Hằng năm, việc tổ chức tết Trung thu cho trẻ em là hoạt động mang tính truyền thống, luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Nhằm đảm bảo cho tất cả trẻ em trên địa bàn tỉnh được đón tết Trung thu năm 2023 vui vẻ, đầm ấm, thiết thực, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 11362/UBND-VX ngày 07/8/2023 về việc tổ chức tết Trung thu năm 2023 và Công văn số 12852/UBND-VX ngày 31/8/2023 về việc tổ chức các hoạt động tết Trung thu năm 2023 để chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai, thực hiện các nội dung trọng tâm gồm: (1) Quan tâm tổ chức các hoạt động vui tết Trung thu cho trẻ em bảo đảm an toàn, lành mạnh, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; (2) Bố trí kinh phí và tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, tặng quà cho trẻ em; (3) Chú trọng bảo vệ sức khỏe trẻ em, nhất là vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ trẻ em khỏi ảnh hưởng bởi những sản phẩm, đồ chơi, trò chơi có tính bạo lực, phản giáo dục, kém chất lượng, độc hại, nguy hiểm, không phù hợp với trẻ em; (4) Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các hoạt động kinh doanh văn hóa phẩm, đồ chơi, trò chơi dành cho trẻ em và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện các hoạt động trong dịp tết Trung thu năm 2023 dành cho trẻ em theo nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức đa dạng các hoạt động dành cho trẻ em như: văn nghệ quần chúng, rước đèn Trung thu, trưng bày mâm cỗ Trung thu v.v…
Từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, hoạt động thông tin, tuyên truyền nhân dịp tết Trung thu được tăng cường, đẩy mạnh, tập trung thực hiện vào các nội dung như: đăng tải Thư của Chủ tịch nước gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp tết Trung thu năm 2023; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chú trọng truyền thông về trách nhiệm quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nhằm thay đổi hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm của người dân; tuyên truyền, vận động người dân tham gia tố giác, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn v.v…
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực đăng tải thông tin về hoạt động tết Trung thu trên Trang thông tin điện tử của ngành, cơ quan, đơn vị; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường thông tin về các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em trong dịp tết Trung thu, các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vươn lên trong học tập, những tấm gương người tốt, việc tốt giúp đỡ, ủng hộ trẻ em; đăng tải các tin, bài, chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi truyền thống phù hợp với trẻ em trong dịp tết Trung thu; tuyên truyền, vận động, khuyến khích trẻ em và gia đình tự tạo đồ chơi, hướng cho trẻ em chơi đồ chơi truyền thống, sử dụng đồ chơi sản xuất trong nước, không sử dụng đồ chơi nhập khẩu kém chất lượng, độc hại, nguy hiểm[1].
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên loa phát thanh địa phương về xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại gia đình, nhà trường và cộng đồng; ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, xây dựng kế hoạch tổ chức Tết Trung thu năm 2023 cho trẻ em trên địa bàn bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm[2].
[1] Các cơ quan, đơn vị đăng tải hơn 1.000 tin bài, bài viết, phóng sự, treo hơn 250 băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, 23 tranh áp-phích về vệ sinh an toàn thực phẩm cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền nhân dịp tết Trung thu năm 2023: Sở Thông tin và Truyền thông định hướng cho các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thông tin về các hoạt động tổ chức tết Trung thu cho trẻ em trên địa bàn tỉnh., đồng thời rà soát các thông tin trên mạng xã hội, phối hợp với các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời việc cung cấp, lan truyền các thông tin, nội dung tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị, địa phương để lựa chọn các tiết mục văn nghệ đặc sắc phù hợp với trẻ em để biểu diễn trong dịp tết Trung thu năm 2023, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa lựa chọn các vở kịch sân khấu thiếu nhi đã ghi hình để phát sóng nhằm phục vụ trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; ngành Y tế tổ chức treo 160 băng-rôn truyền thông về an toàn thực phẩm, truyền thông, phổ biến kiến thức thông qua các bài viết trên Website của các đơn vị y tế về cách lựa chọn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, hoạt động kiểm tra dịp tết Trung thu; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc, trường học trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý tổ chức các hoạt động vui tết Trung thu cho học sinh trong trường học gắn với hoạt động của năm học mới; quan tâm, thăm hỏi, động viên học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn để hỗ trợ, trao học bổng, tặng quà cho học sinh.
[2] Hệ thống Đài Truyền thanh cấp xã đăng, phát gần 600 tin, bài phản ánh về các hoạt động tổ chức đón tết Trung thu trên địa bàn; đăng tải nội dung Thư của Chủ tịch nước gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu năm 2023.
Hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm (đặc biệt quan tâm đến nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em mồ côi, v.v…). Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực vận động các nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ và tổ chức tết Trung thu thiết thực, ấm cúng, ý nghĩa cho trẻ em. Trong dịp tết Trung thu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 348.683 trẻ em (ưu tiên đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn) được thăm hỏi, tặng quà với tổng giá trị là 16.329.887.000 đồng.
a) Cấp tỉnh
- Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đi thăm hỏi, động viên, tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, Làng Trẻ em SOS Thanh Hóa, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cho người mù Thanh Hóa, Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa và trẻ em tại các huyện[1](kinh phí thực hiện là 427.693.000 đồng từ nguồn kinh phí vận động của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam).
- Ban thường vụ Tỉnh đoàn trao tặng 90 suất quà cho 90 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trị giá 35.000.000 đồng, 600 suất bánh kẹo trị giá 120.000.000 đồng cho trẻ em tại huyện Thiệu Hóa; tặng 50 suất quà cho 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trị giá 50.000.000 đồng và 500 suất bánh kẹo, trị giá 100.000.000 đồng cho trẻ em tại thành phố Thanh Hóa.
b) Cấp huyện
Chính quyền địa phương đã quan tâm, huy động các nguồn lực tổ chức các hoạt động vui tết Trung thu, hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em trên địa bàn dân cư. Một số đơn vị tiêu biểu như: thành phố Thanh Hóa, huyện Như Thanh, thành phố Sầm Sơn, huyện Vĩnh Lộc, huyện Cẩm Thủy[2].
[1] Bao gồm: 30 suất quà trị giá 10.000.000 đồng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2; 120 suất quà trị giá 10.000.000 đồng tại Làng Trẻ em SOS Thanh Hóa; 35 suất quà trị giá 10.000.000 đồng tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cho người mù Thanh Hóa; 100 suất quà trị giá 50.000.000 đồng tại Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa; trao quà (sữa TH Truemilk) trị giá 105.693.000 đồng cho 828 trẻ em huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa, Thường Xuân, Nga Sơn; trao quà (xe đạp, học bổng, đồ dùng học tập) trị giá 42.000.000 đồng cho 50 trẻ em huyện Hà Trung; trao quà (quạt, quạt tích điện, bình nước nóng) trị giá 200.000.000 đồng cho trẻ em các Trường Mầm non, Tiểu học thuộc huyện Nông Cống, Quan Hóa, Quan Sơn, Hậu Lộc và Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2.
[2] (1) Tại thành phố Thanh Hóa: thăm, tặng quà cho trẻ em tại Làng trẻ SOS Thanh Hóa, trị giá 7.000.000 đồng; thăm, tặng quà cho 10 trẻ em tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố, trị giá 12.000.000 đồng; tặng 68 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn vươn lên vượt khó học giỏi của thành phố (tiền mặt 1.000.000 đồng/em và quà tặng); tặng 40 suất quà cho các em học sinh trường Tiểu học Minh Khai 2 (mỗi suất quà trị giá 1.000.000 đồng tiền mặt và quà tặng); Nhà tài trợ Công ty TNHH thực phẩm dinh dưỡng Nutridiamond trao học bổng 10.000.000 đồng cho trường Tiểu học Minh Khai 2 và 1.700 hộp sữa nước cho các em thiếu nhi tham gia chương trình Trung thu; Hội Khuyến học các cấp của thành phố đã vận động, trao quà cho các trẻ em nghèo vượt khó học giỏi với tổng số tiền là 75.420.000 đồng; (2) Tại huyện Như Thanh: tổ chức trao quà hỗ trợ cho 200 em học sinh mồ côi, khuyết tật, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trao gần 800 suất quà bánh kẹo, đèn ông sao, tổng kinh phí trên 100.000.000 đồng cho trẻ em; các xã, thị trấn đã tổ chức vận động trao tặng quà cho 25.324 trẻ em, số tiền 1.271.600.000 đồng; (3) Tại thành phố Sầm Sơn: tặng quà cho 394 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, với kinh phí là 115.160.000 đồng; trao 1.210 suất quà trị giá gần 350.000.000 đồng; (4) Tại huyện Vĩnh Lộc: 13/13 xã, thị trấn tổ chức các hoạt động tặng quà cho trẻ em nhân dịp tết Trung thu, tổng số lượt trẻ em được tặng quà 15.315 em, trị giá 584.758.000 đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ tặng 65 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 13.000.000 đồng; 60 suất quà cho trẻ em mồ côi với tổng số tiền là 6.000.000 đồng; 09 suất quà cho trẻ em mồ côi học giỏi với tổng số tiền là 9.000.000 đồng; có 07/15 xã, thị trấn tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 181 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng giá trị quà là 30.750.000 đồng; 01 xã đã tổ chức tặng quà khuyến học cho 450 trẻ em trong xã có thành tích cao trong học tập với tổng giá trị quà là 30.370.000 đồng; (5) Tại huyện Cẩm Thủy: tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với 352 suất quà, trị giá 370.000.000 đồng.
Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 5.018 điểm vui tết Trung thu cho trẻ em, chủ yếu tập trung tại Nhà văn hóa của thôn, xóm, khu phố, bản, làng và các cơ quan, đơn vị, trường học. Đây là các hoạt động, chương trình được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho trẻ em tham gia, đồng thời duy trì các hoạt động truyền thống của dân tộc và động viên, khuyến khích trẻ em cố gắng học tập để đạt kết quả tốt trong năm học mới.
a) Cấp tỉnh
- Tỉnh đoàn phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa và UBND huyện Thiệu Hóa tổ chức chương trình “Vui tết Trung thu năm 2023” nhằm động viên sự cố gắng, động viên tinh thần và góp phần giúp đỡ trẻ em vượt qua khó khăn, vươn lên học tập tốt.
- Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức “Đêm hội trăng rằm” tại Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, chương trình đã thu hút đông đảo trẻ em tham dự.
b) Cấp huyện
- Các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức các điểm cho trẻ em vui Tết Trung thu tại các điểm trường học, cơ quan, cộng đồng dân cư, thôn, bản, khu phố trên địa bàn, một số đơn vị tiêu biểu như: huyện Như Thanh tổ chức tết “Trung thu cho em” tại trường Tiểu học Yên Thọ 2, với sự tham gia của trên 1.000 người, trong đó có 730 học sinh; thành phố Sầm Sơn tổ chức 118 điểm cho trẻ em vui tết Trung thu, 86/86 thôn, tổ dân phố tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho trẻ em tại các Nhà văn hóa trên địa bàn dân cư, thu hút 30.088 lượt trẻ em tham dự; huyện Triệu Sơn tổ chức “Đêm hội trăng rằm” tại Hội trường UBND huyện và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ với chủ đề “Đêm hội Trung thu hướng tới xây dựng nông thôn mới năng cao; nông thôn mới kiểu mẫu” thu hút sự quan tâm, ủng hộ, tham gia của toàn thể Nhân dân tại địa phương.
a) Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh thực phẩm phục vụ tết Trung thu
- Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân công, phân cấp quản lý; tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu năm 2023: Sở Y tế chủ trì 01 Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, cử cán bộ chuyên môn tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đã tiến hành kiểm tra 20/33 cơ sở được giao nhiệm vụ (kết quả: không có cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính).
- Sở Công Thương đã chủ trì 01 Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, cử cán bộ chuyên môn tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (tập trung kiểm tra các nội dung: điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý liên quan; ghi nhãn hàng hóa; truy xuất nguồn gốc thực phẩm; quảng cáo thực phẩm, v.v…); thực hiện kiểm tra 27/34 cơ sở được giao nhiệm vụ (kết quả: có 02/27 cơ sở vi phạm, xử phạt 16.000.000 đồng).
Thông qua việc kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết Trung thu năm 2023, các Đoàn kiểm tra liên ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cũng như nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.
b) Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tết Trung thu
- Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường; kịp thời triển khai hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trước, trong và sau tết Trung thu (đặc biệt là mặt hàng bánh trung thu và đồ chơi trẻ em)[1].
Kết quả: đã kiểm tra 75 vụ, số vụ xử lý vi phạm là 75 vụ, tổng số tiền phạt do vi phạm hành chính là 186.750.000 đồng. Hàng hóa bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy là: đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, các loại thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giá trị hàng tiêu hủy là 104.009.000 đồng.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp Đội Quản lý thị trường, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường tết Trung thu, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, không kinh doanh các sản phẩm, đồ chơi, mặt hàng có tính chất bạo lực, độc hại gây nguy hiểm cho trẻ em. Phát động người dân tại cộng đồng dọn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp trong dịp tết Trung thu năm 2023.
c) Bên cạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh thực phẩm phục vụ tết Trung thu và công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tết Trung thu, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đảm bảo công tác phòng, chống cháy, nổ cho trẻ em khi sử dụng các đồ chơi Trung thu có chứa các nguyên vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao (đèn ông sao, đền lồng có đốt nến, bóng bay sử dụng khí dễ bắt lửa gây cháy nổ v.v…), hạn chế đốt lửa trại, pháo hoa trong các hoạt động phá cỗ trông trăng tại gia đình, khu vực công cộng; bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích, gây ngộ độc với các sản phẩm đồ chơi được cất giữ, lưu thông, mua bán trong dịp tết Trung thu; bảo đảm an toàn đối với các phương tiện giao thông và các tuyến đường có số lượng lớn trẻ em và người dân tham gia giao thông trong dịp tết Trung thu, do đó trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, mất an toàn đối với trẻ em trong dịp tết Trung thu.
[1] Đối với mặt hàng bánh trung thu: (trước tết Trung thu): kiểm tra nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, v.v…; (trong dịp tết Trung thu): phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh Trung thu về hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, việc thực hiện các quy định về ghi nhãn, niêm yết giá, quảng cáo, khuyến mại và việc chấp hành các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; (sau dịp tết Trung thu): tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng được bán giảm giá, khuyến mại hoặc tái sử dụng. Khi phát hiện vi phạm thì kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan để truy xuất nguồn gốc, đình chỉ lưu thông sản phẩm góp phần bảo đảm quyền lợi và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em: (trước tết Trung thu): kiểm tra hoạt động vận chuyển, các cơ sở kinh doanh có quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng, bán hàng qua mạng các mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em; (trong và sau tết Trung thu): phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích dộng bạo lực. Kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm vi phạm kịp thời theo đúng thời gian quy định.
Tổng kinh phí tổ chức các hoạt động trong dịp tết Trung thu năm 2023 là: 23.224.124.000 đồng (tăng 514.876.000 đồng so với năm 2022), trong đó:
- Nguồn ngân sách Nhà nước là: 3.048.816.000 đồng;
- Nguồn huy động, vận động là: 20.175.308.000 đồng.
Hoạt động vui tết Trung thu được tổ chức phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó: hoạt động thông tin, truyền thông trong dịp tết Trung thu được tổ chức phù hợp, hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng, toàn xã hội đối với trẻ em; hoạt động thăm hỏi, tặng quà được quan tâm thực hiện góp phần khuyến khích, động viên, hỗ trợ trẻ em vượt qua khó khăn, nỗ lực, cố gắng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Đỗ Nhất |
Nguồn tin: Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa |
File đính kèm |