THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH - XÃ HỘI
   

Những kết quả ban đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  18/07/2023 09:21:32
Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, trong đó, đã quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao cho địa phương tại Nghị quyết số 33/NQ-CP.

    Chính phủ đánh giá năm 2022, là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. Mặc dù vậy, dưới sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, địa phương; sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…

    Thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, trong năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản của thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển; một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để, như: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số tồn tại, bất cập; nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến nguồn cung bất động sản; nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp; trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ngày 11 tháng 3 năm 2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó chính phủ đã chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế, phát triển nhà ở xã hội, chỉ đạo về nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp, thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện….

    Nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP trong thời gian qua Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 6054/UBND-CN ngày 04/5/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP; trong đó, đã quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao cho địa phương tại Nghị quyết số 33/NQ-CP.

    Một số công việc cụ thể đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn như:

    Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa lập danh mục các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2023, giao các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (các đơn vị được giao chủ trì đấu mối, theo dõi) định kỳ chậm nhất ngày 15 của tháng cuối Quý và tháng 11 năm 2023 báo cáo về tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, nguyên nhân và đề xuất các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với từng dự án.

  Thường xuyên tổ chức các cuộc họp để thảo luận, bàn biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

  Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 7593/UBND-CN ngày 01/6/2023 chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; trong đó, yêu cầu nhà đầu tư các dự án sử dụng đất trên địa bàn: (i) Tập trung nguồn lực (thiết bị, vật tư, nhân lực) để hoàn thành đầu tư dự án theo đúng tiến độ đã được chấp thuận, hợp đồng ký kết; (ii) Định kỳ hàng quý, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện dự án về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp huyện, Bên mời thầu, Cơ quan được giao theo dõi tiến độ thực hiện dự án theo đúng quy định. Trường hợp dự án chậm tiến độ không phải nguyên nhân khách quan (nguyên nhân chủ quan của nhà đầu tư), Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cương quyết xử lý trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện dự án, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu giải quyết đề xuất theo đề nghị của các đơn vị, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; 

  Tập trung xử lý, tháo gỡ cho các dự án có khó khăn, vướng mắc như: Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; Khu đô thị mới Hoằng Quang - Hoằng Long; Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn.

  Về triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”: Hiện nay, UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện dự thảo, trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.

    Về rà soát, tổ chức triển khai việc lập, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch phân khu, để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường: Hiện nay, Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát việc điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 nhằm cụ thể hoá Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040 (theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7119/UBND-CN ngày 24/5/2023) để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn, tổ chức triển khai việc lập, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch phân khu tại các địa bàn: Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Quảng Xương, huyện Thọ Xuân, ...

   Tiếp tục tăng cường theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, tình trạng tung tin đồn thổi, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi, mất cân đối cung - cầu và đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường. Về việc tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở: Tính đến ngày 30/6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 đối với 12 huyện: Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Như Xuân, Như Thanh, Quảng Xương, Yên Định và thị xã Nghi Sơn. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 đối với 05 huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Như Xuân và Yên Định.

  Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành thu ngân sách nhà nước năm 2023; Kết quả thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất 06 tháng đầu năm 2023: Đã tổ chức đấu giá 109 mặt bằng (dự án), diện tích đất đã đấu giá là 20,4 ha, số tiền sử dụng đất thu được 1.440 tỷ đồng. Đến nay, Sở Tài nguyên và môi trường tiếp tục đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB và đầu tư hạ tầng đối với các dự án có trong danh mục đấu giá quyền sử dụng đất 2023 để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.

   Tiến độ thực hiện xác định giá đất cụ thể đối với các giao đất thực hiện dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau: 

  - Đang trình UBND tỉnh phê duyệt 05 dự án, bao gồm: (1) Khu đô thị núi Long kết hợp với khu tái định cư phục vụ GPMB đường vành đai Đông Tây - Đợt 1; (2) Khu đô thị núi Long kết hợp với khu tái định cư phục vụ GPMB đường vành đai Đông Tây - Đợt 4; (3) Nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng của Công ty Bắc Miền Trung; (4) Nhà ở xã hội (Khu dân cư Tân Thành ECO 3) của Công ty TNHH Tân Thành 1; (5) Rà soát nghĩa vụ tài chính Khu đô thị Xanh - Khu Nam trung tâm thành phố Thanh Hóa tại phường Đông Vệ và phường Lam Sơn. 

  - Đang trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định 08 dự án, bao gồm: (1) Khu dân cư thương mại và Chợ Vực (giai đoạn 2); (2) Nhà ở công nhân Khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long tại phường Tào Xuyên, thành phố  Thanh Hóa; (3) Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng; (4) Khu đô thị mới thuộc dự án số 4 Khu đô thị mới Trung tâm thành phố Thanh Hoá - Đợt 1; (5) Khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam - Đợt 3; (6) Rà soát nghĩa vụ tài chính nộp bổ sung do quy định khu vực bán nền dự án Khu dân cư Quảng Phú; (7) Khu chung cư dành cho người thu nhập thấp, tại Khu dân cư phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa; (8) Khu đô thị mới thuộc dự án số 4 Khu đô thị mới Trung tâm thành phố Thanh Hoá - Đợt 2; 

  - Đang đôn đốc đơn vị tư vấn xác định giá đất 05 dự án, bao gồm: (1) Khu dân cư phố Chợ tại khu nội thị số 2 - Tây Quốc lộ 1A, thị xã Bỉm Sơn (giai đoạn 1); (2) Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí nam sông Mã và dự án Khu đô thị Quảng trường biển Sầm Sơn; (3) Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa, tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân; (4) Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương; (5) Khu dân cư mới thôn Minh Thịnh tại xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc; 

  - Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục đẩy nhanh việc xác định giá đất cụ thể các dự án được giao đất, cho thuê đất, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất làm cơ sở để cơ quan thuế thông báo thu nộp ngân sách theo quy định; đồng thời, đang tổ chức thực hiện theo đúng quy định của UBND tỉnh tại Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND ngày 22/02/2022 và Quyết định số 44/2022/QĐ-UBND ngày 09/9/2022 về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách diện tích đất thuộc thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại.

    Với kết quả ban đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đúng quan điểm quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững; Quy hoạch, đầu tư phát triển hệ sinh thái bất động sản công nghiệp, bất động sản dịch vụ, du lịch và bất động sản nhà ở đô thị để hài hòa giữa cung và cầu; nhà ở phải có người ở, muốn có người ở thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ; Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường bất động sản đi đôi với kiểm soát rủi ro; coi trọng việc giám sát, điều tiết thị trường; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ cán bộ, những người làm đúng; Hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến phát triển thị trường bất động sản đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp; Phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán,… dành cho bất động sản một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, chắc chắn, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; Huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội; Tôn trọng và tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, lĩnh vực bất động sản bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Giá cả bất động sản phải phù hợp quy luật thị trường, là động lực để thúc đẩy phát triển, theo tinh thần chính phủ đưa ra đáp ứng mục tiêu trên tinh thần chỉ đạo. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023, Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa./.


Lâm Anh

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.