THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH - XÃ HỘI
   

Một số nội dung về tuyên truyền miệng trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Ngày tạo:  07/05/2023 16:21:43
Tuyên truyền miệng là hình thức mà người nói trực tiếp nói với người nghe về lĩnh vực pháp luật có mặt trong nhiều hình thức theo quy định của pháp luật, như họp báo, tham gia thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị, hòa giải ở cơ sở.... có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

       Tại Điều 11, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 có quy định về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có các hình thức như: Họp báo, thông cáo báo chí. Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật. Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở. Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở. Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.

      * Trong các hình thức tuyên truyền ấy, thì tuyên truyền miệng là hình thức mà người nói trực tiếp nói với người nghe về lĩnh vực pháp luật có mặt trong nhiều hình thức theo quy định của pháp luật, như họp báo, tham gia thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị, hòa giải ở cơ sở.... có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, và góp phần đem lại hiệu quả trọng công tác truyền tải pháp luật vào cuộc sống.

      Tuyên truyền miệng về pháp luật là một hình thức tuyên truyền mà người nói trực tiếp nói với người nghe về lĩnh vực pháp luật trong đó chủ yếu là phổ biến, giới thiệu các quy định pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghe, hướng cho người nghe hành động theo các chuẩn mực pháp luật.

     Tuyên truyền miệng pháp luật có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhiều hình thức tuyên truyền khác; lồng ghép với các hình thức tuyên truyền khác và là một bộ phận quan trọng trong tổng thể các hình thức tuyên truyền pháp luật. Điều đó được thể hiện như sau:

     - Tuyên truyền miệng là một công đoạn không thể thiếu trong phần lớn các hình thức tuyên truyền pháp luật. Ví dụ: Tuyên truyền pháp luật thông qua công tác hòa giải ở cơ sở thì hòa giải viên vẫn phải trực tiếp nói cho người được hòa giải về các nội dung pháp luật có liên quan.

     - Tuyên truyền miệng pháp luật là hình thức chủ yếu được thực hiện thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật; là biện pháp chủ yếu của phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo nói, báo hình, qua mạng lưới truyền thanh cơ sở.

     - Trong việc thực hiện tuyên truyền miệng pháp luật, báo cáo viên phải sử dụng lồng ghép với các hình thức tuyên truyền pháp luật khác, ví dụ như: trước khi tuyên truyền, báo cáo viên cần phải biên soạn đề cương mà giá trị của nó được coi như là tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật; trong khi tuyên truyền miệng, báo cáo viên sử dụng các hình ảnh minh họa có giá trị như là tuyên truyền thông qua tranh ảnh trực quan.

      - Tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền linh hoạt, có nhiếu ưu thế, có thể tiến hành ở bất cứ nơi nào, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào với số lượng người nghe không bị hạn chế. Khi thực hiện việc tuyên truyền miệng, người nói có đủ điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích, sáng tỏ nội dung cần tuyên truyền.

      * Về quy mô và đối tượng của tuyên truyền miệng pháp luật

     Quy mô của tuyên truyền miệng pháp luật rất đa dạng. Có thể tổ chức dưới dạng hội nghị, lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề thu hút nhiều người nghe hoặc có thể tổ chức dưới hình thức tuyên truyền miệng cá biệt chỉ có một hoặc vài ba người.

     Đối tượng của tuyên truyền miệng rất phong phú cho đủ mọi thành phần: cán bộ, trí thức, công nhân, nông dân, doanh nhân, phụ nữ, người cao tuổi, thanh thiếu niên...Như vậy, đối tượng của tuyên truyền miệng là bất cứ người nào trong xã hội đang cần được tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

     Trên cơ sở 3 tiêu chí chính: Đối tượng, quy mô và không gian, người nói cần lưu ý nghiên cứu tâm lý người nghe trong các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi họp, các buổi tuyên truyền cá biệt

     * Kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hình thức tuyên truyền miệng

      Gây thiện cảm ban đầu cho người nghe: Việc gây thiện cảm ban đầu cho người nghe rất quan trọng. Thiện cảm ban đầu thể hiện ở nhân thân, tâm thế và biểu hiện của người nói khi bước lên bục tuyên truyền, ở danh tiếng, phẩm chất đạo đức, học hàm, học vị, chức vụ của người nói. Thiện cảm ban đầu còn được tạo ra bởi khung cảnh của hội trường, khung cảnh của diễn đàn, dáng vẻ bề ngoài, y phục, nét mặt, cử chỉ, phong thái, lời giao tiếp ban đầu. Như vậy, báo cáo viên cần phải tươi cười bao quát hội trường, có lời chào mừng, chúc tụng, có câu mở đầu dí dỏm, hài hước, công bố thời gian, chương trình làm việc rõ ràng, thoải mái... sẽ gây được thiện cảm ban đầu đối với người nghe. Thế nhưng, thiện cảm ban đầu chủ yếu là ở cách đặt vấn đề đầu tiên của người nói. Trong những phút đầu tiên của bài giới thiệu, người nói phải nêu được khoảng từ 3, 4 vấn đề chủ yếu mà người nghe cần tìm hiểu nhất. Việc nêu các vấn đề đó còn tuỳ thuộc ở khả năng thuyết trình của báo cáo viên. Báo cáo viên có thể bắt đầu từ một câu chuyện pháp luật được các phương tiện thông tin đại chúng nói đến nhiều thời gian qua hoặc có thể bắt đầu từ một bộ phim đã chiếu khá phổ biến hoặc cũng có thể bằng các tình huống xảy ra gần địa bàn nơi tổ chức tuyên truyền... 

      Tạo sự hấp dẫn, gây ấn tượng trong khi nói: Nghệ thuật tuyên truyền là tạo nên sự hấp dẫn, gây ấn tượng bằng giọng nói, điệu bộ, ngôn ngữ. Giọng nói phải rõ ràng, mạch lạc nhưng truyền cảm. Hết sức tránh lối nói đều đều. Giọng nói, âm lượng phải thay đổi theo nội dung và nhấn mạnh vào những điểm quan trọng, cần phải chú ý. Động tác, cử chỉ cần phải phù hợp với nội dung và giọng nói để nâng cao hiệu quả tuyên truyền của lời nói. Sắc thái có tác dụng truyền cảm rất lớn. Vẻ mặt của người nói cần thay đổi theo diễn biến của nội dung. Khi nói, cần chú ý nhìn vào một nhóm người ngồi dưới, thỉnh thoảng người nói cần thay đổi vị trí nhìn để tạo sự chú ý của cử tọa. Người nói cần đưa ra số liệu, sự kiện để minh hoạ, đặt câu hỏi để tăng thêm sự chú ý của người nghe. 

Người nói cũng cần phát huy vai trò thông tin, truyền cảm của ngôn ngữ bằng cách sử dụng chính xác, đúng mực thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành và ngôn ngữ phổ thông. Người nói có thể kết hợp, lồng ghép, sử dụng hợp lý, chính xác ý tứ, ngôn từ trong kinh điển, thơ văn, ca dao, dân ca vào buổi tuyên truyền pháp luật để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục đối với người nghe.

      Bảo đảm các nguyên tắc sư phạm trong tuyên truyền miệng: Người nói cần tôn trọng các nguyên tắc sư phạm. Từ bố cục bài nói, diễn đạt các đoạn văn, liên kết giữa các đoạn văn đến cách nói đều phải rõ ràng, mạch lạc, lôgic. Người nghe cần được dẫn dắt từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ gần đến xa (phương pháp suy diễn) hoặc từ xa đến gần (phương pháp quy nạp) và tuỳ từng vấn đề mà dùng lý luận soi sáng cho thực tiễn hoặc từ thực tiễn mà đi sâu vào lý luận. Mục đích cuối cùng vẫn là để người nghe hiểu rõ hơn, toàn diện hơn về những vấn đề mà người nói đã nêu ra. Tuy nhiên dù phân tích, diễn giải rộng hay hẹp đều phải luôn bám sát trọng tâm của vấn đề.

       Sử dụng phương pháp thuyết phục trong tuyên truyền miệng: Tuyên truyền miệng về pháp luật chủ yếu dùng phương pháp thuyết phục với ba bộ phận cấu thành là chứng minh, giải thích và phân tích.

       - Chứng minh là cách thuyết phục chủ yếu dựa vào các dẫn chứng xác thực, khách quan để làm sáng tỏ và xác nhận tính đúng đắn của vấn đề. Các dẫn chứng đưa ra gồm số liệu, sự kiện, hiện tượng, nhân chứng, danh ngôn, kinh điển. Để có sức thuyết phục, các dẫn chứng được đưa ra phải chính xác, tiêu biểu, toàn diện và sát hợp với vấn đề nêu ra.

       - Giải thích là việc dùng lý lẽ để giảng giải giúp người nghe hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề. Lập luận trong khi giải thích phải chặt chẽ, chính xác, mạch lạc, khúc triết, không ngụy biện.

        - Phân tích là diễn giải, đánh giá vấn đề nhằm tìm được đặc điểm, bản chất, điểm mạnh, điểm yếu, điểm tốt, điểm xấu, sự phù hợp, không phù hợp... của vấn đề. Việc phân tích phải dựa trên cơ sở khoa học, không được cường điệu mặt này hay hạ thấp mặt kia. Sau khi phân tích phải có kết luận, đánh giá, hướng người nghe vào định hướng tư duy đúng đắn, không làm cho người nghe hoài nghi, dao động, hoang mang.

      Bước chuẩn bị, Gồm 5 nội dung chính sau đây:

     - Nắm vững đối tượng phổ biến; 

     - Nắm vững vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh; 

     - Nắm vững nội dung văn bản;

     - Sưu tầm tài liệu dẫn chứng, minh họa;

     - Chuẩn bị đề cương tuyên truyền miệng (bao gồm đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết).

     Tiến hành một buổi phổ biến pháp luật trực tiếp

     - Vào đề: Là phần giới thiệu vấn đề, định hướng tư duy, khơi gợi nhu cầu của đối tượng, thiết lập quan hệ giữa người nói với người nghe. Với tuyên truyền miệng về pháp luật, cách vào đề có hiệu quả thường là gợi ra nhu cầu tìm hiểu ý nghĩa, sự cần thiết phải ban hành văn bản pháp luật. Báo cáo viên có thể bắt đầu từ một câu chuyện pháp luật được các phương tiện thông tin đại chúng nói đến nhiều thời gian qua; có thể bằng các tình huống xảy ra gần địa bàn nơi tổ chức tuyên truyền hoặc một câu chuyện có liên quan mà tình cờ báo cáo viên biết được qua trao đổi trước buổi tuyên truyền với một số người nghe... 

     - Nội dung: Là phần chủ yếu của buổi nói, làm cho đối tượng hiểu, nắm được nội dung, chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức pháp luật cho đối tượng. Cần lưu ý là phải nêu được những điểm mới, thời sự để người nghe chú ý; khi tuyên truyền không được sao chép, đọc nguyên văn văn bản để tránh sự nhàm chán. Khi giảng cần phân tích, giải thích và nêu ý nghĩa của văn bản pháp luật đó. Viết, đọc một đoạn nào đó trong văn bản chỉ có tính chất dẫn chứng, minh họa những gì mà người nói đã phân tích, dẫn chứng ở trước.

      Trong tuyên truyền văn bản phải chú ý tới hai điều, đó là: lựa chọn cách trình bày phù hợp với đối tượng và nêu được vấn đề cơ bản, cốt lõi, trọng tâm để người nghe thâu tóm được tinh thần văn bản. Sử dụng hợp lý kênh ngôn ngữ (nói) và kênh phi ngôn ngữ (cử chỉ, động tác).

     - Phần kết luận: Là phần người nói thường điểm lại và tóm tắt những vấn đề cơ bản đã tuyên truyền. Tùy từng đối tượng mà nêu những vấn đề cần lưu ý đối với họ. Trong phần này, người nói sau khi đã phân tích, diễn giải cần phải tóm tắt lại những nội dung chính của buổi tuyên truyền miệng và những vấn đề cần lưu ý. Tuy nhiên với mỗi một đối tượng khác nhau sẽ có cách thức tóm tắt khác nhau căn cứ vào nhu cầu, lĩnh vực công tác của đối tượng.

     Tuyên truyền miệng về pháp luật là hình thức tuyên truyền mà đặc trưng chính là dùng lời lẽ trực tiếp truyền đạt nội dung pháp luật cho người nghe. Tuyên truyền miệng chủ yếu được thực hiện thông qua các hội nghị, hội thảo, toạ đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu văn bản pháp luật mới, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật. Tuyên truyền miệng có nhiều ưu thế, đặc biệt là tính linh hoạt, có thể tiến hành ở bất cứ địa điểm nào, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào với số lượng người nghe bao nhiêu. Do đây là hình thức PBGDPL trực tiếp nên người nói có điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích, người nghe có cơ hội trao đổi, thảo luận, hỏi thêm những điều chưa rõ. Đây là một trong những cách thức để thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật được hiệu quả. đáp ứng nhu cầu truyền tải thông tin cũng như tiếp cận thông tin trong giai đoạn hiện nay./.


Cao Phong

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.