THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH - XÃ HỘI
   

Kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới 06 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  19/07/2023 16:56:42
Trong 06 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đưa mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới lồng ghép thực hiện trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Các ngành, các cấp chính quyền đã chú trọng và thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Cấp tỉnh

- Thực hiện Công văn số 912/LĐTBXH-BĐG ngày 16/3/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2023 và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 3577/UBND-VX ngày 21/3/2023 về việc hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2023; để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các quy định của Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, kế hoạch, đề án về thúc đẩy bình đẳng giới, Sở LĐTBXH đã ban hành Công văn số 1183/SLĐTBXH-TEBĐG ngày 29/03/2023 hướng dẫn các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác bình đẳng giới năm 2023, trong đó: hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới theo các kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành; đẩy mạnh thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; bố trí kinh phí triển khai các hoạt động về bình đẳng giới; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ.

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Sở LĐTBXH đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-SLĐTBXH ngày 23/02/2023 về việc triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới năm 2023; Kế hoạch số 39/KH-SLĐTBXH ngày 24/02/2023 về việc triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được giao của sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025Bên cạnh đó các sở, ngành, cơ quan đơn vị đã lồng ghép nội dung, hoạt động, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch của sở, ngành, cơ quan, đơn vị như: 

+ Sở Nội vụ đã ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 243/KH-UBND về việc tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

+ Sở Y tế đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

+ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép triển khai các mục tiêu bình đẳng giới với Chương trình hành động quốc gia, phòng chống bạo lực gia đình; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

+ Sở Tư pháp đã chú trọng thực hiện công tác bình đẳng giới và lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hòa giải cơ sở, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật.

+ Ban Dân tộc tỉnh lồng ghép tuyên truyền bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ vào Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”, năm 2023; kế hoạch triển khai các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định 1719/QĐTTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định 1719/QĐTTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cấp huyện

UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh với các mục tiêu, nội dung hoạt động cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó: phân công cụ thể trách nhiệm của các phòng, cơ quan, đơn vị và UBND các xã, phường, trị trấn nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra; lồng ghép các nội dung, hoạt động, nhiệm vụ liên quan đến bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện thúc đẩy việc làm bền vững, an sinh xã hội cho phụ nữ, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Đ/c Trần Văn Hùng - PGĐ Sở LĐTBXH phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

Thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Để triển khai có hiệu quả công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ với các hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hội nghị, hội thảo, sản xuất các sản phẩm, chương trình truyền thông. Một số hoạt động thông tin, truyền thông nổi bật trên địa bàn tỉnh như sau: 

- Sở LĐTBXH tổ chức 12 lớp truyền thông gắn tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho 960 cán bộ và người dân tại các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Nông Cống, Như Thanh và Quảng Xương; 03 lớp truyền thông gắn tập huấn trang bị kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở cho học sinh 03 trường THPT triển khai thực hiện mô hình “Truyền thông, tư vấn về bình đẳng giới cho thanh niên” tại các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Lang Chánh. 

- Sở Tư pháp biên soạn, phát hành bản tin tư pháp (có nhiều nội dung về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ) để cấp phát cho UBND của 559 xã, phường, thị trấn và thành viên Hội đồng phối hợp giáo dục pháp luật cấp tỉnh, huyện; phát hành tờ gấp pháp luật có lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới để cấp phát miễn phí cho người dân nhằm tuyên truyền chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý (thuộc Sở Tư pháp) phối hợp với Báo Thanh Hóa xây dựng chuyên mục thông tin về trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; Biên soạn và cấp phát 2.000 tờ gấp pháp luật về các quy định về trợ giúp pháp lý, trong đó đã lồng ghép giới thiệu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, quyền được bảo vệ của nạn nhân khi bị bạo lực giới.

- Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đã tổ chức được 10 hội nghị với 1.330 đại biểu tham gia Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, nội dung tập trung về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình v.v… 

- Sở Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép trang bị kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong 08 cuộc hội nghị triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức pháp luật tới cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành nhằm tích hợp nội dung giáo dục về giới, giới tính, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lục trên cơ sở giới vào chương trình giáo dục chính khóa, ngoại khóa trong nhà trường để giáo dục học sinh phù hợp với từng cấp học.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình truyền thông thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; chỉ đạo Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hoá xây dựng các vở kịch ngắn, tiểu phẩm, chiếu phim lưu động với nội dung thông tin, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. 

- Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng của tỉnh dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang phù hợp để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Đồng thời đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động về thông tin, báo chí, thông tin trên mạng Internet về bình đẳng giới.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 243 sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản, vấn đề về giới và xây dựng môi trường sống an toàn cho hơn 35.000 hội viên phụ nữ, nhân dân và trẻ em tại cộng đồng; tổ chức Diễn đàn “Phòng, chống xâm hại trẻ em”; tổ chức hội nghị tư vấn pháp luật phòng chống, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, lồng ghép phiên tòa giả định xử lý vụ án “xâm hại trẻ em dưới 16 tuổi”; phối hợp với Trại giam Thanh Phong, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Trại giam số 5 nói chuyện chuyên đề “Chọn một con đường, chọn một lối đi” cho 800 phạm nhân nữ v.v…

- Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đã tuyên truyền các hoạt động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ phong phú, đa dạng với các chuyên đề: “Phụ nữ tìm hiểu với pháp luật”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Chăm sóc sức khỏe sinh sản”, “CLB Hạnh phúc gia đình”, “CLB Phụ nữ với pháp luật”, “CLB Gia đình phát triển bền vững”. Những bài tuyên truyền nổi bật như: “Phụ nữ Thanh Hóa đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ”, “Phụ nữ Thanh Hóa phát triển nghề”, “Phụ nữ Thanh Hóa tham gia bảo vệ môi trường”, “Phụ nữ Thanh Hóa phát triển kinh tế tập thể”, “Truyền thông về an toàn thực phẩm với chủ đề “Kinh nghiệm về kiến thức dinh dưỡng cho bà mẹ và người chăm sóc trẻ”, “Hạnh phúc cho mọi người”, “Phát huy truyền thống phụ nữ trên quê hương Bà Triệu” v.v... Hoạt động thông tin, tuyên truyền được triển khai mạnh mẽ, phù hợp với tình hình thực tế, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, bạo lực giới, coi trọng vai trò của người phụ nữ và nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh bị xâm hại cho phụ nữ, từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ; đẩy mạnh việc phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ.

- Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”; sản xuất 02 video tuyên truyền trên Trang truyền thông Công đoàn Thanh Hóa với nội dung tư vấn, chăm sóc, sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân lao động trong các doanh nghiệp; biên soạn và cấp phát 47.000 tờ rơi về “Một số điều cần biết về quyền của lao động nữ tại doanh nghiệp trong đối thoại, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể” cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. 

- Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội, với nhiều hình thức như: tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, đối thoại về các giải pháp tăng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, sự tham gia của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, chia sẻ công việc nhà v.v…

- Các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tuyên truyền như treo băng-rôn, pa-nô, áp-phích khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới v.v... Các hoạt động đã tạo hiệu quả tích cực, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hệ thống đài truyền hình, truyền thanh cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở đã tập trung thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và phòng ừng, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Các giải pháp thực hiện mục tiêu trong lĩnh vực chính trị (Mục tiêu 1)

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã tích cực tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó: chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh v.v…

- Các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm rà soát, bổ sung cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo, cán bộ trong nguồn quy hoạch giai đoạn 2021-2025; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ theo lộ trình phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, chú trọng việc phát triển đảng viên nữ, phát hiện đội ngũ cán bộ nữ trẻ có năng lực đảm bảo cho nguồn quy hoạch các chức danh giai đoạn 2026-2030 nhằm giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, số lượng cán bộ nữ tham gia cấp ủy, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính nhà nước ở tất cả các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước, có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạch định, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Các giải pháp thực hiện mục tiêu trong lĩnh vực kinh tế, lao động (Mục tiêu 2)

Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện. Cụ thể:

- Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 v.v…), từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời, tiếp tục chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong đó ưu tiên cho những hộ do phụ nữ làm chủ hộ.

- Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm[1]với 261 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 14.670 người lao động tham gia tuyển dụng; qua đó đã kết nối việc làm thành công cho 1.436 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề. Tổ chức, hướng dẫn 7.330 lao động[2] hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc và đăng ký dự thi tiếng Hàn lần thứ nhất năm 2023 theo chương trình EPS. Đến nay, toàn tỉnh ước tạo việc làm cho 30.550 lao động (đạt 52,7% kế hoạch năm và bằng 103% so với cùng kỳ năm trước); trong đó: đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 5.612 lao động.

- Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho phụ nữ”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 05 lớp tập huấn nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh và xây dựng các ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp cho 250 hội viên; tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ cho 100 hội viên là thành viên các mô hình kinh tế; tổ chức các cuộc thi “sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp”, “Phụ nữ khởi nghiệp”; tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp - Kết nối kinh doanh” nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện để cán bộ nữ phát huy vai trò của mình trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, được tiếp cận khoa học kỹ thuật mới và công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã hỗ trợ 231 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, thành lập 10 doanh nghiệp, 03 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình do phụ nữ làm chủ là 361 mô hình.

- Các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển doanh nghiệp của tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, nhiều doanh nghiệp lớn được đầu tư thành lập mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất, nên có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh. Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nữ được tạo việc làm và có thu nhấp ổn định.

Các giải pháp thực hiện mục tiêu trong lĩnh vực đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Mục tiêu 3)

- Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã và đang được triển khai thực hiện để nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình ở những địa bàn, lĩnh vực còn tình trạng bất bình đẳng giới hoặc có nhiều nguy cơ xảy ra bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể:

+ Sở LĐTBXH đã triển khai các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, cụ thể như: mô hình “Truyền thông tư vấn về bình đẳng giới cho thanh niên và vị thành niên” tại các Trường THPT trên địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc và Lang Chánh; mô hình “Thành phố/Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân và thành phố Sầm Sơn; triển khai mô hình “Cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Bảo trợ xã hội số 2; mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” tại Trung tập Cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội triển khai thực hiện kịp thời các hoạt động hỗ trợ, can thiệp trợ giúp đối với nạn nhân bị bạo lực, xâm hại[1]; phối hợp và hướng dẫn các huyện tiếp tục triển khai các mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh”. Thông qua việc thực hiện các mô hình giúp người dân tại cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới; kỹ năng tự kiểm soát bản thân và phòng tránh bạo lực; tạo cơ hội để các nạn nhân bị bạo lực được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng dân cư.

+ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 03 mô hình thí điểm gồm: “Tổ truyền thông cộng đồng” tại thôn Giỏi, xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc; “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn; mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Ngay sau khi thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành cho Ban điều hành các mô hình và các thành viên trong mô hình, tập trung vào các nội dung về Bình đẳng giới, thay đổi định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, phòng chống xâm hại, phòng chống bạo lực gia đình. Xây dựng tài liệu hướng dẫn vận hành mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” “Địa chỉ tin cậy”, “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Chỉ đạo thành lập và duy trì 123 tổ truyền thông cộng đồng với 335 thành viên tham gia; 31 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng có 1.150 thành viên tham gia; 19 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” có 570 thành viên tham gia; cung cấp các trang thiết bị cho 150 mô hình với số tiền gần 600 triệu đồng.

+ Các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện tốt mô hình và các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Kết quả: 100% xã, phường, thị trấn đã lựa chọn địa điểm và xây dựng “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” trong đó có 465 “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tư vấn, trợ giúp nạn nhân của các vụ bạo lực giới; phát triển, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Câu lạc bộ Nam giới tiên phong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái góp phần nâng cao nhận thức cho người dân tại cộng đồng, từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới theo kế hoạch đề ra.

Các giải pháp thực hiện mục tiêu trong lĩnh vực y tế (Mục tiêu 4)

Ngành Y tế đã phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông trong gia đình, nhà trường và cộng đồng với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở y tế quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi hoặc cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi dưới bất kỳ hình thức nào. 

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh (thuộc Sở Y tế) phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động nhằm giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên như: tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho đối tượng là vị thành niên nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, giảm tình trạng mang thai, nạo thai ngoài ý muốn ở lứa tuổi vị thành niên.

Các cơ sở y tế tại các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý thai nghén; chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trước, trong và sau sinh; thường xuyên tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ mang thai ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ động đến cơ sở y tế khám, theo dõi sức khỏe phát hiện các yếu tố nguy cơ, đến cơ sở y tế khám thai định kỳ, lựa chọn nơi sinh an toàn; tuyên truyền vận động nam giới tham gia vào việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Các giải pháp thực hiện mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (Mục tiêu 5)

- Nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục đã xây dựng và triển khai chương trình đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nội dung về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh.

- Sở LĐTBXH đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề; tích cực đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tích cực tham mưu rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm; trong 06 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước tuyển sinh cho 30.083 người.

Các giải pháp thực hiện mục tiêu trong lĩnh vực thông tin, truyền thông (Mục tiêu 6)

- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Sở LĐTBXH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các huyện thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới góp phần xóa bỏ các quan niệm, tư tưởng lạc hậu, định kiến giới. 

- Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo cơ quan báo chí, đài truyền thanh cấp huyện tuyên truyền và có các chuyên mục về bình đẳng giới; phòng, ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới , tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng tuyên truyền về bình đẳng giới trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2030 và sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

- Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh, đài truyền hình, truyền thanh cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở đã dành thời lượng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; xây dựng các chương trình, chuyên mục, chuyên trang có nội dung về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự tuyên truyền về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới; kiểm duyệt chặt chẽ các nội dung, hình ảnh, chương trình quảng cáo trước khi phát sóng. 

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

- Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh có 972 cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp, cụ thể: cấp tỉnh có 07 người (trong đó có 02 người làm chuyên trách); cấp huyện có 105 người (trong đó có 03 người làm chuyên trách); cấp xã có 860 người (trong đó có 8 người làm chuyên trách).

- Công tác nâng cao năng lực và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về giới, bình đẳng giới và phòng, ngừa, ứng phó với bao  lực trên cơ sở giới cho đôi ngũ cán bộ, công tác viên làm công tác bình đẳng giới các cấp được quan tâm triển khai thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể:

+ Sở LĐTBXH đã tổ chức 04 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho 280 người là cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới cấp xã với nội dung về quản lý nhà nước trong công tác bình đẳng giới; phân tích giới và lồng ghép giới trong các vấn đề phát triển kinh tế xã hội của địa phương; 01 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho 70 cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. 

+ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 183 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 8.170 thành viên các mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy”, mô hình “Tổ Truyền thông cộng đồng”, cán bộ nữ dân tộc thiểu số các cấp gồm cán bộ nữ trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ nữ mới bổ nhiệm, cán bộ nữ mới trúng cử lần đầu; kiến thức về bình đẳng giới; hướng dẫn triển khai thưc hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn; kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, và người có uy tín trong cộng đồng; kiến thức, kỹ năng về quản lý, điều hành mô hình, kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em v.v...

+ Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tập huấn, lồng ghép nội dung về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Bố trí kinh phí

- Kinh phí thực hiện công tác bình đẳng giới; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (thông qua Sở LĐTBXH) là 1.373.000.000 đồng, trong đó: kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023 là 1.200.000.000 đồng; kinh phí công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là 173.000.000 đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh Thanh Hóa.

- Kinh phí thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Nguồn ngân sách Trung ương bổ sung cho tỉnh thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) là 6.500.000.000 đồng. 

- Kinh phí thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chủ yếu được lồng ghép thực hiện trong hoạt động công tác của ngành, đơn vị.

- Kinh phí thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh là 420.000.000 đồng.

Thanh tra, kiểm tra

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp.

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và không cấp phép xuất bản ấn phẩm vi phạm quy định về bình đẳng giới; phối hợp, đề xuất xử lý nghiêm các hoạt động thông tin, các sản phẩm văn hóa, các hoạt động vui chơi, giải trí có nội dung định kiến giới, phân biệt đối xử về giới.

Hợp tác quốc tế

Phối hợp với Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) quản lý và vận hành mô hình Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp dịch vụ một cửa toàn diện hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo nhằm đảm bảo mục tiêu các dịch vụ cung cấp các dịch vụ tích hợp gồm y tế, xã hội, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp lý, công an, tạm lánh khẩn cấp và liên hệ chuyển tuyến.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Kết quả thực hiện

Tình hình thực hiện Mục tiêu 1 (trong lĩnh vực chính trị)

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 417/1.194 cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếu tỷ lệ 35,52% trong đó: có 05/17 các sở, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ (có 02 giám đốc Sở và 03 phó giám đốc sở); 19/54 cơ quan chính quyền địa phương cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 35,2%; 398/1.118 cơ quan chính quyền địa phương cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 35,6%.

Tình hình thực hiện Mục tiêu 2 (trong lĩnh vực kinh tế, lao động)

- Theo thống kế từ các huyện, thị xã, thành phố có 488.215 nữ lao động làm công hưởng lương đạt tỷ lệ là 48,94%.

- Ước tính tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm là 40,37%.

- Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2023 có 1.200 doanh nghiệp/hợp tác xã có nữ làm giám đốc/chủ doanh nghiệp đạt 40%.

Tình hình thực hiện Mục tiêu 3 (trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới)

- Chỉ tiêu giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ được công bố 5 năm/lần (nguồn số liệu từ điều tra thống kê) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thu thập và báo cáo số liệu, do đó 6 tháng năm 2023 chưa thống kê được chỉ tiêu này. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích sơ bộ từ Điều tra lao động việc làm năm năm 2022 (do Tổng cục Thống kê tổ chức điều tra), trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa số giờ trung bình một ngày làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ gấp 1,68 lần so với nam giới, giảm 0,82 lần so với năm 2021 (phụ nữ làm trung bình 16,9 giờ/tuần, nam giới làm 10,08 giờ/tuần).

- Tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là 83%, tăng 01% so với năm 2022 (năm 2022 là 82%).

-Tỷ lệ người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn là 83%, tăng 01% so với năm 2022 (năm 2022 là 82%); tỷ lệ nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng là 100%.

- Tỷ lệ cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là 50%.

Tình hình thực hiện Mục tiêu 4 (trong lĩnh vực y tế)

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống) là 112,5/100 giảm 0,9 so với năm 2022 (năm 2022 là 113,5 số trẻ em trai/100 trẻ em gái); tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản/100.000 trẻ sinh sống là 0/100.000; tỷ suất sinh ở vị thành niên/1.000 phụ nữ là 27,29/1.000; trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Tình hình thực hiện Mục tiêu 5 (trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo)

- Nội dung về giới, bình đẳng giới đã được vào chương trình giảng dạy cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông về bình đẳng giới vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm.

- Tỷ lệ trẻ em trai dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học là 95,51%; tỷ lệ trẻ trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học là 95,72%; tỷ lệ trẻ em trai dân tộc thiểu số hoàn thành cấp trung học cơ sở là 99,14%; tỷ lệ trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành cấp trung học cơ sở là 99,5%.

- Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp là 43%, tăng 03% so với năm 2022.

- Tỷ lệ nữ thạc sĩ là 48,2 giảm so với năm 2022 là 5,3% (Năm 2022 là 53,5%); tỷ lệ nữ tiến sĩ là 30,01% giảm so với năm 2022 là 3,79% (Năm 2022 là 33,8%)

Tình hình thực hiện Mục tiêu 6 (trong lĩnh vực thông tin, truyền thông)

- Tỷ lệ dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới là 67%, tăng 2% so với cùng kỳ.

- Tỷ lệ tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới là 90%, tăng 5% so với năm 2022.

- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở là 90%, tăng 2% so với năm 2022.

- Tỷ lệ Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình huyện, thị xã, thành phố có chuyên mục, chuyên đề và Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn có tin, bài tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng tháng là 90%.

Nhìn chung, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu có những tiến bộ sơ với năm 2022, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, y tế, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, các chỉ tiêu đã đạt mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục được duy trì. Trong thời gian tới, Sở LĐTBXH sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bình đẳng giới; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố nhằm đảm bảo tính liên kết, hiệu quả giữa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch; chú trọng lồng ghép thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới với nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.


Đỗ Nhất
Nguồn tin: Văn phòng Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.