THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH - XÃ HỘI
   

Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa

Ngày tạo:  01/08/2023 17:10:37
Thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương, trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành luật trên các lĩnh vực quản lý của ngành; tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng và củng cố quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trên địa bàn tỉnh.

Công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thi hành

Sở LĐTBXH đã thực hiện tốt việc tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thi hành các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở, nhất là trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó: 

Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng Trọng tài lao động tỉnh Thanh Hoá, nhiệm kỳ 2016-2020 (Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoa); thành lập Hội đồng trọng tài lao động tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2021-2025 (Quyết định 1260/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 của UBND tỉnh). Hội đồng có chức năng hoà giải các tranh chấp lao động tập thể gồm: Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các đơn vị sử dụng lao động không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.

Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định bổ nhiệm Hoà giải viên lao động tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố; đây là lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” giúp người sử dụng lao động và người lao động thương lượng, giải quyết các tranh chấp lao động mới nảy sinh, góp phần tích cực phòng ngừa, hạn chế đình công, lãn công trái quy định của pháp luật, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ khi Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013 có hiệu lực đến tháng 6/2023, Sở LĐTBXH đã hướng dẫn 1.464 lượt doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký Nội quy lao động và Thoả ước lao động tập thể (tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký Nội quy lao động là 7,2% và tỷ lệ doanh nghiệp ký kết Thoả ước lao động tập thể còn hiệu lực lên 3,6%). Đây là các yếu tố góp phần tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động (do Thoả ước lao động tập thể chỉ quy định những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động so với pháp luật quy định). 

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành

Sở LĐTBXH đã đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về những nội dung cơ bản của Luật Hoà giải ở cơ sở và các quy định của pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành có liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Hoà giải viên lao động tại các huyện, thị xã, thành phố, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, người sử dụng lao động, người lao động trong doanh nghiệp và người dân tại cơ sở được tổ chức thường xuyên hằng năm. Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung vào các quy định của pháp luật về lao động, quan hệ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, kỹ năng tổ chức đối thoại, giải quyết tranh chấp lao động tại doanh nghiệp v.v… Từ đó, giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và các quy định về hoà giải ở cơ sở nói riêng cho công chức, viên chức, người lao động tại các phòng nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc Sở và các tầng lớp nhân dân. 

Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần xây dựng, củng cố quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp và hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân trong thực hiện chính sách xã hội, chính sách ưu đãi người có công tại cơ sở. 

Thường xuyên cập nhật, đăng tải nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên Trang thông tin điện tử của Sở tại địa chỉ: www.http://sldtbxh.thanhhoa.gov.vn để cán bộ và Nhân dân cập nhật, theo dõi nhanh chóng, thuận tiện, kịp thời. Đến nay, Trang thông tin điện tử của Sở đã có trên 620.000 lượt truy cập.

Tình hình và kết quả thực hiện Luật Hoà giải ở cơ sở

  • Việc củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hoà giải ở cơ sở

Sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh kéo theo sự gia tăng về lực lượng lao động khiến cho tình hình tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Để hạn chế tình trạng trên, trong những năm qua, ngành LĐTBXH đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật lao động; xây dựng, đăng ký thang bảng lương, quy chế trả lương, nội quy lao động, ký kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể v.v… Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải tranh chấp lao động ở cơ sở ngày càng được củng cố và hoạt động tích cực đã góp phần làm giảm rõ rệt các vụ đình công xảy ra, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Cụ thể:

- Giai đoạn 2014-2023, căn cứ Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động; Thông tư số 08/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2013 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ; Sở LĐTBXH đã hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách, hồ sơ người đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Hoà giải viên lao động cấp huyện để thực hiện chức năng hòa giải tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp tập thể khi có yêu cầu. Trên cơ sở đó, Sở LĐTBXH đã tổng hợp, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định bổ nhiệm 111 Hoà giải viên lao động trong giai đoạn 2014-2020, 134 Hòa giải viên lao động giai đoạn 2021-2025 tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố, với số lượng từ 02-09 người/huyện (thành phần là đại diện lãnh đạo các phòng, ban chức năng thuộc UBND huyện gồm: Phòng LĐTBXH; Liên đoàn Lao động; Phòng Tư pháp; Thanh tra huyện và Công an huyện, cán bộ trong doanh nghiệp), nhiệm kỳ bổ nhiệm là 05 năm. Hằng năm, đội ngũ Hoà giải viên lao động cấp huyện đều được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và kỹ năng hòa giải do Sở LĐTBXH phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức.

- Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động tỉnh Thanh Hoá nhiệm kỳ 2016-2020 (Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoa) với 07 thành viên do Giám đốc Sở LĐTBXH làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên gồm: Phó Giám đốc Sở LĐTBXH; Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh và lãnh đạo phòng nghiệp vụ phụ trách lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội của Sở LĐTBXH; Hội đồng trọng tài lao động tỉnh Thanh Hoá nhiệm kỳ 2021-2025 với 18 thành viên do Giám đốc Sở LĐTBXH làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên thuộc các cơ quan Sở LĐTBXH, Liên đoàn Lao động tỉnh, VCCI Thanh Hóa, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, Hội đồng trọng tài lao động tỉnh đã thực hiện tốt việc hướng dẫn cho đội ngũ Hòa giải viên lao động cấp huyện thực hiện chức năng hòa giải tranh chấp lao động và tham gia hỗ trợ trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

  • Tình hình và kết quả hoạt động hoà giải ở cơ sở trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành

Nhìn chung, tổ chức hoạt động của Hoà giải viên lao động đã đi vào nền nếp và tương đối ổn định, công tác hoà giải được tiến hành ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hoà giải thành trong số các vụ việc phát sinh hàng năm tăng cao góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh, ổn định tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp. Đa số các Hòa giải viên lao động có vai trò tích cực trong công tác giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công không đúng trình tự, thủ tục và kịp thời hỗ trợ giải quyết các vụ tranh chấp xảy ra trên địa bàn quản lý. Đặc biệt trong thời gian qua, đa số các vụ tranh chấp, đình công mới chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hoặc ngay khi vừa có dấu hiệu xảy ra thì đã được các Hòa giải viên lao động chủ động phối hợp với các ngành có liên quan giải quyết ngay, không để lây lan kéo dài. Điều này cho thấy khả năng nắm bắt thông tin, năng lực và uy tín của Hòa giải viên lao động ngày càng được nâng cao, góp phần hạn chế số vụ đình công, lãn công không đúng quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh so với những năm trước đây.     

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động giải quyết tranh chấp của Hòa giải viên lao động mới chủ yếu tập trung ở việc giải quyết các vụ tranh chấp lao động cá nhân và số vụ tham gia giải quyết cũng rất thấp (bình quân từ 20-30 vụ/năm); số vụ hoà giải tranh chấp lao động tập thể còn hạn chế (chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo Báo cáo).

Tình hình, kết quả bố trí kinh phí thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở

Theo quy định tại Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động; Thông tư số 08/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2013 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động, Hòa giải viên lao động, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong những ngày được cử để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp hợp đồng đào tạo nghề được hưởng chế độ bồi dưỡng như đối với Hội thẩm theo quy định về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết dân sự. Bên cạnh đó, Hòa giải viên lao động cũng được thanh toán công tác phí trong những ngày thực hiện công tác hòa giải theo chế độ công tác phí hiện hành và được bảo đảm các điều kiện cần thiết về phòng họp, tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ hòa giải tranh chấp lao động. Kinh phí hoạt động của Hòa giải viên lao động do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Tuy nhiên trên thực tế, do số lượng vụ việc có sự tham gia giải quyết tranh chấp của đội ngũ Hoà giải viên lao động hạn chế nên hầu hết các Hoà giải viên lao động chỉ thực hiện thanh toán công tác phí mà không thực hiện việc thanh toán chế độ bồi dưỡng.

Để nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở nói chung và công tác giải quyết tranh chấp lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói riêng, trong thời gian tới, Sở LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động và người lao động nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật và nhận thức đầy đủ quyền, lợi ích, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. 


Đỗ Nhất
Nguồn tin: Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa

File đính kèm
   

Nhập nội dung ý kiến của bạn.
Nhập tên của bạn.
Nhập email của bạn.