Theo dự thảo, bổ sung một số nhóm tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng, hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
Nhóm nữa là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Đồng thời, thêm nhóm không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm: Người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc; người đã nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng; người đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng; người giúp việc gia đình.
Trong khi đó, luật hiện hành quy định các trường hợp không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình.
Nhằm góp phần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ở lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất thêm quyền lợi cho người lao động thất nghiệp.
Theo khoản 1 Điều 96 dự thảo Luật, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp được Bộ LĐTBXH đề xuất đã được bổ sung thêm 2 chế độ so với quy định hiện hành.
Đó là, hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua thì người lao động thất nghiệp sẽ được hưởng 5 chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 3 chế độ hiện hưởng, bổ sung thêm 2 chế độ mới, và bỏ 1 chế độ so với hiện hành.
Theo đó, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Căn cứ tình hình kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ quy định việc hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp và các hỗ trợ khác trong trường hợp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
So với Luật Việc làm hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ chế độ hỗ trợ học nghề. Thực tế, chính sách này những năm qua chưa thu hút được số lượng lớn lao động tham gia.
Bộ LĐTBXH cho biết, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: "Khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp".
Mặt khác, giai đoạn 2015-2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm), đến năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,5% lực lượng lao động lao động trong độ tuổi.
Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là một thách thức lớn.
Theo Luật Việc làm hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.
Vì vậy, đó là căn cứ để Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp như trên để đảm bảo độ bao phủ và quyền lợi người lao động.
Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
File đính kèm |