Trước đây, hằng tháng, chị Phan Thị Xuân ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) phải mang sổ ra nhà văn hóa để nhận tiền trợ cấp người cao tuổi cho mẹ chồng, nhưng khoảng gần 1 năm nay, chị không phải đến tận nơi mà số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của chị. “Mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền trợ cấp, chúng tôi không mất chi phí và được hướng dẫn nhiệt tình, không gặp vấn đề khó khăn gì. Việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt là cách làm rất thuận lợi cho chúng tôi, chúng tôi không phải nhớ ngày, không phải xếp hàng đợi chờ mỗi khi đến ngày nhận tiền” - chị Xuân bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Hợp ở xã Thọ Hải (Thọ Xuân) cũng bày tỏ sự hài lòng: "Hằng tháng, tôi được nhận tiền trợ cấp người có công với cách mạng, nhưng thường xuyên quên ngày đi nhận. Vài tháng nay, tiền trợ cấp của gia đình được tự động chuyển vào tài khoản ngân hàng nên rất thuận lợi. Khi được phổ biến về chủ trương chi trả ASXH qua tài khoản, tôi liền đồng ý. Tôi đã có tài khoản ngân hàng từ trước đó nên không phải mở tài khoản mới. Trước đây nhiều tháng tôi quên không ra ký nhận tiền, khi thực hiện chi trả tiền qua tài khoản giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, không lo quên ngày nhận chế độ trợ cấp”.
Bà Hà Thị Ngân, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Thọ Xuân, cho biết: "Tiện ích thấy rõ nhất là người dân thuộc diện thụ hưởng chính sách được bảo đảm nhận ưu đãi đúng thời gian, số tiền theo danh sách chi trả do ngành LĐTB&XH cung cấp. Thời gian chi trả cho các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội thực hiện tùy theo từng địa bàn. Bên cạnh đó, là tiện ích về các phương thức thanh toán chi trả ưu đãi xã hội. Chi trả ưu đãi ASXH được thực hiện bởi các đơn vị Nhà nước và dịch vụ bưu chính công ích bảo đảm tính chuyên nghiệp, được quản lý thống nhất, bảo đảm an toàn các nguồn tiền chi trả do cơ quan LĐTB&XH quản lý. Vấn đề an toàn tiền mặt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, chuyên nghiệp. Người dân có thể chọn bất kỳ một trong các hình thức phù hợp với nhu cầu của bản thân và đặc thù nơi cư trú, bao gồm: Rút tiền trực tiếp tại các điểm rút tiền của ngân hàng; rút tiền tại các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã hoặc các điểm thuê tại UBND cấp xã của chi cục bưu điện. Tất cả nhằm tạo thuận lợi cho người thụ hưởng. Các trường hợp không thể đi lại được, nhân viên chi trả phục vụ tận nhà và bảo đảm về con người, cơ sở vật chất và thực hiện đúng chế độ, thời gian chi trả hằng tháng cho đối tượng".
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, bình quân mỗi năm toàn tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp đối với trên 800.000 lượt đối tượng chính sách người có công với cách mạng với tổng kinh phí thực hiện trên 1.500 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho trên 7.900 đối tượng hưởng chính sách ASXH (đạt tỷ lệ trên 76% so với đối tượng đã có tài khoản). Tính đến hết năm 2023, Thanh Hóa là một trong những địa phương triển khai tốt chi trả không dùng tiền mặt (Hà Nội đạt 60,65%; Hà Tĩnh đạt 18,83%; Nghệ An đạt 2,7%). Bên cạnh đó, hằng tháng, toàn tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp cho 193.000 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền chi trả trên 100 tỷ đồng. Người dân thuộc diện hưởng chính sách trợ cấp ASXH được nhận trợ cấp đầy đủ, nhanh chóng, đúng số tiền theo danh sách chi trả do ngành LĐTB&XH cung cấp. Công tác tổ chức chi trả được thực hiện khoa học và hợp lý, đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian của người nhận trợ cấp ASXH.
Thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những lợi ích từ việc nhận trợ cấp không dùng tiền mặt, các quy trình, thủ tục mở tài khoản. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước, thực hiện hiệu quả các chính sách ASXH cho người dân. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố được yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ cơ sở, lực lượng công an cấp xã; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu; tham khảo, học hỏi cách làm hay, sáng tạo của các huyện, thành phố triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Đặc biệt, không để tình trạng đối tượng nhận trợ cấp chi trả qua tài khoản chậm hơn thời gian chi trả theo quy định, đảm bảo quyền và lợi ích cho các đối tượng. Tại các xã, phường, thị trấn bố trí bộ phận thường trực hỗ trợ, trao đổi, giải đáp thắc mắc của đối tượng trong quá trình cập nhật rút tiền qua tài khoản...
Có thể khẳng định, việc thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt sẽ tạo điều kiện để các đối tượng chính sách xã hội được tiếp cận các dịch vụ tiện ích hiện đại, hưởng trợ cấp đúng thời gian, có phương thức thanh toán đa dạng, không mất chi phí quản lý, không phải xếp hàng chờ đợi lâu và an toàn, thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt. Sở LĐTB&XH đang tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các huyện, thành phố, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện mở tài khoản, thanh toán tiền trợ cấp cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH không dùng tiền mặt.
Bài và ảnh: Trần Hằng |
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa |
File đính kèm |