết văn bản xem tại đây./.


Đỗ Nhất
Nguồn tin: Văn phòng Sở

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.