Xác định rõ điều đó, Sở LĐ-TBXH đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số. Đồng thời, sở ban hành các kế hoạch về việc ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng, giai đoạn 2021-2025; việc chuyển đổi số của ngành năm 2023 và việc thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong năm 2023... Tổ chức các hội nghị quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, sở tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành hệ thống phần mềm tra cứu hồ sơ trực tuyến người có công; CSDL hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội; CSDL cung, cầu lao động; CSDL tài chính, trợ cấp ưu đãi người có công... Triển khai thực hiện đồng bộ các giao dịch điện tử, chữ ký số và ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của ngành. Tuân thủ quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử trên các phần mềm quản lý chuyên dụng. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đạt 100%. Sở cũng đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Dương Văn Huệ cho biết: Đến nay sở có 6 thủ tục hành chính đạt mức độ 3; 66 thủ tục hành chính đạt mức độ 4; thực hiện việc kết nối và tiếp nhận “giải quyết chính sách trợ giúp xã hội” và “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, sở còn phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu cho gần 70.000 người cao tuổi, hơn 60.000 người có công với cách mạng; trên 48.000 hộ nghèo và trên 68.000 hộ cận nghèo với CSDL quốc gia về dân cư theo Đề án 06. Cập nhật CSDL về cán bộ công chức, viên chức với 473/473 hồ sơ, đảm bảo tiêu chí “Đúng - đủ - sạch - sống”, đây cũng chính là nội dung quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành thời gian qua. Về hồ sơ người có công được số hóa đạt 100%, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin và giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi người có công được thuận tiện, dễ dàng hơn nhiều so với trích lục hồ sơ giấy. Nếu trước đây cần tìm một hồ sơ phải vào sổ tìm số, sau đó vào kho lưu trữ để trích lục, mất nhiều thời gian, thì từ ngày số hóa, các tài liệu giấy được scan vào máy tính và quản lý trên phần mềm, rất thuận lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu hồ sơ.
Sở cũng thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em tại cơ sở vào phần mềm quản lý, nhằm đảm bảo 100% dữ liệu cần thiết phục vụ hoạt động quản lý thông tin về đối tượng tại cơ sở được số hóa, khai thác, sử dụng hiệu quả. Hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa xây dựng mô hình cấp tài khoản an sinh xã hội để tiến hành cấp tài khoản an sinh. Thực hiện chi trả các khoản trợ cấp qua tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile money... từ ngân sách nhà nước đạt 100%.
Để phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số, ngành LĐ-TBXH đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó có các nhóm giải pháp trọng tâm là: Áp dụng công nghệ, số hóa trong việc kết nối cung - cầu lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới. Tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Việc ứng dụng CNTT đã góp phần tư vấn, kết nối việc làm cho người tìm việc và nhà tuyển dụng thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, đặc biệt là phiên giao dịch việc làm trực tuyến...
Việc tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã từng bước thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức từ hành chính, giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng; giúp hoạt động của cơ quan, đơn vị ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức ngành LĐ-TBXH được tốt hơn. Chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng lên; cải thiện dịch vụ công, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bài và ảnh: Mai Phương |
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa |
File đính kèm |